- Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng nuôi con có thể thay đổi.

Tin bài khác:

Tôi là Hoàng Thế Vinh, bố đẻ của cháu Hoàng Thị Yên Thuỷ. Con gái tôi kết hôn cùng anh Nguyễn Đình Tuấn Anh được 7 năm thì ly hôn, anh Tuấn Anh là đại uý quân đội đang tại ngũ. Năm 2010, khi ly hôn, toà án huyện Thanh Oai xử: anh Tuấn Anh đóng góp 200.000đ/tháng để chị Thuỷ nuôi con.

Gia đình tôi không đồng ý, sau đó toà quyết định mức đóng góp là 500.000đ/tháng. Tôi muốn được biết: Mức đóng góp nuôi con sau ly hôn được căn cứ như thế nào và nay nhà nước đã tăng mức lương cơ bản lên 830.000 đ thì việc đóng góp nuôi con có được tăng lên không và nếu được thì đề nghị ở đâu? (Câu hỏi của bạn đọc Hoàng Thế Vinh).

Ảnh minh họa
Xin trả lời câu hỏi của bác Vinh như sau:


Căn cứ Điều 50; 92 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về việc cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn thì: Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.

Như vậy, trường hợp của chị Thủy, sau khi ly hôn với anh Tuấn Anh thì chị Thủy được quyền nuôi con và anh Tuấn Anh có nghĩa vụ cấp dưỡng tiền cho chị Thủy nuôi con. Mức cấp dưỡng sẽ do các bên tự thỏa thuận, nếu không được sẽ do Tòa án căn cứ vào Điều 53 Luật Hôn nhân gia đình để giải quyết. Tức là Tòa án sẽ căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của anh Tuấn Anh cùng với các căn cứ khác như chi phí sinh hoạt, nuôi dưỡng cháu, mức lương tối thiểu…để ấn định mức cấp dưỡng. Do các bên không thỏa thuận được mức cấp dưỡng nuôi con và căn cứ vào yêu cầu của gia đình chị Thủy thì Tòa án nhân dân huyện Thanh Oai đã quyết định anh Tuấn Anh phải đóng góp nuôi con là 500.000 đồng. Nhưng nay do mức lương cơ bản thay đổi lên 830.000 đồng và phía gia đình chị Thủy cho rằng chi phí cho việc nuôi con (mức cấp dưỡng) cũng cần phải được tăng lên.

Theo quy định tại Điều 53 luật Hôn nhân gia đình “Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”. Do vậy chị Thủy có thể thỏa thuận với anh Tuấn Anh về mức đóng góp cấp dưỡng, nếu như không thỏa thuận được thì chị có quyền làm đơn yêu cầu Tòa án huyện Thanh Oai (nơi trước đây đã xét xử vụ ly hôn của anh chị ) giải quyết.

Nếu có yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng, chị Thủy phải làm đơn xin yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng và gửi kèm theo đơn là các giấy tờ như: Bản án hoặc Quyết định ly hôn trong đó có xác định mức cấp dưỡng trước khi thay đổi; Các giấy tờ chứng minh mức cấp dưỡng thay đổi; Giấy khai sinh của người được cấp dưỡng…

Theo thông tin bác cung cấp thì anh Tuấn Anh hiện đang là đại úy trong quân đội. Căn cứ vào Thông tư số 71/2011/TT-BQP ngày 29/04/2011 về việc hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu chung đối với các đối tượng đang hưởng lương hoặc phụ cấp quân hàm trong cơ quan, đơn vị quân đội thì mức lương và phụ cấp của anh Tuấn Anh được tính như sau: Mức lương và mức phụ cấp quân hàm:

Mức lương = 830.000 đồng x Hệ số lương hiện hưởng;
Mức phụ cấp quân hàm hạ sĩ quan, binh sĩ = 830.000 đồng x Hệ số phụ cấp quân hàm hiện hưởng.

Mức phụ cấp = 830.000 đồng x Hệ số phụ cấp được hưởng theo quy định;
Mức hệ số lương của Đại úy trong quân đội hiện tại theo tìm hiểu của chúng tôi là 5,40.

Chị Thủy có thể căn cứ vào quy định trên để xác định mức thu nhập của anh Tuấn Anh, từ đó đưa ra yêu cầu cấp dưỡng cho phù hợp.

Tư vấn bởi Luật sư: Hứa Trung Kiên – VPLS Bùi Đình Ứng; SĐT: 0913357914.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).