- Bác sĩ nói một cái răng hàm của tôi đã bị hỏng, cần nhổ đi. Tuy nhiên trong quá trình nhổ, bác sĩ tiêm thuốc tê và đã nhổ nhầm một chiếc răng hàm khác.

TIN BÀI KHÁC:
Pháo nổ ngày càng kinh hoàng?
Đừng sợ vợ mới của bố tranh nhà

Tôi đi đến khám răng ở một phòng khám tư nhân. Khi ấy bác sĩ nói một cái răng hàm của tôi đã bị hỏng, cần nhổ đi. Tuy nhiên trong quá trình nhổ, bác sĩ tiêm thuốc tê và đã nhổ nhầm một chiếc răng hàm khác.

Xin hỏi việc làm trên có vi phạm luật gì không? Nếu tổn hại sức khỏe của tôi trên 10% thì bác sĩ kia phạm tội gì? (Câu hỏi của bạn đọc Minh Tuấn).

Ảnh minh họa
Luật sư tư vấn:


Theo nội dung bạn trình bày, chúng tôi tư vấn như sau:

Theo quy định tại Điều 604 BLDS về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì:“Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường..”

Ở đây việc nhổ nhầm răng của vị bác sỹ kia là hành vi xâm phạm sức khỏe của bạn với lỗi vô ý. Chiếu theo quy định pháp luật nêu ở trên thì vị bác sỹ đó phải bồi thường thiệt hại cho bạn.

Mức bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm đã được quy định tại Điều 609 BLDS. Cụ thể:

“1. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

2. Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.”

Theo thông tư số Số: 12/TTLB năm 1995 thì tỷ lệ thương tật do mất một chiếc răng chỉ từ 1-1,5% chứ không trên 10% như bạn nói. Và dù tỷ lệ thương tật có lên đến 10% vị bác sỹ kia cũng không bị truy tố hình sự mà chỉ bị bồi thường về dân sự thôi.

Chỉ trong trường hợp tỷ lệ thương tật lên đến 31% thì vị bác sỹ kia mới bị truy tố về tội “vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” quy định tại Điều 109 BLHS. Cụ thể thì:

1. Người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên, do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Tư vấn bởi Luật sư Hoàng Tuấn Anh, văn phòng luật Hoàng Kim, SĐT: 0986663459.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).