UBND tỉnh Bình Thuận vừa cấp phép cho cụ Trần Văn Tiệp và các cộng sự được tiếp tục thăm dò tại núi Tàu (Phước Thể, Tuy Phong) để tìm kiếm kho vàng 4.000 tấn.


Thời gian gia hạn được kéo dài đến hết ngày 30/6/2013.
 
Như vậy đây là lần thứ 4 tỉnh Bình Thuận cấp phép cho dự án tìm kiếm kho báu trên Núi Tàu
 
Giải thích về lý do tiếp tục cho cụ Tiệp thăm dò, trên Thanh niên, ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định việc gia hạn là có căn cứ.
 
Cụ thể, ông Phương cho biết UBND tỉnh đã nhận được văn bản xin gia hạn của cụ Trần Văn Tiệp và các cộng sự, trong đó nêu rõ những khó khăn trong quá trình thăm dò đồng thời đưa ra được một số kết quả khảo sát của một công ty địa chất. Cụ Tiệp cũng là người tâm huyết theo đuổi dự án này trong suốt mấy chục năm qua.


Sau nhiều lần đào xới, núi Tàu đã bị cày nát (Ảnh: Sài Gòn tiếp thị)

Lần đầu tiên UBND tỉnh Bình Thuận cấp phép cho cụ Tiệp thăm dò kho báu là vào năm 1993. Sau nhiều năm đào xới không phát hiện được gì, đến năm 2003, UBND tỉnh Bình Thuận quyết định cưỡng chế, chấm dứt thăm dò.
 
Không bị khuất phục, cụ Tiệp tự bỏ tiền thuê công ty địa chất khảo sát. Trong bản đồ 3D gửi lên UBND tỉnh Bình Thuận có chỉ rõ vị trí của dãy dị thường. Dựa theo cơ sở này, lãnh đạo tỉnh tiếp tục đồng ý cho cụ Tiệp thăm dò từ 10/10/2011 đến hết ngày 10/7/2012.
 
Để thực hiện dự án này, ông Tiệp phải ký quỹ 500 triệu đồng để tái lấp mặt bằng sau khi thăm dò (trong trường hợp không tìm thấy kho báu).
 
Trong trường hợp tìm thấy kho báu và kho báu đó có giá trị trên 10 tỷ đồng thì ông Tiệp sẽ được hưởng 0,5% giá trị. Tuy nhiên vì quyết định thăm dò do UBND tỉnh Bình Thuận cấp nên mức thưởng tối đa mà cấp tỉnh có thể thưởng nếu ông Tiệp tìm được kho báu chỉ không quá 200 triệu đồng (theo nghị định 96/2009/NĐ-CP).
 
Sau 270 ngày tìm kiếm không phát hiện thêm dấu tích gì, tháng 10/2012, tỉnh Bình Thuận lại tiếp tục cho phép gia hạn tìm kiếm thêm 3 tháng, đến hết ngày 10/10/2012.
 
Đến thời hạn trên, toàn bộ phần diện tích 2.400m2 trên núi Tàu đã bị xẻ nát hết lượt. Những hố thăm dò có độ sâu chừng 5m san sát nhau, nhiều tảng đá lớn bị đào xới, trực chờ rơi xuống chân núi bất cứ lúc nào. Tuy nhiên cửa kho báu… vẫn chưa hiện ra.
 
Thời điểm đó, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận từng khẳng định sẽ không cấp phép hay gia hạn cho dự án này nữa. Đồng nghĩa phía đội thăm dò phải hoàn thổ, rút toàn bộ nhân công và cơ giới khỏi núi Tàu.
 
Tuy nhiên, một lần nữa cụ Tiệp lại tiếp tục được gia hạn.
 
Theo thông tin mới nhất do đội thăm dò của cụ Tiệp cung cấp, hiện một công ty địa chất tại Hà Nội đã tiến hành đo đạc lại toàn bộ núi Tàu bằng phương pháp địa bức xạ.
 
Kết quả cho thấy, trong quá trình đo đạc đã phát hiện 2 đường hầm và 2 hài cốt nằm ở miệng hầm giống như “lính gác cửa” bị chôn vùi theo kho báu.
 
Ngoài ra, phía công ty địa chất khẳng định 3 điểm trên đỉnh núi chỉ là những điểm cất giấu một lượng rất nhỏ vàng bạc. Còn 5 khu vực khác (2 chính, 3 phụ) với những hình dạng, kích thước, độ sâu, đặc điểm xếp đặt với dấu hiệu định lượng của tài sản nghi bị chôn giấu cũng đã được xác định.
 
Hiện toàn bộ dữ liệu này đã được gửi lên UBND tỉnh Bình Thuận.
 
M.Đức