- Thực tế, TP.HCM đã triển khai mô hình phối hợp giữa các lực lượng để trấn áp tội phạm đường phố, trước khi Hà Nội triển khai mô hình tổ công tác 141, thế nhưng tình trạng cướp giật vẫn…rất nóng. Bài toán phòng ngừa, trấn áp tội phạm đường phố tại TP.HCM dường như vẫn chưa tìm ra lời giải.
Cần xây dựng lại hình tượng SBC
Được biết, cách đây gần 4 năm, xuất phát từ yêu cầu thực tế, Công an TP.HCM đã thành lập Đội hình sự đặc nhiệm, thuộc phòng cảnh sát hình sự - được coi là “hình ảnh” lặp lại của lực lượng SBC (săn bắt cướp) huyền thoại, với các tên tuổi lẫy lừng một thời như: Lý Đại Bàng, Mai Văn Tấn, Trần Văn Ngọc.
Hiện đội này đặt dưới sự chỉ huy của Nguyễn Lê Hùng (đội trưởng), Lưu Duy Thắng (đội phó)… đều là những sỹ quan có tên tuổi trong lĩnh vực trấn áp tội phạm.
Cảnh sát hình sự đặc nhiệm trấn áp tội phạm đường
phố.
Tại các quận, huyện đều tổ chức các tổ hình sự đặc nhiệm trực thuộc đội cảnh sát hình sự. Trinh sát hình sự đặc nhiệm có nhiệm vụ tuần tra đường phố, chặn bắt, khám xét đối tượng phạm tội quả tang.
Trường hợp đối diện với tội phạm có hung khí nguy hiểm, có sự kháng cự thì trinh sát đặc nhiệm được phép nổ súng.
Như lời PGĐ Công an TP.HCM, Thiếu tướng Phan Anh Minh (khi đó là đại tá) đã phát biểu trong ngày ra mắt đội hình sự đặc nhiệm: “Trước tình hình tội phạm hình sự lộng hành, việc thành lập đội hình sự đặc nhiệm thuộc phòng hình sự là cần thiết và có ý nghĩa lớn”.
Tuy nhiên, hiệu quả của lực lượng này đến nay như thế nào?
Được biết khi vừa thành lập, đội hình sự đặc nhiệm đã ra mắt bằng chiến công xuất sắc xóa sổ băng nhóm của Đạt "trắng" (tức Đặng Quốc Đạt, SN 1983, ngụ tỉnh Kom Tum, tạm trú Q.Tân Phú) – là băng cướp chém người dã man ở P.13, Q.Tân Bình.
Từ đó đến nay, đội hình sự đặc nhiệm đã phá nhiều chuyên án, tổ chức những trận đánh lớn, nhỏ…khiến giới tội phạm nghe tên đã thấy khiếp sợ.
Gần đây, hình sự đặc nhiệm đã góp phần không nhỏ trong việc trấn áp, bắt nóng tội phạm đường phố Sài Gòn, phần lớn là các đối tượng cướp giật.
Một cựu cảnh sát hình sự từng tâm sự với PV rằng: “Nếu coi tượng đài của SBC một thời quá lớn, thì các trinh sát hình sự đặc nhiệm ngày nay khó mà làm tốt hơn, nhất là thời buổi cướp giật đầy rẫy đường phố. Theo tôi cần phải xây dựng trở lại những “người hùng” từ lực lượng công an chứ không phải là những “hiệp sĩ đường phố” săn bắt cướp bằng niềm đam mê”.
Theo vị cựu công an này, trinh sát hình sự ngày nay đi ra đường, người dân bình thường cũng có thể dễ dàng nhận ra là “dân hình sự”, thì làm sao mà theo dõi, trấn áp tội phạm ?
Ngoài ra, nghề hình sự, nghề “săn cướp” - với đặc điểm thường xuyên rong ruổi, đội nắng, dầm mưa trên phố, đối diện với những hiểm nguy chực chờ để theo dõi, truy bắt tội phạm nhưng chế độ đãi ngộ không mang tính chất đặc thù.
Như vậy, muốn đấu tranh với tội phạm đường phố, cần có chế độ đãi ngộ, quyền lợi tốt hơn để trinh sát hình sự đặc nhiệm yên tâm cống hiến, làm tốt nhiệm vụ?
“Ngày xưa những “anh hùng SBC” được xây dựng như 1 tượng đài huyền thoại làm tội phạm khiếp sợ, nhưng thực tế đó là chiến công của một tập thể. Lúc đó kham khổ là kham khổ chung, nên họ chấp nhận và cống hiến…
Còn bây giờ, điều quan trọng là lãnh đạo Công an TP.HCM tạo ra cơ chế như thế nào để hình sự đặc nhiệm làm tốt hơn nữa vai trò của họ” – vị công an hưu trí khẳng định.
Cần một quyết tâm chính trị!
Theo ghi nhận, người dân hiện còn có các ý kiến trái chiều xung quanh thực tế: có nhiều lực lượng được quyền xử phạt trong lĩnh vực vi phạm giao thông đường bộ như: công an phường, cảnh sát cơ động, cảnh sát 113…
Sắp tới nhiều lực lượng ở TP.HCM sẽ phải tham gia
trấn áp tội phạm đường phố.
Không nói ai cũng biết, đây là lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực. Và việc nhiều lực lượng tham gia cùng một công việc, sẽ tạo sự lơi là trong trấn áp tội phạm hình sự.
Thực tế tại các xã, phường TP.HCM đã có nhiều mô hình phòng chống tội phạm khá hiệu quả. Ngoài hình thức tuần tra địa bàn 24/24 của lực lượng công an, dân phòng, dân quân…còn có cách thức phát tờ rơi cảnh báo về các thủ đoạn cướp giật, cướp tài sản; các tổ tình nguyện phòng chống tội phạm cấp cơ sở (thuộc quản lý của UBND hoặc công an) hay các tổ dân phố tự quản…
Trong cuộc họp báo cuối tháng 11 vừa qua, Công an TP.HCM cho biết sắp tới sẽ huy động toàn bộ lực lượng CSGT, CSCĐ, ngoài việc tuần tra, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường còn kiểm tra, phát hiện những đối tượng khả nghi, có dấu hiệu phạm tội…
Lực lượng cảnh sát hành chính cũng được lệnh tăng cường công tác kiểm tra, chú trọng đến các khu nhà trọ, nơi đông dân nhập cư; nâng cao chất lượng thông tin xác minh về nơi trú ẩn của đối tượng bất hảo, các điểm tiêu thụ tài sản phạm pháp…
Riêng lực lượng hình sự đặc nhiệm được phép hoạt động mạnh hơn trước.
Mới đây, Ban Giám đốc Công an TP.HCM cũng có văn bản chỉ đạo tới công an tất cả các quận, huyện thực hiện ra quân trấn đồng loạt, trấn áp tội phạm.
Như vậy, đến nay Công an TP.HCM đã “quyết chiến”
với tội phạm đường phố.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tại sao TP.HCM đã có mô hình phối hợp các lực lượng
để trấn áp tội phạm trước khi Hà Nội triển khai mô hình 141, nhưng hiệu quả lại
chưa như mong đợi?
Thực tế mỗi địa phương có một loại hình tội phạm đặc thù khác nhau, điển hình như TP.Hải Phòng có đội H88 (thuộc phòng cảnh sát hình sự) – chuyên về phòng, chống tội phạm mang tính chất băng nhóm, xã hội đen. TP Hà Nội có mô hình 141 bao gồm nhiều lực lượng của ngành công an thủ đô…
Trước thực tiễn tội phạm bùng phát như hiện nay, mô hình phối hợp nhiều lực lượng của TP.HCM trong trấn áp tội phạm đường phố cần có là gì? Phải chăng đó là sự quyết liệt, mạnh tay với tội phạm.
Việc này phải được cụ thể hóa bằng quyết tâm chính trị, như tại phiên họp HĐND ngày 4/12 vừa qua, các đại biểu đã kiến nghị phải có một nghị quyết về trấn áp tội phạm đường phố.
Hi vọng với quyết tâm như thế của chính quyền, người dân sẽ thấy thành phố bình yên trở lại trong những ngày gần đây…
Đàm Đệ