Có những tình yêu khởi nguồn từ chiến tranh và mấy chục năm sau những mất còn, niềm đau, hạnh phúc... vẫn chưa hề nguôi ngoai. Là mối tình mà sự đợi chờ từ chiến tranh đến thời bình hơn cả tên gọi của một loài hoa: hoa bất tử.

TIN BÀI KHÁC

Đợi chờ... như hoa bất tử


Hà Tĩnh một sáng cuối đông. Mưa vỗ trắng đường. Trong căn nhà nhỏ ở thôn Hội Tiến (xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), bà Phùng Thị Huệ run run đến bên bàn thờ người chồng chưa cưới lặng lẽ thắp nén nhang. Gần bàn thờ, suốt 36 năm nay bà vẫn nâng niu cất giữ tấm chăn cưới, đôi gối cưới, hai chiếc vòng cổ... Đó là những di vật cuối cùng mà một đồng đội đã trao lại cho bà sau khi anh hi sinh.
Bà Phùng Thị Huệ lặng lẽ với nỗi niềm và sự tìm kiếm của mình

Lời hẹn hòa bình


“Cưới làm chi? Anh làm cách mạng thì em cũng làm cách mạng chứ! Anh cứ an tâm mà đi, bao giờ thắng Mỹ về mình cưới nhau”. Đằng đẵng những năm tháng xế chiều, bà khóc biết bao lần vì câu nói đó.

Ngày ấy, 16 tuổi (năm 1966), hừng hực trong khí thế “xẻ dọc Trường Sơn”, Phùng Thị Huệ khai tăng lên hai tuổi, đi bộ hơn 10km lên Huyện đoàn Nghi Xuân. Cô năn nỉ xin gia nhập đội thanh niên xung phong.

Năm 1968, cô thanh niên xung phong mở đường cùng đồng đội hành quân đến một đơn vị ở Quảng Bình. Cơn mưa cuối đông thâm tái làn da con gái. Huệ đang co ro trong cái lạnh thì nghe một thanh niên đang hơ tay bên bếp lửa gọi vào sưởi ấm. Người thanh niên có khuôn mặt sáng và hiền ấy là Đặng Xuân Thọ (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), con trai duy nhất trong một gia đình nhà nông. Họ quen nhau. Chiến tranh ngày một ác liệt. Những đoạn đường đội thanh niên xung phong vừa làm hôm trước bữa sau đã bị bom đạn cày nát. Tình yêu của họ lớn dần theo những tuyến đường xám mùi khói lửa ấy.

Tháng 5-1970, anh về thăm nhà trước khi vào chiến trường miền Nam. Thọ xin phép hai gia đình tổ chức đám cưới. Huệ kiên quyết không đồng ý vì cô muốn đám cưới của mình được tổ chức vào ngày đất nước độc lập. Anh giận quá, nói gàn: “Nếu anh bị thương mù mắt thì em cứ đi lấy chồng nhé”.

Huệ mỉm cười: “Nếu anh bị mù thì càng phải lấy em vì hình ảnh em luôn trẻ đẹp trong anh. Lúc nào anh cũng hình dung được vợ mình. Em sẽ kể cho anh nghe con mình giống cả hai đứa như thế nào. Thế là anh vẫn thấy mặt vợ con chứ. Nếu anh lấy người khác thì suốt đời anh không biết mặt vợ con mình ra sao cả”. Anh bật cười, chịu thua!

Một chiều năm 1973, có người lính ghé qua nhà Huệ với một tin dữ: “Anh Thọ hi sinh!”. Người đồng đội ấy trao cho cô 10m vải, một vỏ chăn, một đôi gối cưới hình con chim và hình mặt trăng, hai chiếc vòng đeo cổ.

Hai ngày sau. Trời chập choạng tối, giấy báo tử gửi về. Đứng thắp nhang giữa trời, cô khuỵu xuống khóc ngất trong màn đêm...

Tạc hình vọng phu qua miền thương nhớ...

Năm năm sau ngày anh hi sinh, người con gái ấy vẫn thao thức, ân hận hằng đêm. Những dòng nước mắt mặn chát môi và quặn thắt con tim. “Nếu mình đồng ý cưới thì biết đâu bây giờ đã giữ lại được giọt máu của anh ấy. Cha mẹ anh đã có cháu đích tôn rồi...”.

Biết bao người đàn ông đến ngỏ lời rồi phải thất vọng. Cha cô vì quá sốt ruột nên nhiều lần thúc giục con gái lấy chồng. Ông bố vốn nóng tính, cứ mỗi lần Huệ không nghe lời, tới bữa cơm ông lại lia mâm, ném cả bát vào người cô. Nhà nghèo, có mấy cái bát sứ sứt mẻ đều bị ném vỡ hết. Cha Huệ rất ưng một người gần nhà. Nhưng cô kiên quyết tới cùng: “Con nỏ lấy ai mô! Con phải đi tìm hài cốt anh Thọ. Nếu không tìm được con cũng ở vậy suốt đời chăm sóc phần mộ anh ấy”.

Một hôm, ông chủ động xuống nước: “Nếu con chê người ta nghèo, cha sẽ cho con một căn nhà gỗ lim hoặc gỗ mít”. Cô khăng khăng: “Con nỏ cần nhà gỗ lim gỗ mít. Con cần tình yêu của anh Thọ”. Hết kiên nhẫn, ông tát cô một cái như trời giáng. “Nội chiến” giữa cha con lên đến đỉnh điểm!

Kể từ đó, cứ đến tối là Huệ trốn qua nhà người bạn gái ngủ để tránh mặt những người sang ngỏ ý. Suốt tám năm ròng như thế, rồi cô đi tìm anh. Trong tờ giấy báo tử chỉ ghi: “Liệt sĩ Đặng Xuân Thọ hi sinh ngày 26-1-1973, tại mặt trận phía Nam, thi hài mai táng gần khu vực riêng của đơn vị gần mặt trận”. Thông tin rất mênh mông! Người con gái ấy vẫn không nản lòng.

Cô không nhớ rõ đã đến bao nghĩa trang liệt sĩ tìm mộ anh: từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Nha Trang, Đắc Lắc, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh... Lần đầu tiên đi, họ hàng xóm làng khuyên “Người thì chết rồi, có biết rõ nó hi sinh chỗ mô mà đi tìm?”. Cô vẫn quyết đi tìm anh. Cứ chắt chiu được ít tiền bán gà, bán vịt, bán lợn cô lại đi. Bàn chân nhỏ bé đã từng băng băng trên những tuyến đường ám mùi bom đạn nay lại kiên trì đi qua biết bao tỉnh thành miền Nam.

Sau khi anh hi sinh, bố mẹ anh vì quá đau buồn lần lượt qua đời. Các chị của anh lấy chồng xa, không có ai hương khói ở từ đường nhà họ Đặng. Vì thế cứ đến ngày giỗ, chị lại lọc cọc đạp chiếc xe mang đồ cúng đến thắp hương.

Mưa. Nước hắt vào bàn thờ anh xối xả. Xót xa quá, chị chuyển ba bát hương trên bàn thờ họ Đặng về nhà mình. “Người con dâu” chưa một lần cưới ấy lập hẳn một phần trang trọng để thờ vong linh cha mẹ người yêu. Chị coi như chính thức có chồng, làm vợ và làm dâu của những người đã khuất...

Huệ của ngày xưa giờ đã gần 60 tuổi, sức khỏe yếu lại bị đau tim nhưng tâm nguyện tìm được anh đưa về quê hương vẫn thôi thúc hằng ngày. Cầm tờ giấy báo tử của liệt sĩ, bà nhìn xa xăm ra phía cửa, nhỏ nhẹ bảo: “Suốt quãng đời còn lại, tôi phải tìm cho được mộ chồng rồi rước anh ấy về quê yên nghỉ”.

Tôi nhìn thấy trong ánh mắt bà hình như có ngọn lửa của một loài hoa: Hoa bất tử...

(Theo Tuổi Trẻ TP HCM)