HTML clipboard  – Kỹ sư Nguyễn Viết Thịnh hiến kế 7 giải pháp để cứu cụ rùa Hồ Gươm và phục hồi môi trường sống Hồ Gươm, trong đó có sáng kiến tạo hai rốn hồ giữa lòng hồ để cụ rùa có chỗ nghỉ an toàn.

Cụ rùa đang bị xâm hại và lâm nguy. VietNamNet kính mời các nhà khoa học và quý vị độc giả hãy hiến kế cứu cụ rùa. Bài viết xin gửi về banxahoi@vietnamnet.vn.


Cứu cụ rùa cần tính đến cả việc cứu Hồ Gươm

Những quan ngại về mối đe dọa sức khỏe cụ rùa Hồ Gươm không chỉ dừng lại ở những thủ phạm cọc nhọn, những người câu trộm cá, rùa tai đỏ… mà còn ở chính môi trường nước hồ Gươm – nơi cụ rùa đã sinh sống nhiều trăm năm nay.

Kỹ sư Nguyễn Viết Thịnh (Công ty TNHH Kỹ thuật - Công nghệ và TM HTH) tham vấn 7 giải pháp, trong đó, nhiều giải pháp của ông tập trung vào việc cải tạo, nạo vét hồ Gươm để trả lại môi trường sống trong lành cho cụ rùa.

Cụ rùa - hình ảnh thân thuộc gắn với Hồ Gươm hàng trăm năm nay. - Ảnh: báo Hà Nội Mới.

Theo ông Thịnh, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hồ Hoàn Kiếm đã chịu không ít tác động của con người. Chất lượng nước hồ ngày càng suy giảm, lượng nước trong hồ ngày càng giảm do rác thải tích tụ, lớp bùn ngày một dày lên và lòng hồ không được nạo vét trong nhiều năm.

Đã có nhiều giải pháp được đưa ra bởi các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, tổ chức, cá nhân… nhằm cải tạo, phục hồi hiện trạng vốn có của hồ Hoàn Kiếm. Trước đó, giải pháp hút bùn ngầm sử dụng công nghệ và thiết bị của Cộng hòa liên bang Đức đã thực hiện hút thử nghiệm khoảng 1.000m2 mặt hồ. Ưu điểm của giải pháp này là hút bùn mà không gây xáo trộn nhiều đến các hệ sinh thái có trong hồ.

Tuy nhiên, vẫn có một số nhược điểm mà giải pháp này chưa khắc phục được như thiết bị chỉ hút được bùn mà không loại bỏ được dị vật như gạch, đá, bê tông, sành sứ, chai lọ thủy tinh, cành cây, sắt thép… có trong hồ.

Trong khi đó, những dị vật này mới chính là thứ cần phải loại bỏ khỏi hồ. Khả năng lớn nhất hiện nay gây ra các vết thương, trầy xước trên thân mình loài rùa Hoàn Kiếm là do quá trình bơi, lặn đã cọ sát vào một số dị vật sắc cạnh có trong lòng hồ.

Ngoài ra, cũng có một số giải pháp khác được đưa ra như đưa rùa Hoàn Kiếm lên bờ để kiểm tra, chăm sóc, điều trị…, sau đó tiến hành hút xả toàn bộ nước có trong hồ rồi tiến hành nạo vét cải tạo trên quy mô lớn như đã từng thực hiện ở một số hồ như hồ Bảy Mẫu, hồ Thiền Quang. Theo ông Thịnh, giải pháp này chưa thực sự phù hợp, bởi khi đó sẽ làm thay đổi gần như toàn bộ hệ sinh thái vốn có của hồ và biến hồ thành một đại công trường đầy đất, bụi, ảnh hưởng không nhỏ đến tính mỹ quan nơi linh thiêng này.

Tạo hai rốn hồ giữa lòng hồ Gươm

Dựa trên việc phân tích, nghiên cứu tổng thể về hồ Gươm, kỹ sư Nguyễn Viết Thịnh đưa ra 7 giải pháp cứ cụ rùa và cứu Hồ Gươm. Trong đó, ông Thịnh đặc biệt chú trọng tới việc tạo rốn hồ để cụ rùa có chỗ nghỉ an toàn dưới lòng hồ.

HTML clipboard

Theo ông Thịnh, cần tạo hai rốn hồ ở vị trí thích hợp trong lòng hồ, sau đó nạo vét sâu hẳn xuống khoảng hơn 1m với đường kính khoảng 10m để tạo thành rốn hồ.

Cũng vẫn sử dụng thiết bị nạo vét đã nêu ở trên để không làm ảnh hưởng đến chất lượng nước cũng như các sinh vật có trong hồ. Mục đích của việc làm này là tạo nơi nghỉ cho rùa hồ Hoàn Kiếm và một số sinh vật khác có trong hồ, để khi vào ngày hè nóng có thể vào các rốn hồ này để nghỉ, để tránh nóng. Hiểu nôm na cách làm trên là hồ Hoàn Kiếm như cái nhà của rùa, còn khu vực này như phòng nghỉ của cụ rùa.

Để đánh dấu vị trí các rốn thì bên trên mặt nước của các rốn này sẽ để các bè nổi trồng thủy trúc, lục bình… các bè này được neo cố định với đáy hồ, vừa nhằm mục đích đánh dấu vừa nhằm mục đích tạo bóng mát cho rốn hồ.

Rốn hồ cũng là nơi để xác định xem cụ Rùa có đang ở trong rốn hay không bằng cách tại một rốn đặt các que bằng ống trúc, một đầu gắn vào quả cầu tròn đổ bê tông (có kết cấu giống như con lật đật) vị trí cách nhau 1 – 1,5m, khi rùa vào rốn sẽ làm lay động cùng lúc 2 que, còn các cũng như các sinh vật khác đang có trong hồ thì không thể thực hiện được việc này.

Việc làm này có tác dụng khoanh vùng cụ rùa, để khi cần thiết có thể (bắt) đưa cụ rùa lên chăm sóc, điều trị. Căn cứ vào đặc tính này, ông Thịnh cũng đang thiết kế, và có thể chế tạo ra được thiết bị chuyên dụng để (bắt) cụ rùa khi cần thiết. Và chỉ (bắt) đúng cụ chứ không bắt nhầm sinh vật khác như đã nêu ở trên.

Một việc làm quan trọng khác, đó là tạo vi bọt để làm giàu ô xy nước Hồ Gươm. Ngày nay đã có nhiều nghiên cứu ứng dụng của vi bọt trong nhiều ngành công nghiệp, xử lý nước thải, nuôi trồng thủy hải sản, sản xuất thực phẩm (dạng lỏng như rượu bia, nước giải khát…) y tế, hàng hải – giảm ma sát cho tàu lớn, khử trùng, nông nghiệp, cải thiện khả năng làm sạch, tuyển nổi, hòa tan… và xử lý, phục hồi, cải tạo ao hồ.


 
Sẽ có hai rốn hồ ở giữa hồ Gươm để cụ rùa có chỗ nghỉ an toàn - Ảnh: Phú Thái

Hiện nay, nồng độ oxy hòa tan có trong nước Hồ Gươm đang ở mức thấp, nhất là vào những ngày nắng nóng, do đó cần phải bơm thêm oxy vào trong hồ. Tuy nhiên, cách (bơm) như thế nào là điều đáng bàn. Ông Thịnh đề xuất phương pháp thiết kế chế tạo thiết bị tạo vi bọt để cấp oxy cho hồ.

Đối với giải pháp loại bỏ các loài xâm hại ngoại lai đe dọa môi trường sống của cụ rùa Hồ Gươm, ông Thịnh cũng đưa ra các phát kiến chế tạo thiết bị bắt rùa tai đỏ chuyên dụng (dựa trên đặc tính thích phơi nắng và thích ăn xác động vật chết của rùa tai đỏ); chế tạo thiết bị nạo vét các dị vật có trong hồ.

Những thiết bị này cần phải đáp ứng được những yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo an toàn tối đa cho rùa Hoàn Kiếm; không gây vẩn đục nước hồ cũng như không gây ô nhiễm cho hồ; chỉ bắt rùa tai đỏ, không bắt cá và các sinh vật khác; có thể bắt được rùa cả vào ngày lạnh ít nắng cũng như ngày nắng, ban ngày cũng như ban đêm; có thể bắt được nhiều rùa và một vài ngày sau mới đi thu bẫy, bỏ thêm mồi.

Đối với thiết bị bắt rùa Hoàn Kiếm chuyên dụng, hiện có nhiều luồng ý kiến về việc nên hay không nên bắt và đưa rùa Hoàn Kiếm lên bờ hoặc khu vực riêng biệt để tiện cho việc kiểm tra, chăm sóc, cứu chữa những vết thương trên mình rùa Hoàn Kiếm.

Tuy nhiên, theo ông Thịnh, việc bắt cụ rùa và đưa cụ lên một chỗ mới để tiện chăm sóc, chữa trị vết thương là việc nên làm, nhưng phải đáp ứng được tiêu chí đầu tiên đó là đảm bảo an toàn tối đa cho rùa hồ Hoàn Kiếm, cũng như không gây ảnh hưởng đến môi sinh hồ Hoàn Kiếm.

Nếu lo ngại việc bắt, đưa ngay rùa Hoàn Kiếm lên bờ hoặc mang đến một hồ nhỏ khác để kiểm tra, theo dõi, điều trị, có thể gây xáo động lớn đến rùa Hoàn Kiếm thì có thể bắt, nuôi nhốt tạm thời rùa Hoàn Kiếm trong một không gian riêng ngay trong chính lòng hồ Hoàn Kiếm.

Ông Thịnh đang trong quá tình hoàn thành bản vẽ thiết kế chi tiết thiết bị này và tính toán kinh tế kỹ thuật cho nó. Thiết bị này cũng phải đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật đảm bảo an toàn tối đa cho rùa Hoàn Kiếm; không gây vẩn đục nước hồ cũng như không gây ô nhiễm cho hồ; chỉ phát động việc bắt rùa khi trong bẫy có rùa Hoàn Kiếm; sau khi bắt được rùa hồ Hoàn Kiếm thiết bị có thể là nơi nuôi nhốt và chăm sóc riêng biệt cho rùa Hoàn Kiếm. Rùa Hoàn Kiếm ở trong thiết bị này vẫn được sống trong môi trường nước hồ nhưng trong lành hơn, giàu oxy hơn nhờ các thiết bị lọc và bơm bổ xung oxy gắn kèm thiết bị.

Thiết bị có đường kính khoảng 10 – 15m, phần đáy có túi riêng biệt đường kính khoảng 3m, đủ để chứa được rùa rồi cẩu đưa lên bờ kiểm tra, chăm sóc, điều trị khi cần thiết.

Kỹ sư Nguyễn Viết Thịnh cũng đề xuất giải pháp lắp đặt thiết bị hút và lọc tuần hoàn nước hồ. Với diện tích 12,4ha với chiều sâu hiện tại thì lượng nước có trong hồ khoảng 16.000 – 20.000m3. Nồng độ ô nhiễm nước hồ biến đổi từng ngày, phụ thuộc theo mùa và tùy theo vị trí lấy mẫu. Việc lọc sạch nước hồ để bảo vệ và phục hồi ổn định bền vững hồ Hoàn Kiếm là rất cần thiết, nhưng phải trong phạm vi, điều kiện kinh tế, kỹ thuật cho phép.

Các thiết bị này được đặt lên trên các xe chuyên dụng để chạy vòng quanh hồ để hút – lọc cho môi trường nước trong hồ được sạch đều hơn. Số lượng các xe và công suất thiết bị hút, lọc này phụ thuộc vào vốn ngân sách của thành phố dành cho vấn đề này. Có thể thực hiện từng phần bắt đầu từ một hệ thống cho đến khi nhiều dần lên nhưng không nên quá bốn hệ thống. Với công suất hút lọc khoảng 200 – 300m3/ngày – đêm, trong vòng khoảng 3 tháng, hồ Hoàn Kiếm sẽ trong xanh, sạch trở lại!

Kiên Trung (tổng hợp)