- Sau khi đọc bài “Xăng A83 giả A92: Hàng ngàn tấn tuồn ra thị trường”, nhiều bạn đọc đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet, thể hiện rõ sự bức xúc.

TIN BÀI KHÁC

Gian lận thương mại, thiệt hại người tiêu dùng

Email nguyenduc163@yahoo.com đặt câu hỏi: “Sao lại chỉ có hàng ngàn tấn xăng A83 giả A92 tuồn ra thị trường? Bao nhiêu tàu vận chuyển cơ mà? Đó chỉ là mới phát hiện được một phần thôi, nếu kiểm tra hết thì chắc là con số rất lớn.”

Ý kiến của email sdhqng2@gmail.com là: “Cần kiểm tra số lượng nhập của xăng A83 của các cây xăng và số lượng bán xăng A83 tại các cột sẽ phát hiện được số lượng xăng A83 làm giả xăng A92 và xử lý thật nghiêm các cây xăng này.”

Đây là nghi vấn của email ng_hongnam@yahoo.com.vn: “Từ khi không còn bán xăng A83 nữa, tôi cho rằng đây là cách để tăng giá xăng A83?”

Đúng là kinh doanh lừa đảo! Thế tiền "vênh" 500/lít/ hàng trăm ngàn lít/năm thì ai được "ăn" nhỉ?” đó là câu hỏi của email lifeafter32@yahoo.com.vn.

Còn đây là ý kiến của email votienluan1911@yahoo.com: “Nên rút giấy phép vĩnh viễn. Không tôn trọng người tiêu dùng thì không nên tồn tại trong cơ chế thị trường hiện nay.”

Tán thành với ý kiến trên, email mr.lonely@gmail.com viết: “Gian lận thương mại như thế này thì không chỉ tước giấy phép vĩnh viễn mà phải truy thu toàn bộ tiền chênh lệch khi bán xăng kém phẩm chất với giá xăng A92. Thêm vào đó, phải phạt từ 30 - 50% doanh thu của các cây xăng gian lận này để nộp ngân sách, coi như là dân đóng thêm thuế để xây dựng đất nước.”

Ý kiến của email thaodan@hn.vnn.vn mạnh mẽ hơn: “Phải khởi tố vụ án này mới đúng.”

“Tôi rất phẫn nộ về tình trạng bán xăng kém chất lượng và việc bán không đủ, đo lường thiếu không những diễn ra ở Sài thành mà ở quê tôi nữa, (Tánh Linh- Bình Thuận). Tôi đổ xăng vào xe máy xong, tình cờ có một người mua xăng bằng can  qua chính vòi đổ xăng cho tôi thì tôi mới biết đó là xăng A83 chứ không phải xăng A92, mặc dù trên cây xăng ghi là xăng A92. Thật xót xa cho những người tiêu dùng bị móc túi mà không biết.” Đó là ý kiến của email caonguyen_tinhban2000@yahoo.com.vn.
(ảnh minh họa)
Cơ quan quản lý ở đâu?

Email leader-49@hotmail.com viết: “Sản xuất (xăng) ở Việt nam nằm trong bàn tay quản lí của Bộ Công Thương mà tại sao Bộ phải “… kiến nghị nhiều lần về việc không sản xuất  xăng A83 nữa …” nhưng “… vẫn chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan” để “…hiện mỗi năm có đến vài trăm ngàn tấn xăng (A83) này được sản xuất”. Bán-mua (xăng) ở Việt nam nằm trong bàn tay quản lí của Bộ Công Thương và “... trên thị trường không có cây xăng nào bán xăng A83 nhiều năm nay”. Vậy “… vài trăm ngàn tấn xăng (A83) này được sản xuất” để “nhậu” chắc ?”

Theo email xuanquynh24578@yahoo.com.vn thì: “Đây là kẽ hở của luật pháp. Luật của chúng ta mà quy định truy thu 10 năm doanh thu của cây xăng hoặc công ty nào gian lận dù chỉ 1 xu, thì tui dám chắc không nơi nào dám làm như vậy. Đã đến lúc phải sửa Luật thôi. Chứ không các lĩnh vực đều gian lận như vậy.”

Email viczhow@gmail.com đặt câu hỏi: “Người dân đang phải trả chi phí cao, giá cả mỗi ngày một tăng cho mặt hàng thiết yếu này nhưng lại không có được sản phẩm chất lượng tương ứng. Sự quản lý của các cơ quan chức năng ở đâu?”

Đây là ý kiến của email changy1982@yahoo.com.vn: “Phải có kẻ bảo kê mới dám bán xăng giả qua mặt hàng triệu khách hàng ở Việt Nam này! Đề nghị xử lý hình sự nghiêm khắc và buộc những kẻ đó phải  bồi thường thiệt hại cho hàng triệu khách hàng trong bao nhiêu năm qua!”

Đây là tội gian lận và lợi dụng sự tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của nhân dân. Nếu các cơ quan chức năng xử theo hình thức rút giấy phép 6 tháng là không thỏa đáng, không công bằng và không đúng luật pháp.Thử hỏi những cây xăng gian lận này họ đã bán bao nhiêu lít xăng A83, và từ A83 họ hô biến thành A92 để chiếm đoạt số tiền chênh lệch của người tiêu dung. Vậy số tiền mà mỗi cửa hàng xăng dầu gian lận là bao nhiêu? Có đủ để truy tố trước pháp luật hay không, và trách nhiệm của các cơ quan quản lý xử lý như thế nào?” đó là ý kiến của email duc_hoi74@yahoo.com.vn.

Ban Bạn đọc