-  “Chỉ cần có cái dây xanh (dây đeo thẻ - PV) ở cổ là được mà, kiểm tra như vậy thôi, chứ cũng dễ lắm”. Xuân cho biết thêm

TIN BÀI KHÁC

Để kiểm soát lượng sinh viên, một số trường Cao Đẳng, Đại Học đang thực hiện việc kiểm tra thẻ sinh viên của mỗi sinh viên khi ra vào trường, nhằm hạn chế việc đi lại tự do của những phần tử ngoài trường và thắt chặt hơn nữa việc quản lý học sinh, sinh viên.

Thắt chặt hay để lộ sự lỏng lẻo.


Trường ĐHTL bắt đầu tăng cường kiểm tra thẻ sinh viên từ đầu năm học 2011 - 2012. Không phải là sinh viên của trường nên chúng tôi có phần lo lắng khi vào cổng, tuy nhiên khi đeo trên cổ tấm thẻ sinh viên (không phải thẻ của trường ĐHTL – PV), một vé xe buýt, chúng tôi vẫn vào trường trót lọt mà không gặp bất cứ trở ngại nào.

Trò chuyện với bạn Thanh Xuân, khoa Kế Toán trường ĐHTL, được biết: “Chỉ cần có cái dây xanh (dây đeo thẻ - PV) ở cổ là được mà, kiểm tra như vậy thôi, chứ cũng dễ lắm”. Xuân cho biết thêm: “Nếu đi ăn cơm ngoài trường mà để quên thẻ chỉ cần nói trước với bảo vệ một tiếng, khi về không cần thẻ vẫn vào được, không phải chạy về lấy”.

Hạnh Nguyên, năm 2 trường ĐHTL lại cho rằng: “Sinh viên không bị bắt buộc phải đeo thẻ trong trường, thẻ chỉ để ra vào cổng. Vào thì khó, nhưng ra thì dễ lắm, ra không cần thẻ, vì thế sinh viên đeo thẻ chỉ để chống đối lúc vào trường mà thôi”.

Hạnh Nguyên cho biết thêm: “Theo mình việc bắt buộc sinh viên đeo thẻ là để kiểm soát số lượng sinh viên trong trường, hạn chế việc người ngoài vào trường, tuy nhiên như các bạn đã thấy, chính các bạn cũng vào được đấy thôi”.
Sinh viên có vui vẻ đeo thẻ trường mình?
Liệu quy định ấy có khả thi và tồn tại được bao lâu, khi muốn vào trường chỉ cần đeo lên cổ một tấm thẻ, bất kể là thẻ của ai hay của trường nào bởi “các chú bảo vệ đâu có thời gian cúi xuống để ý kỹ như vậy chứ” – Huy, sinh viên trường ĐHCN vui vẻ nói.

Nhà trường bắt buộc, sinh viên miễn cưỡng.

Trường CĐTH bắt đầu thực hiện việc đeo thẻ khi vào trường từ ngày 1/11. Do vậy, sinh viên vẫn chưa bắt kịp với quy định này, nhất là sinh viên trong kí túc xá: “Mình ở kí túc xá hay ra ngoài ăn cơm, vẫn quen với trước kia lúc chưa kiểm tra thẻ, thi thoảng đi ăn cơm đến cổng trường rồi mới giật mình nhớ ra để quên thẻ lại phải chạy về lấy, thật khổ. Dù có quen mặt đấy nhưng xin bác bảo vệ cũng chẳng được vì quy định vẫn là quy định” – Vinh, sinh viên năm cuối cho biết.

Bạn Bảo Ngọc, sinh viên năm 2, trường ĐHCN bức xúc kể lại quãng thời gian trường mình thực hiện việc kiểm tra thẻ ra vào của sinh viên: “Có những ngày, sáng không kiểm tra nhưng chiều lại kiểm tra. Khi quên thẻ, nếu dẻo mồm xin các chú bảo vệ thì vào được, không may thì dù có đích thực là sinh viên của trường cũng vẫn phải về lấy. Nhà mình cách trường 3km, thi thoảng có quên thẻ nhưng không dẻo mồm xin thì cũng phải lóc cóc về lấy”.

Bạn Thanh Xuân, trường ĐHTL chia sẻ: “Mình rất vui nếu kiểm tra thẻ có thể ngăn chặn những phần tử xấu vào trường, tuy nhiên có khi là bạn bè, người thân vào trường để thăm mình nhưng phải xin hết mức thì mới được vào, rất bất tiện, như vậy cũng chả ai muốn vào thăm lần hai nữa”.

Hay như Phương, khoa Du Lịch, trường ĐHVH, là sinh viên năm thứ nhất, tiện đường nên Phương muốn được thăm quan trong khuôn viên trường nhưng 2 lần đều không được vào vì không có thẻ: “Bọn mình muốn vào thăm quan trường vì thấy khuôn viên trường rất đẹp, nhưng không phải là sinh viên của trường, lại chưa có thẻ sinh viên để đeo như mọi người nên 2 lần rồi mà vẫn không được vào thăm trường. Đành về đợi dịp khác vậy”.

Quy định bắt buộc sinh viên đeo thẻ khi ra vào cổng nhằm mục đích siết chặt công tác quản lý học sinh, sinh viên trong mỗi trường, nhà trường đi vào quy củ, làm việc có khoa học, và đảm bảo an ninh trật tự trong môi trường học tập.

Tuy nhiên với thực tế như trên thì quy định này vẫn còn rất nhiều bất cập trong công tác kiểm tra thẻ ra vào với mỗi sinh viên. “Mình thấy sinh viên đeo thẻ rất tốt và rất đẹp nữa, chỉ sinh viên mới được đeo thẻ, sau này có muốn cũng chẳng được.

Đeo thẻ để thấy tự hào khi được là sinh viên trong ngôi trường mình đang học. Vậy tại sao chúng ta không tự giác thực hiện, tự nguyện chấp hành các quy định mà nhà trường đề ra, có vậy thì những chuyện bi hài như trên sẽ không còn nữa” – Hạnh Nguyên, trường ĐHTL tâm sự.

T.H – N.Y