- Chùa Đại An (Khu đô thị mới Mỹ Đình 2, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội) được công nhận di tích vào tháng 1/1995. Bốn năm sau thành phố có quyết định cụ thể Quy hoạch khu di tích này, thế nhưng đến nay di tích này vẫn chẳng được An.

TIN BÀI KHÁC:

Đại An mà bất an…

Khuôn viên Di tích lịch sử chùa Đại An rất yên bình tuy nhiên ngay bên cạnh chùa là nhiều công trình ồn ào lấn đất
Đầu tháng 12/2011 báo VietNamNet nhận được đơn thư của phật tử chùa Đại An, đơn thư kêu cứu và phản ánh gấp gáp việc một phần khu di tích này bị “đầu gấu” lấn chiếm xây dựng sai phép nhưng chính quyền không có biện pháp xử lý dứt khoát.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chùa Đại An là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân quanh khu vực Mỹ Đình. Trong hồ sơ xếp hạng di tích của chùa có nêu rõ: Chùa Đại An có lịch sử tạo dựng rất lâu đời với quy mô kiến trúc lớn, các mảng trang trí mang giá trị thẩm mỹ cao. Hệ thống 45 pho tượng chùa ra đời trong hai giai đoạn khác nhau của lịch sử phật giáo đã định tính giá trị nghệ thuật cho di tích.

Thêm vào đó trong chùa có bộ di vật văn hóa lịch sử rất phong phú, đa dạng, có niên đại trải dài qua 3 Vương triều Lê - Tây Sơn và Nguyễn. Trong chùa còn có tấm bia niên hiệu Vĩnh Hữu nguyên niên (1973), chuông đồng Cảnh Thịnh (1795).

Cũng bởi quý những giá trị này mà những cụ già trong làng qua lại ở chùa, trông chùa và coi đó như mạng sống, linh hồn của mình.

Trong quá trình Mỹ Đình đô thị hóa, người ta lấy đất “méo” của di tích làm đô thị, kèm với lời hứa xây trả khu di tích một bức tường bao để trở nên vuông vức hơn. Thế nhưng… một phật tử ở chùa cho biết: Khu đô thị mới quây đất di tích lại nhưng không đền bù hoa màu trong đất đó cho dân nên dân vẫn “xí” đất canh tác. Nhiều người trèo tường di tích vào trong ruộng của mình trồng chuối, gây hấn với nhà chùa nếu được góp ý và “đe nạt nếu cần”.

Bề ngoài yên ả và nền nã nhưng bên trong là các công trình xây dựng ầm ầm
Ngang nhiên hơn, các công trình xây dựng không phép lần lượt mọc lên. Ở vị trí ven đường Lê Đức Thọ, Công ty Cổ phần Thành Luân xếp gạch cao bên ngoài, xây dựng bên trong, các công trình lần lượt mọc ra trên đất đã được quy hoạch là của Di tích lịch sử chùa Đại An.

Xã đang chờ dự án…


UBND xã Mỹ Đình là đơn vị trực tiếp quản lý di tích chùa Đại An. Lý giải từng việc cụ thể ông Nguyễn Văn Tuấn, Cán bộ địa chính xã Mỹ Đình cho biết: Phần đất của di tích hiện nay là bao gồm đất của chùa Đại An và đất của các hộ dân được giao theo nghị định 64/CP của Chính phủ để làm nông nghiệp.

Theo quyết định số 98/2001/QD - UB của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Mỹ Đình II huyện Từ Liêm thì diện tích đất cho di tích lịch sử này là 17.690 m2. Tuy nhiên trong quá trình làm đường Lê Đức Thọ, diện tích này có giảm đi một chút, theo đo đạt mới nhất của Địa chính xã Mỹ Đình thì diện tích này còn 16.103 m2.
 
Sau khi có dự án khu đô thị mới, tường bao cho khu vực di tích đã xây dựng nhưng các hộ dân làm trong đất đó vẫn chưa được đền bù theo đúng quy định của Chính phủ nên họ chưa chịu rời đi.

Phần đất của Công ty Cổ phần Thành Luân đang làm trên phần đất đã được phê duyệt Quy hoạch dành cho di tích, là đất nông nghiệp mà các hộ mua bán trao tay và không hợp pháp.

Cán bộ này cũng cho biết thêm, xã đang chờ “Dự án tôn tạo tu bổ toàn bộ chùa Đại An” thực hiện giai đoạn 3 và 4 để đền bù, giải tỏa và làm di tích gọn lên.

Khi phóng viên VietNamNet đến khu vực chùa Đại An, các công trình và ô tô xây dựng của Công ty Cổ phần Thành Luân vẫn đang hoạt động rất nhộn nhịp. Phần công trình kiên cố đã hoàn thành phần thô. Nói về công trình này ông Phạm Hùng, Thanh tra Xây dựng xã Mỹ Đình, thú nhận sự bất lực trước việc Công ty Cổ phần Thành Luân xâm lấn đất di tích và xây dựng trái phép.

Ông Hùng nói: Công trình của Thành Luân không có giấy phép xây dựng. Chính xã Mỹ Đình cũng đã phối hợp với huyện Từ Liêm nhiều lần gỡ bỏ nhưng họ vẫn cố thủ xây dựng. Họ kéo nhiều thương binh đến biểu tình xung quanh. Lực lượng thanh tra xây dựng ở xã Mỹ Đình chỉ có 5 người rất mỏng...

Dự án chờ xã…

Trao đổi với chúng tôi ông Lê Văn Lộc (Phó giám đốc Ban Quản lý Dự án Từ Liêm) tỏ ra ngỡ ngàng trước những thông tin về việc năm 2012 chùa Đại An sẽ trở nên AN hơn sau dự án mà đơn vị này thực hiện.

Ông Lộc nói: Giai đoạn 3 của dự án sẽ thực hiện vào năm 2012, tuy nhiên chúng tôi chỉ thực hiện dự án cải tạo miếu thờ thần linh và tổng thể phần sân miếu nằm cạnh chùa nhưng không phải toàn bộ diện tích chùa. Nhiều phần tồn tại báo phản ánh thì đơn vị tôi không thể giải quyết.

Tường bao của chùa bị đập, dân chen vào và chuẩn bị mở hàng quán
Hỏi về việc đã từng đầu tư rất nhiều vào Dự án cải tạo, tu bổ chùa Đại An thế nhưng đến nay công trình vẫn dang dở, tường bao chùa bị đập đi, đất đai bị lấn chiếm… ? Ông Lộc bày tỏ: Do vướng mắc về đất đai, cụ thể là địa phương chưa giải quyết xong nên chúng tôi không thể làm hoàn chỉnh. Chúng tôi chờ xã hoàn thành phần việc này và sẽ tiến tới thực hiện tu bổ tôn tạo hoàn chỉnh di tích chùa Đại An nếu có đất vào giai đoạn 4 của dự án và chưa có thời gian cụ thể.

Các công trình xây dựng không phép có thể biến phần đất của di tích trở thành quán bia, nơi mua phế thải, nơi bán vật liệu xây dựng… Mang thông tin đến hỏi Thanh tra Xây dựng huyện Từ Liêm thì ông Chu Văn Đức, Chánh thanh tra xây dựng huyện Từ Liêm lại từ chối tiếp phóng viên, chỉ xuống xã Mỹ Đình hỏi và xẵng giọng cho những thông tin ngoài lề: Thành Luân đã từng bị xử lý họ còn gây chiến với các cơ quan chức năng…

Thanh tra xã thì kêu lực lượng mỏng, nhiều công trình vẫn ngang nhiên trên đất di tích... Phải chăng sự thú nhận này, gián tiếp khẳng định sự bất lực trước sai phạm của các đơn vị huyện Từ Liêm?!

Sáng ngày 7/12 sau khi nhận được thông tin có phóng viên báo VietNamNet đến địa bàn tìm hiểu về việc “Di tích lịch sử văn hóa chùa Đại An” bị lấn chiếm, 5 thương binh đại điện của Công ty Cổ phần Thành Luân đã trực tiếp đến báo VietNamNet đề đạt nguyện vọng của mình.

Tại buổi làm việc với phóng viên họ đưa ra các giấy tờ chuyển quyền sử dụng đất giữa các hộ có đất giáp chùa và Công ty Cổ phần Thành Luân (giấy chuyển nhượng phần đất nông nghiệp và không có xác nhận của chính quyền địa phương - PV) và nhiều lần khẳng định phần diện tích đất mà đơn vị này đang kinh doanh không phải của di tích (Trái với thông tin trong bản quy hoạch chi tiết của UBND thành phố Hà Nội cho khu vực này - PV).

Đại diện công ty còn cung cấp giấy chứng nhận đăng kí hoạt động chi nhánh số 0113013194 - Chi nhánh Công ty Cổ phần Thành Luân, đường Lê Đức Thọ, Khu Đô thị II, Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội để chứng nhận doanh nghiệp hoạt động đúng luật.

Ngoài ra các thành viên của công ty Thành Luân còn gửi lại báo VietNamNet một văn bản giới thiệu địa điểm lập dự án Trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái trên các lô đất ruộng mua của các hộ dân trước đó.

Một thương binh trong đoàn nói: Chúng tôi đều là những thương binh nặng, để không là gánh nặng cho xã hội đã tự đứng lên kinh doanh, sản xuất, cuộc sống hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Việc xây dựng hiện tại của công ty chỉ là cải tạo trên phần đã xây dựng để làm nhà hàng ăn uống chứ không phải làm nhà 4 hay 5 tầng mà phải xin phép!.

T. Phan