- “Tưởng con bé chết từ hôm mồng 7 Tết ấy chứ, bỗng dưng nó kêu khó thở, nghẹt thở rồi dần nó oặt người đi rồi lịm dần. Cả nhà cuống cuồng chẳng ai hiểu nó bị làm sao nữa. Đưa nó tới bệnh xá rồi người ta cứ chuyển lần lần lên tới tận trên này (BV Nhi Đồng 2)”, anh Phạm Ngọc Anh chia sẻ với phóng viên như thế.

TIN BÀI KHÁC:


Đó là bé Phạm Thị Như Quỳnh (14 tuổi ấp Khánh Lộc, xã Khánh Bình, huyện Tân Uyên, Bình Dương) đã 14 năm chung sống với bệnh tim bẩm sinh mà… không hề hay biết.

Tuổi thơ của Như Quỳnh cũng khó nhọc như cha mẹ vậy, cứ từ sáng sớm đã được cha mẹ đưa vào rẫy vừa làm vừa trông, rồi tối sẩm mặt người mới trở về nhà. Vậy mà cái khó cái đói vẫn cứ bám chặt lấy gia đình anh Ngọc Anh.

Nghèo túng và sự thiếu hiểu biết về bệnh nên Như Quỳnh cũng không được đưa đi chữa trị kịp thời. Cha bé chỉ nhớ rằng ngày bé cho tới bây giờ nó là một đứa rất hay ốm vặt. Cứ mỗi lần trái gió trở trời là bé mắc bệnh đầu tiên. Anh không bao giờ nghĩ tới bé bị một căn bệnh nguy hiểm như thế này.

Lúc được 3 tháng tuổi, Như Quỳnh bị bệnh đưa ra bệnh xá khám bệnh, bác sĩ cho biết bé bị bệnh tim bẩm sinh. Uống hết đợt thuốc thấy bé lại khỏe trở lại, anh lại nghi ngờ kết luận của bác sĩ.

Như Quỳnh cũng cứ lớn dần theo những thăng trầm của gia đình, không thấy có những biểu hiện nặng của bệnh nên anh chị cũng cứ tin rằng con mình không mắc bệnh gì.

Như Quỳnh cần khoảng 30 triệu để chữa lành bệnh...
6 năm khó nhọc trên mảnh đất Đồng Xoài (Bình Phước), quê của anh Ngọc Anh, hai vợ chồng cứ quần quật từ sáng tới tối mà vẫn không đủ ăn. Hai anh chị bàn tính thử về quê vợ làm ăn xem cuộc sống có thay đổi không. Cũng phải mất 6 năm ở vùng sông nước Cà Mau (quê vợ) anh chị… lặn ngụp để bắt tôm bắt cá, làm thuê làm mướn nhưng cuộc sống khổ vẫn hoàn khổ.

Không ngại khó khăn một lần nữa anh chị lại muốn làm thay đổi cuộc đời mình. Anh chị bắt đầu lại từ đầu cũng vẫn với hai bàn tay trắng về thành phố xin việc. Lúc đầu anh làm phụ hồ kiếm đồng tiền nuôi sống qua ngày. Vợ anh xin vào làm công nhân may.

Hai vợ chồng có công ăn việc làm cuộc sống cũng dễ thở hơn ở quê. Có miếng ăn rồi anh bắt đầu xin vào làm công nhân cho xưởng gỗ. Với bản tính thật thà hiền lành, hai vợ chồng anh chị đã được chủ nhà trọ cho trông coi phòng trọ và cho mượn vốn mở tạp hóa nhỏ bán cho công nhân và ở không tốn tiền.

Chị Nguyễn Kim Loan nghỉ làm ở nhà vừa trông con vừa trông coi 15 phòng trọ và bán hàng lặt vặt mỗi ngày cũng kiếm được 50-70 ngàn đồng.

Anh Ngọc Anh làm công nhân công ty gỗ với lương cơ bản 2 triệu đồng/tháng. Một năm có 6 tháng được tăng ca mỗi tháng tăng ca lương cũng được 3,8-4,2 triệu đồng. Phải nuôi 2 đứa con ăn học nên cuộc sống cũng chỉ vừa vặn với anh chị.

Anh Phạm Ngọc Anh cho biết: “Vợ chồng tôi cũng đã xoay đủ mọi cách rồi. Quê tôi làm ăn không được vợ chồng dời về quê vợ cuộc sống cũng không cải thiện. Chúng tôi kéo nhau lên Bình Dương làm công nhân, cuộc sống dù còn chưa dư giả nhưng cũng kiếm được cơm mà ăn. Chưa kịp ngóc đầu lên giờ con lại bệnh. Sao số vợ chồng tôi khổ thế. Có phải vợ chồng tôi lười biếng gì đâu mà cứ khó hoài. Giờ một đứa nằm viện tôi phải nghỉ việc chăm con. Mẹ nó ở nhà bòn tới bao giờ mới đủ tiền chữa bệnh. Bác sĩ nói bệnh này phải điều trị kéo dài. Nó nằm viện hơn một tháng nay nợ cả bệnh viện nợ cả chủ nhà trọ rồi mà vẫn chưa có tiền trả. Bác sĩ nói còn phải điều trị cả 8 tuần nữa và liên tục kêu đóng tiền tạm ứng tôi lấy tiền đâu bây giờ. Bên ngoại thì ông bà cũng mất cả rồi, bên nội còn bà nội nhưng cũng nghèo từ hồi nào tới giờ làm gì có mà giúp đỡ. ”.

Chị Liên, người nhà bệnh nhân giường kế bên cũng chia sẻ: “Con bé bệnh nặng hay sao mà suốt ngày bác sĩ kêu tên Như Quỳnh nào là xét nghiệm nào là đóng tạm ứng viện phí. Kêu vậy chứ hai cha con cũng chẳng có tiền. Bệnh thế mà cứ ăn cơm chay từ thiện suốt”.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Đỗ Thị Thúy Hằng, người trực tiếp điều trị cho em Phạm Thị Như Quỳnh cho biết: Bé Phạm Thị Như Quỳnh bị bệnh tim bẩm sinh từ nhỏ mà gia đình nghèo quá nên không được đưa đi chữa trị kịp thời. Chỉ khi bệnh phát nặng thập tử nhất sinh gia đình mới đưa tới bệnh viện. Với căn bệnh tim bẩm sinh thông liên thất, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng thì có thể điều trị được. Vấn đề còn lại của gia đình là có đủ tiền để chạy chữa hay không. Hiện Như Quỳnh đã được điều trị kháng sinh 6 tuần rồi nhưng do cục sùi vi trùng trong tim bên thất phải đã lâu nên quá trình điều trị sẽ lâu dài. Dự kiến sẽ còn phải tiếp tục “đánh” kháng sinh mạnh thêm 6 đến 8 tuần nữa. Chi phí điều trị có thể hết khoảng 30 triệu đồng nữa”.

Đức Toàn

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về

1, Gửi trực tiếp: Bạn đọc có thể đóng tiền tạm ứng viện phí cho em Phạm Thị Như Quỳnh Khoa Tim mạch tại Phòng Tài chính kế toán hoặc tổ trợ giúp bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Nhi Đồng 2.

2, Qua báo VietNamNet (Ghi rõ ủng hộ Phạm Thị Như Quỳnh con anh Phạm Ngọc Anh (Bình Dương))

3, Qua TK ngân hàng Vietcombank:
Chuyển khoản: Đơn vị thụ hưởng: Báo VIETNAMNET
Số tài khoản: 0011002643148. Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam - 198 Trần Quang Khải, Hà Nội
- Chuyển khoản từ nước ngoài:
- Bank account: VIETNAMNET NEWSPAPER
- The currency of bank account: 0011002643148
-Bank:- BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM
-Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi, Vietnam
-SWIFT code: BFTVVNVX

- Qua TK ngân hàng Viettinbank:
Chuyển khoản: Đơn vị thụ hưởng: Báo VietNamnet
Số tài khoản: 1020.1000.158.2330
Ngân hàng Vietinbank Hoàn Kiếm, Hà Nội
- Chuyển tiền từ nước ngoài:
Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade, Hoan Kiem Brand
- Address:37 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội
- Swift code:ICBVVNVX122

4, Hoặc trực tiếp báo VietNamNet:
- Phía Bắc địa chỉ: tầng 3, tòa nhà C’Land, 156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội
- Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 51 Trương Định, P6, quận 3,TP.HCM. Điện thoại: 08.39309882 - Fax: 08.39309881
Email: banbandoc@vietnamnet.vn