Cách nay vài năm, miền Trung Việt Nam đã phải hứng chịu 13 cơn bão nhiệt đới liên tiếp trong vài tháng, gây ra tình trạng lũ lụt và sạt lở đất tồi tệ nhất trong 100 năm trở lại đây. Nhiều căn nhà đã bị tàn phá, hoa màu bị hư hại, và những người dân vốn là đối tượng dễ bị tổn thương thì lâm vào cảnh tay trắng.

Miền Tây bước vào cao điểm hạn mặn

Mùa hè năm nay, lượng mưa trên lưu vực sông Mekong trong tháng 02/2023 có xu hướng giảm, ở mức thấp hơn hoặc tương đương trung bình nhiều năm… Vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện đang vào cao điểm mùa khô, dòng chảy 2023 đang tiếp tục sụt giảm (dòng chảy kiệt), nước mặn vì vậy sẽ xâm nhập sâu vào nội đồng, nhất là các tỉnh ven biển như Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang…

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre cho biết, tình trạng xâm nhập mặn mùa khô 2022  -2023 xảy ra sớm hơn trung bình các năm. Từ nửa cuối tháng 12, hạn mặn bắt đầu xâm nhập vào khu vực gần cửa sông. Độ mặn cao nhất và xâm nhập sâu nhất xuất hiện vào hai tháng 2 và 3/2023. Dự báo độ mặn 4‰ có thể xâm nhập cách cửa sông khoảng 45 - 57 km; độ mặn 1‰ có thể xâm nhập cách cửa sông khoảng 54 - 68 km.

Trước tình hình đang bước vào cao điểm hạn mặn, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre đề nghị Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, Công ty Khai thác công trình thủy lợi, Công ty Cấp thoát nước, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bến Tre tăng cường cảnh giác, khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó xâm nhập mặn.

Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 725 chỉ đạo rất sát sao các tỉnh khu vực Tây Nguyên tiếp tục theo dõi, giám sát, khắc phục những thiệt hại cũng như chỉ đạo các tỉnh và địa phương khác có những hành động quyết liệt hơn trong việc theo dõi, giám sát để cảnh báo nhân dân những hiện tượng nguy hiểm.

Ảnh minh hoạ

Bắt đầu vào mùa mưa lũ, nhiều vùng núi đã có hiện tượng sạt lở

Mới bắt đầu vào mùa mưa lũ, nhưng mấy ngày vừa qua mưa rất lớn tại khu vực miền núi phía Bắc, Đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh Sơn La, Lai Châu đã bắt đầu có những điểm sạt lở.

Cung cấp thông tin tới báo chí tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5/8, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết: Những sườn núi, sườn đồi tự nhiên thì sự phong hoá đất đá xảy ra từ từ và đất đá cũng trượt lở một cách từ từ để tạo nên các sườn dốc tự nhiên và ổn định. Khi chúng ta cần không gian để phát triển, có các hoạt động thay đổi bề mặt, ví dụ như chuyển đất rừng thành đất để trồng cây hay san gạt đất để làm nhà, làm đường, xây dựng các hồ chứa nước, đập, thuỷ điện. Khi đó, các cấu trúc bề mặt đất đã thay đổi và khi có lượng mưa lớn thì nguy cơ sạt lở sẽ lớn hơn.

Cách để chúng ta phát hiện và cảnh cáo được những điểm sạt lở này là có những dấu hiệu, ví dụ như vết nứt, cây cối trên những sườn đồi, sườn núi nghiêng theo một hướng, hay có những tiếng nổ trong lòng đất thể hiện vết nứt đang phát triển. Khi phát hiện những dấu hiệu này, người dân và các lực lượng ở địa phương cần theo dõi, nếu thấy nguy cơ lớn thì phải di dời.

Hiện nay, về nhận thức cũng như các hành động cụ thể, đặc biệt là các cơ quan chỉ đạo phòng chống thiên tai cứu nạn tại các địa phương, đều đã có những tài liệu, bản đồ về các điểm nguy cơ sạt lở cao tại địa phương mình. Lực lượng thanh niên xung kích phòng chống thiên tai cũng được đào tạo để có thể rà soát trước những trận mưa lớn, những điểm, những dấu hiệu đã nói ở trên để có thể cảnh báo cho người dân di dời nếu cần thiết.

Về cảnh báo, dự báo lượng mưa hiện nay, Tổng cục Khí tượng thuỷ văn đã tổ chức thực hiện với độ chi tiết đến từng các ô 1 x 1 km với những trang thiết bị quan sát tự động và cảnh báo kịp thời.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Công Thành, thời gian tới, Luật Phòng thủ dân sự đã được Quốc hội thông qua, khi triển khai Luật này chúng ta sẽ có lực lượng phòng thủ dân sự tại địa phương. Đây là lực lượng sẽ được tổ chức đào tạo bài bản, chuyên nghiệp hơn để có thể cùng với nhân dân và các cơ quan trên địa bàn theo dõi, giám sát các dấu hiệu để có thể cảnh báo sớm, tránh những thiệt hại về người và tài sản.

Nguyễn Quang Phong, Phùng Thu Thủy