- Tôi năm nay 54 tuổi (vợ trước mất đã 6 năm, tôi có 2 con riêng). Vợ tôi 41 (đã hai đời chồng, đến tôi là thứ ba. Cô ấy có 2 con riêng). Chúng tôi mới kết hôn gần 1 năm và đang có con gái gần 3 tháng tuổi, cuộc sống gia đình rất hạnh phúc và viên mãn, chúng tôi chưa hề gây gổ hay lớn tiếng với nhau.

Tin cùng chuyên mục:

 Gần đây cô ấy về TP. Hồ Chí Minh 2 ngày để gặp lại một Việt kiều Mỹ Người này trước đây muốn cưới cô ấy, nhưng vì tính tình kỳ quặc hơn nữa lại bị “bất lực”, nên cô ấy không yêu. Anh ấy giàu và thường xuyên gửi tiền về giúp nên cô ấy phải mang ơn. Anh ấy đặc biệt thích cháu bé con chung của chúng tôi và sẵn sang chi nhiều tiền để được nhận cháu làm con nuôi.

Khi về lại nhà cô ấy lấy cớ tôi không quan tâm chăm sóc con, tôi phản ứng thì cô ấy đơn phương gửi đơn ra tòa xin ly hôn và tuyên bố chi tiền mạnh tay chỉ để chỉ trong 1 tuần là xong.


Ảnh minh họa
Tôi rất buồn (Chúng tôi đều có nhà riêng và công việc kinh doanh riêng, không ai lệ thuộc ai. Tôi luôn đề cao giá trị gia đình và được mọi người đánh giá là người cha, người chồng gương mẫu).

Mong quý báo vui lòng giải đáp cho tôi vài việc sau :

-    Tôi cương quyết không ký đơn ly hôn được không vì con tôi còn quá nhỏ ?
-     Tôi sẽ nhờ ai can thiệp nếu cô ấy sau khi ly hôn, sẽ tìm cách đưa cháu bé đi Mỹ ?
-    Sau khi ly hôn, nếu cô ấy tìm mọi cách không cho tôi thăm con, thì tôi phải làm sao? Tôi rất thương con, thậm chí con riêng của cô ấy tôi coi như con ruột và cháu luôn quấn quýt bên tôi.
Bạn đọc ở Hoàng Diệu, Xuân Thanh, Long Khánh Đồng Nai.

Luật sư tư vấn:


Theo Điều 85 – Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định về: Quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn:

1-    Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn.
2-    Trong trường hợp vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới mười hai tháng tuổi thì người chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn

Theo điều luật thì chỉ người chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn khi vợ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới mười hai tháng tuổi; vợ hoặc chồng có thể đơn phương xin ly hôn hoặc cả hai người cùng thuận tình xin ly hôn. Trường hợp anh hỏi, vợ anh đơn phương xin ly hôn thì được, còn anh thì lại không vì quyền xin ly hôn trong trường hợp này pháp luật lại ưu tiên cho người vợ chứ không phải người chồng.


Do đó, chị ấy có quyền đơn phương xin ly hôn mà không phụ thuộc vào việc anh có đồng ý ký đơn hay không. Đây là chúng tôi trao đổi về “Quyền xin ly hôn” còn việc Tòa án có chấp nhận đơn xin ly hôn của chị ấy hay không lại là chuyện khác.


Nếu Tòa án chấp nhận cho chị ấy được ly hôn và giao con chung của hai người cho chị ấy trực tiếp nuôi dưỡng, sau khi ly hôn, chị ấy ngăn cấm không cho anh thăm con thì anh có thể viện dẫn Điều 94 – Luật hôn nhân và gia đình để thực hiện quyền của mình “Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom con; không ai được cản trở người đó thực hiện quyền này”.


Anh sợ sau khi ly hôn chị ấy sẽ đem con đi Mỹ? Có lẽ anh đã quá lo xa, việc đưa trẻ em xuất cảnh ra nước ngoài dưới dạng con nuôi không phải đơn giản. Nếu không được sự nhất trí của anh, chị ấy không thể đưa cháu đi bằng con đường hợp pháp dưới dạng con nuôi được cho dù họ có rất nhiều tiền.


Nhưng trên thực tế, để đạt được mục đích người ta có thể giả mạo giấy tờ; xuất cảnh bất hợp pháp sang nước láng giềng hoặc cho cháu vào trại trẻ mồ côi… sau đó hợp thức giấy tờ để xin thị thực nhập cảnh vào nước cần đến. Nếu phát hiện dấu hiệu khả nghi, anh có thể làm đơn tố cáo đến cơ quan công an để ngăn chặn, giúp đỡ. Khi có căn cứ chị ấy định cho bé làm con nuôi, không có khả năng chăm sóc… anh có thể làm đơn khởi kiện đề nghị Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con từ chị ấy sang cho mình.


  • Luật sư Bùi Đình Ứng – VPLS Bùi Đình Ứng – Đoàn luật sư TP. Hà Nội . Điện thoại: 0983571788

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc, tranh luận về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).