- Bài “EVN kiên quyết không bán điện dưới giá thành, đòi tăng giá” đã thu hút đông đảo bạn đọc. Rất nhiều bạn đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC:

Không chấp nhận EVN năm nào cũng kêu lỗ, đòi tăng giá

Email johndee.sgc62@ymail.com viết: “EVN ‘kiên định’ lập trường ‘đòi tăng giá’ của mình, tức là làm cho kinh tế đất nước và đời sống người dân càng khó khăn. Bất ổn xã hội sẽ gia tăng.”

Email vimvq1987@yahoo.com tỏ ra ‘đanh đá’: “Xin thưa với các ‘ông’ Điện lực là, Nhân Dân cũng kiên quyết không chấp nhận EVN làm ăn năm nào cũng kêu lỗ và đòi tăng giá!”

Email vad.mike@gmail.com phụ họa: “Lỗ là nâng giá. Không thể chịu nổi các doanh nghiệp nhà nước nữa.Toàn ‘moi’ tiền của dân.Nếu doanh nghiệp tư nhân thì chết lâu rồi.”

Ảnh minh họa
Đây là ý kiến của email chip9697@yahoo.com: “Nguyên nhận chính là do độc quyền, do đầu tư tràn lan ra ngoài ngành điện, do bộ máy cồng kềnh, do nhập thiết bị lạc hậu, do điện bị thất thoát nhiều, .... và nguyên nhân của những nguyên nhân ấy là do quản lý yếu kém.”

Email nguyendinhmui67@yahoo.com.vn đặt câu hỏi: “Tại sao EVN nói thiếu vốn để xây dựng công trình lưới điện, nhưng lại đổ vốn vào đầu tư ngoài ngành? Nếu như trình độ quản lý tốt, cơ sở hạ tầng bảo đảm chắc chắn tỷ lệ tổn hao truyền tải sẽ không cao như bây giờ và hiển nhiên giá thành sẽ giảm, EVN không lỗ và giá điện mà người dân phải trả không phải cứ mỗi năm mỗi tăng. Đề nghị Nhà nước, Chính phủ kiểm tra lại năng lực làm việc của những người có trách nhiệm của EVN và có biện pháp xử lý để người dân có thể tiếp tục tin tưởng.”

Một câu hỏi khác của email dung13122003@yahoo.com: “Tại sao EVN lỗ mà trong chương trình tấm lòng nhân ái cuối năm 2011 vẫn ủng hộ 200 tỷ đồng, số tiến này ở đâu ra? Vậy thực chất là lỗ hay lãi?”

Lại một câu hỏi nữa của email hanvantam53@yahoo.com.vn: “Lãnh đạo EVN luôn kêu lỗ mà lương bình quân của họ ‘chỉ có 7,5 triệu đồng’ trong khi bình quân của các ngành kém xa. Tại sao họ chỉ thấy nguyên nhân lỗ là do giá và biện pháp chỉ là ‘móc túi’ dân?”

“Chi phí quản lý cao, lương cán bộ Văn phòng trung bình 30 triệu đồng/tháng thì trách nào chả lỗ, giá điện phải tăng để bù vào chứ”, email kaka1234555@yahoo.com phụ họa.

Đây là phân tích của email minhduc@yahoo.com: “ EVN thì mọi thứ đều tù mù, thiếu minh bạch. EVN luôn mua rẻ bán đắt (dẫn chứng là các nhà máy điện tư nhân rất khó để đàm phán ký hợp đồng bán điện cho EVN, họ thường yêu cầu các công ty này bán giá rẻ, không bán cho EVN thì chẳng ai mua. EVN là độc quyền mua và độc quyền bán).

Ngoài ra EVN còn được hưởng một loạt ưu đãi như: Mua than, mua khí giá rẻ để phát điện, được ưu tiên vay vốn ODA lãi suất thấp, kỳ hạn vay dài, được ưu đãi trong thủ tục đầu tư, các công trình thường vừa khởi công, vừa thiết kế, cũng chẳng phải đấu thầu gì hết mà toàn là chỉ định thầu (dễ phát sinh tham nhũng ở khâu này), được Nhà nước giao vốn, giao cho các dự án ngon,v.v…

Cần hạch toán tất cả các ưu đãi đó vào giá điện của EVN. Cần minh bạch trước khi đòi tăng giá.”

Trách nhiệm của cấp trên được mail nhancochoem090@yahoo.com đè cập: “EVN làm ăn thua lỗ, quản lý kém, là do Bộ Công thương. Bộ quản lý kém là do Chính phủ chưa mạnh tay. Nếu Nhà nước nghiêm minh, Chính phủ và các Bộ có trách nhiệm quản lý sát sao thì EVN đố EVN dám tự tung tự tác.”

Email suny_hp@yahoo.com phụ họa: “Chính phủ thì bảo giảm lạm phát nhưng điện liên tục đòi tăng giá, rồi Bộ Giao thông vận tải thì đòi thu phí.Giảm lạm phát sao đây?”

Lời đề nghị của email caophonple@gmail.com là: “Kiểm toán vào cuộc đi để biết thực tế là tiền của EVN về túi ai mà EVN cứ kêu lỗ.”

Còn đây là ý kiến của email dakbin@gmail.com: “Cả năm 2011 EVN chỉ còn lỗ 3.500 tỷ đồng thay vì lỗ tới hơn 11.000 tỷ đồng như dự kiến ban đầu”, một dự kiến chứng tỏ người hay tập thể làm ‘cho vui’? Nếu không tăng giá điện thì không thu hút được đầu tư vào ngành điện, vậy tăng giá điện thì có còn thu hút được đầu tư vào các ngành nghề khác hay không? Hay ‘ông’ điện lực chỉ biết có mình, chẳng cần quan tâm đến các thành phần, ngành nghề khác đang cần thu hút đầu tư? Tổn hao điện năng do truyền tải mà EVN quản lý là bao nhiêu %, so với các nước là bao nhiêu? Nếu 15% (chắc chắn còn hơn) so với 5% của các nước thì EVN phải có trách nhiệm 10% đó, không được đổ lên đầu người dân.Toàn bộ trị giá lương, thưởng, các ưu đãi (nếu có) trong EVN liên quan trực tiếp đến sản xuất, quản lý, vận hành điện là bao nhiêu? Chiếm bao nhiêu % doanh thu từ điện? So sánh với các nước là bao nhiêu % hay lại do cơ chế đặc thù?Cấm EVN đầu tư vào các ngành không liên quan đến điện được không? Thoái vốn toàn bộ các hạng mục đầu tư ngoài điện, tránh nhập nhèm trong vấn đề lương, thưởng, quản lý...Đầu tư vào thiết bị quản lý điện tự động hoàn toàn giảm bao nhiêu lương nhân công, sai phạm? Trị giá bao nhiêu? Bao lâu hoàn vốn? Thủy điện là tài sản của quốc gia và người dân có quyền hưởng lợi, vì các công trình này khiến người dân gánh chịu các tác động môi trường ...Thiết bị máy móc lạc hậu, công nghệ cũ do các doanh nghiệp nhập về để sản xuất sử dụng điện kém hiệu quả trách nhiệm do đâu? Bộ Khoa học công nghệ có trách nhiệm như thế nào trong việc tư vấn cho Chính phủ, Bộ Công thương có trách nhiệm như thế nào? Tập đoàn điện lực quyết liệt đòi tăng giá thì EVN là con buôn ở chợ hay sao, chính sách vĩ mô của nhà nước để đâu?”

“Giá thành điện nếu tính bằng tổng chi phí của tất cả các công đoạn chia cho tổng công suất bán cho dân thì làm sao EVN biết giá này có thực là giá thành không? Giá thành này bao gồm cả thu nhập cao+lãng phí thất thoát+sử dụng nguồn lực không hiệu quả+quản lý kém+....n cái không tốt. Thế mà ‘ông’ lại bảo không bán dưới giá này. Vậy thì người dân phải trả tiền cho tất cả yếu kém và tham lam của các ‘ông’ hay sao? Vì vậy, nên chia EVN ra thành nhiều công ty hạch toán độc lập, chứ để Tập đoàn là gom lỗ nhỏ lại thành lỗ lớn. Lỗ ‘sinh đẻ’ ngay trên đường báo cáo cấp trên”, đó là ý kiến của email ttgcvattu@yahoo.com.

Bạn đọc Hoàng Ngọc Sơn (email hoangsontund@gmai.com) đề xuất: “Hãy loại bỏ hoàn toàn độc quyền, cách làm ăn cửa quyền của EVN, thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường; trước tiên, EVN phải công khai, minh bạch mọi chí phí tạo nên giá thành để dân giám sát.”

Điện chuyển hẳn sang cơ chế thị trường, khóc thì đã muộn?


Với giọng thách thức, email caremkemchuoi186@yahoo.com viết: “Không chấp nhận tăng giá điện thì tự bỏ tiền đầu tư vào điện lưc đi đễ rồi xem chính mình làm có lãi được hay không?”

“Thử hỏi có ngành kinh doanh nào bị hạn chế giá bán ra thấp hơn giá mua vào để đảm bảo an sinh xã hội mà lãi được không? Mấy ông cứ muốn điện được cạnh tranh theo thị trường. Đến khi điện chuyển hẳn sang cơ chế thị trường thì khóc cũng đã muộn”, email love_forever_2407@yahoo.com "dọa".

Cùng quan điểm với ý kiến trên, email dungnth_0675@yahoo.com.vn viết: “Tôi thấy rất nhiều ý kiến nói là EVN lỗ do quản lý kém, kêu EVN mua rẻ bán đắt mà lại lỗ, rồi EVN lương cao thế, rồi EVN tham nhũng... Nói chung chung như thế chỉ ‘cho sướng mồm mình’ thôi. Vậy bác nào có cao kiến gì thì cởi mở đi giúp EVN, giúp xã hội với. Xin lỗi nhé, các Bác có muốn lương cao không, muốn quá đi chứ nhưng khả năng chỉ biết lao động phổ thông thì làm sao có lương cao? Xin lỗi lần nữa nhé, nếu các Bác mà làm lãnh đạo EVN, có khi dân còn không có điện mà dùng!”

Email b@b.com phụ họa: “Các bác cứ kêu ca EVN. Các bác cứ thử đi kinh doanh, mua đắt bán rẻ xem có lỗ không thì biết. Có bác thì bảo các công trình thuỷ điện lớn thì EVN làm hết, xin thưa, EVN đã từng trả lại một loạt công trình mà có tư nhân nào đủ khả năng hàng nghìn tỷ đồng để làm rồi bán với cái giá rẻ mạt mà các bác đang trả hay không? Bác thì lại bảo EVN độc quyền đàm phán ép giá mua điện của các nhà đầu tư khác, thế thì các bác xem thử cái hợp đồng cuối cùng đấy, cái giá mà EVN ép xuống để mua điện nó gấp 2 hay gấp 3 lần cái giá bán mà các bác đang trả cho EVN đấy.

Thưa với các bác rằng EVN chẳng khuyến khích các bác mua hàng hoá (ở đây là điện) của EVN, bác nào mua ít hay không mua thì EVN rất cảm ơn, bác nào chê giá đắt thì cứ việc mua máy phát điện về đổ dầu vào mà chạy cho nó "rẻ"! Điện là cái thứ càng bán càng lỗ, nhưng vẫn phải gồng mình lên để (ở đây gọi là) cung cấp (chứ không phải ‘bán’) đủ cho các bác dùng vì trách nhiệm quốc gia đấy.”

Đây là lý lẽ của email phanbien@yahoo.com: “Các bác chỉ tính toán đến kinh doanh điện thuần thuý, thế còn cấp điện lên vùng sâu vùng xa, về các bản mường thì lấy ai trông coi vùng biên giới; cấp điện để đảm bảo an ninh quốc phòng thì ai chịu? Vẫn nghành điện phải làm. Tôi biết có rất nhiều công trình đầu tư mà phải đến hàng trăm năm sau mới thu hồi đủ vốn, mà EVN vẫn phải đầu tư xây dựng. Lỗ ở đấy chứ ở đâu nữa.”


“Mình làm trong Điện lực cũng được 2 năm nhưng tổng thu nhập 1 tháng chỉ có 3,5 triệu đồng chứ lấy đâu ra 7,3 triệu đồng chứ? Đi làm xa nhà mà lương từng đó có sống thoải mái được không? Trong khi đó, những ngày lễ, Tết bọn mình vẫn phải đi làm bình thường, mà cũng đâu có được tính công gấp đôi như các ngành khác. Mình đọc comment của bạn đọc thấy buồn quá. Nếu các bạn có người thân làm trong ngành sẽ hiểu”, đó là bộc bạch của email tocngan160987@yahoo.com.

Ban Bạn đọc