- Tôi trúng tuyển biên chế và bắt đầu nhận công tác giảng dạy. Nhưng một thời gian sau, tôi xin nghỉ không lương và lại ký hợp đồng làm việc với một Ngân hàng thương mại cổ phần và làm việc tại đây…

TIN BÀI KHÁC:

Tôi ra trường năm 2007, trúng tuyển biên chế và bắt đầu nhận công tác giảng dạy ngày 17/11/2007. Đến ngày 10/09/2011, tôi lấy lí do gia đình và xin nghỉ không lương tại phòng Giáo dục tôi đang công tác.

Tuy nhiên, trong thời gian này, tôi ký hợp đồng làm việc với một Ngân hàng thương mại cổ phần từ ngày 19/09/2011 và làm việc tại đây. Tôi dự định sẽ viết đơn xin nghỉ việc nơi công tác cũ vào ngày 19/12/2011 và chuyển bảo hiểm xã hội qua nơi công tác mới,

Vậy trong trường hợp này, tôi có được hưởng chế độ gì ở nơi công tác cũ không?

Luật sư tư vấn:


1.      Chế độ đối với tiền lương trợ cấp khi thôi việc.

Bạn là giáo viên đã trúng tuyển biên chế nhà nước nên việc chế độ thôi việc của bạn được quy định tại nghị định số 54/2005/NĐ-CP đối với trường hợp bạn là viên chức và theo nghị định 46/2010/NĐ-CP. Theo quy định tại điều 5 nghị định 54/2005/NĐ-CP viên chức được hưởng chế độ thôi việc trong các trường hợp sau:

“2. Viên chức được hưởng chế độ thôi việc trong các trường hợp sau:

a) Viên chức tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2003 có đơn tự nguyện xin thôi việc được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản;

b) Viên chức tuyển dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2003 có đơn tự nguyện xin thôi việc được người đứng đầu đơn vị đồng ý chấm dứt hợp đồng làm việc;

c) Viên chức tuyển dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2003 hết thời hạn của hợp đồng làm việc mà không được người đứng đầu đơn vị ký tiếp hợp đồng làm việc”.

Đối với công chức thì được hưởng trợ cấp thôi việc trong các trường hợp sau: “1. Theo nguyện vọng và được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền đồng ý; 2. Do 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật Cán bộ, công chức.” (Điều 3 Nghị định số 46/2010/NĐ-CP ngày 27/04/2010).

Nếu bạn thuộc một trong các trường hợp trên thì bạn mới được hưởng trợ cấp thôi việc từ PGD mà trước đây bạn công tác.

Mức hưởng trợ cấp thôi việc được tính như sau:

-          Trường hợp bạn là viên chức, tức là “Những người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào một ngạch viên chức hoặc giao giữ một nhiệm vụ thường xuyên trong đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội” thì bạn sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 8 của Nghị định số 54/2005/NĐ-CP ngày 19/4/2005:   “.. viên chức thôi việc theo quy định tại Nghị định này thì cứ mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 (một phần hai) tháng lương hiện hưởng (là mức lương theo ngạch, bậc) và các khoản phụ cấp hiện hưởng (nếu có gồm các khoản phụ cấp được đóng bảo hiểm xã hội) do nhà nước quy định; trường hợp  thấp nhất cũng được hưởng bằng 01 (một) tháng lương hiện hưởng và các khoản phụ cấp hiện hưởng (nếu có) do nhà nước quy định”.

-          Trường hợp bạn là công chức, tức là “Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước cấp kinh phí hoạt động thuộc Tổng cục, Cục và tương đương trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; tỉnh ủy, thành ủy; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy thuộc tỉnh ủy; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện” thì bạn được hưởng lương trợ cấp thôi việc theo quy định tại điều 5 Nghị định 46/2010/NĐ-CP như sau: “cứ mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 (một phần hai) tháng lương hiện hưởng, gồm: mức lương theo ngạch, bậc, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có). Mức trợ cấp thấp nhất bằng 01 (một) tháng lương hiện hưởng”.

2.      Chế độ đối với bảo hiểm xã hội khi thôi việc.

Pháp luật lao động quy định khi người lao động thôi việc thì người sử dụng lao động làm thủ tục chuyển sổ bảo hiểm xã hội của người lao động sang nơi khác làm việc hoặc giao cho người lao động. Đồng thời còn quy định khi các bên chấm dứt hợp đồng lao động, doanh nghiệp phải có trách nhiệm cùng với cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận thời gian mà người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội trong Sổ bảo hiểm xã hội của người lao động. Sau đó, doanh nghiệp giao sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động để người lao động nộp cho doanh nghiệp mới mà người lao động sẽ làm việc, doanh nghiệp này tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Thời gian đóng bảo hiểm ở doanh nghiệp cũ được tính vào tổng thời gian đóng bảo hiểm của người lao động khi làm thủ tục hưu trí sau này.

Bạn lưu ý những thông tin mà tôi cung cấp ở trên để có quyết định có lợi nhất nhé. Chúc bạn công tác tốt và gặp nhiều may mắn.

Chuyên viên tư vấn Nguyễn Thảo - Công Ty Luật Hà Nội VDT: Tầng 4 tòa nhà HABUBANK 242H Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội. SĐT: 04.39934068 – 0974223408


Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).