- Hiếu ngồi trong quán xúc xích nóng bên lề đường, hướng đôi mắt về phía lũ trẻ đang truyền tay nhau bộ trò chơi xếp hình. Rồi cậu bé quay đi, tiếp tục chăm chú vào đĩa xúc xích rán trước mặt. Tôi đã kịp nhìn thấy ánh nhìn tuyệt vọng trong đôi mắt nhỏ bé ấy... Cái nhìn tiếc nuối cho một tuổi thơ chẳng có ngọt ngào.

TIN BÀI KHÁC:

Bố đi theo một người phụ nữ khác, mẹ từ đó sinh ốm đau bệnh tật. Nguyễn Đình Hiếu – cậu bé 8 tuổi trở thành người gánh gánh nặng mưu sinh trong gia đình. Với công việc bưng bê, rửa bát cho những hàng ăn ở khu chợ Vạng (thuộc xã Song Phương – Hoài Đức – Hà Nội), Hiếu “còi” đã trở thành cái tên quen thuộc với người dân nơi chợ nhỏ.

Tuổi thơ không hạnh phúc


Tôi gặp Hiếu vào một sáng mùa đông trời se se lạnh. Trước mắt tôi là cậu bé còi hơn so với tuổi. Chiếc áo khoác màu nâu rách một bên vai cộng với chiếc quần vá một bên hông... khiến tôi không khỏi chạnh lòng. Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” này, lẽ ra cậu bé 8 tuổi ấy phải được sống trong sự bao bọc, chở che của bố mẹ. Vậy mà với Hiếu, việc thức dậy từ khi gà chưa gáy và đi ngủ lúc mặt trăng đã lên tới đỉnh đầu để kiếm tiền đỡ mẹ trở thành công việc thường ngày. Tuổi thơ ngọt ngào của em đã bị nỗi lo về cơm, áo, gạo, tiền đánh cắp.

Ngay từ khi mới chào đời, Hiếu bị chính người cha thân sinh hoài nghi về dòng máu mang trong người. Chính sự hoài nghi đó đã dẫn đến kết cục chia ly cho một gia đình vốn không hạnh phúc. Ông bỏ đi xây dựng gia đình cùng một người phụ nữ khác. Vì quá đau xót cho số phận của mình, bà Lang (mẹ Hiếu) từ khỏe mạnh bỗng trở nên bệnh tật, ốm đau. Cuộc sống cùng cực, Hiếu cùng mẹ và người chị sinh năm 1999 mắc bệnh suy dinh dưỡng sống nương tựa vào nhau nhờ những đồng tiền quyên góp của bà con hàng xóm. Tưởng rằng đây đã là giai đoạn bất hạnh nhất của cuộc đời mẹ con bà Lang, thế nhưng, tai họa lại một lần nữa rơi xuống căn nhà “không người chống” ấy. Sau một trận ốm, bà Lang trở nên gầy yếu hơn. Gánh nặng mưu sinh dồn lên 2 đôi vai bé nhỏ của cậu bé vừa tròn 8 tuổi và cô chị còi xương. Với chiếc nón rách làm hành trang, Hiếu một mình lanh thang xin từng đồng bạc lẻ còn chị Thảo theo bà bán giày dép phụ việc kiếm tiền.


Giữa khu chợ nhỏ dành cho những cửa hàng ăn, Hiếu đọc được trên tường mảnh giấy nhỏ với dòng chữ nghệch ngoạc: Tuyển người làm. Cậu bé 8 tuổi ấy tiến lại bà chủ cửa hàng bún mọc, ngỏ ý xin làm. Bà chủ nhìn Hiếu, ái ngại và xót thương. Một cậu bé 8 tuổi một mình bon chen ngoài xã hội khiến ai biết cũng nhói lòng. Gật đầu đồng ý, bà chỉ mong sao cậu bé ấy tìm được chỗ “trú chân”, không phải nay đây mai đó mà vẫn có miếng cơm mang về cho mẹ.

Một tháng, rồi hai tháng qua đi, Hiếu dần quen với công việc của mình. Dần dà, cậu bé chiếm được cảm tình của những người trong khu chợ. Nhiều bà chủ cửa hàng ăn ngỏ ý muốn “mời” Hiếu về làm nhân viên phục vụ. Với mong muốn kiếm được nhiều tiền, Hiếu không ngần ngại nhận hết những công việc về mình. 8 tuổi, quá nhỏ để biết đến những lo toan ở đời...

“Ngọn đèn mờ” không có ngày mai

4 giờ 30 phút, tôi bị đánh thức bởi tiếng chuông đồng hồ khi còn đang say trong giấc mộng. Ngoài kia, bầu trời tối đen như mực. Cái lạnh buốt cắt da cắt thịt của mùa đông khiến tôi khẽ rùng mình, toan tắt tiếng chuông rồi co mình vào chăn ấm, ngủ tiếp. Nhưng khi nghĩ đến cậu bé 8 tuổi và những buổi sáng “bình minh” khi gà còn chưa gáy, tôi choàng tỉnh giấc. Khoác vội chiếc áo dưới chân giường, tôi phóng xe chầm chậm về phía chợ Vạng – Nơi mà Hiếu đã thức dậy từ lâu để bắt đầu một ngày làm việc của mình.

Dưới ánh đèn điện chói lòa, Hiếu xếp ghế, kê bàn, trải bát đũa... Cái bóng nhỏ bé ấy lầm lũi một mình, hoàn thành công việc trong im lặng. Tôi tiến lại gần ngỏ ý muốn giúp đỡ, cặp mắt ngây thơ của cậu bé nhìn tôi sợ hãi “Chị đừng động vào những thứ đó, đây là công việc của em... Em sẽ bị mắng nếu để khách làm việc của mình...”. Hiếu không biết rằng tôi chính là một trong số những “cô chủ” của cậu bé, rằng mẹ tôi cũng là một bà chủ hàng ăn của cái chợ Vạng nhỏ bé này, và tôi là một cô sinh viên đã bấy lâu nay không đặt chân về làng.

Trời bắt đầu sáng, chợ Vạng trở về với nhịp sống vốn có của nó, tấp nập kẻ bán người mua. Hàng ăn cũng bắt đầu đông dần. Những bà chủ quán bận bụi với công việc chế biến món ăn của mình, khi đông khách không kịp “trở tay”, họ lớn tiếng gọi “Hiếu ơi, Hiếu!”. Cứ thế, cái tên Hiếu được nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần trong một buổi chợ. Vừa thoáng thấy cậu đang bưng bê cho hàng này, thoắt cái, tôi lại nhìn thấy Hiếu đang rửa bát cho hàng kia. Không có những phút nghỉ ngơi, không bao tay cao su để ngăn dòng nước lạnh ướt đôi tay nhỏ bé, đôi chân trần không đi tất mà bao bọc bởi đôi dép tổ ong cũ kỹ... Vậy mà Hiếu vẫn không một lời kêu than trách móc. Khuôn mặt ngây thơ luôn hiện hữu một nụ cười.

Buổi trưa, khi chợ đã tan tầm, tôi gọi Hiếu lại và đưa cho cậu bé một chiếc bánh bao còn nóng hổi. Hiếu ngần ngại nhưng rồi cũng đưa tay ra cầm lấy. Suốt cả buổi chợ hôm nay, cậu bé bận rộn đến nỗi dù phụ giúp ở cửa hàng nhà tôi nhưng vẫn không nhận ra cô chủ đã chạm mặt ban sáng. Nhìn cậu bé ăn chiếc bánh bao ngon lành chỉ trong chớp mắt, tôi lại nhớ đến hình ảnh đứa em học lớp 6 của tôi, nó lắc đầu quầy quậy khi mẹ đưa cho hộp sữa tươi với lý do “Không thèm”. Tôi xoa đầu Hiếu như một dấu hiệu của sự làm quen, cậu bé ngẩng lên rồi nhoẻn miệng cười. Chúng tôi bắt đầu thân nhau từ đó, chỉ qua một chiếc bánh bao!

Tan chợ, Hiếu chuẩn bị ra về. Tôi ngỏ ý muốn đưa cậu bé đi ăn xúc xích rán – một thứ đồ ăn mà bất cứ đứa trẻ nào cũng thích. Hiếu gật đầu đồng ý ngay tức khắc. Dắt chiếc xe đạp từ góc chợ ra, Hiếu leo lên xe mà chân còn chưa chạm hết đất. Tôi nhận ra ở chiếc xe “cà tàng” đó phát ra một thứ âm thanh lạ, cảm tưởng như chỉ cần một cú va chạm nhẹ là các bộ phận sẽ rời ra hết. Dừng xe ở một xúc xích quán nhỏ bên đường, ở đây, tôi đã có dịp hỏi về cuộc sống của cậu bé, về những vất vả ngày thường và ước mơ tuổi thơ ấu... “Em không mệt, chỉ cần có ăn là em không thấy mệt. Em cũng chẳng cần đi học. Đến trường em toàn bị bạn bè trêu đùa, xua đuổi. Chúng gọi em là “con hoang”, là “ăn mày”. Ước mơ ư? Nó là gì nhỉ? Giá mà em, chị Thảo và mẹ không bao giờ bị đói.”. Hiếu nói mà miệng vẫn không ngừng ăn. Tôi như đang nhìn thấy cảnh tượng của thời bao cấp ngày xưa, cái thời mà “cơm no, áo ấm” là một mong ước, không giống như bây giờ, “cơm ngon, áo đẹp” cũng khiến người ta thấy “nhàm”!

Bóng chiều đổ xuống làng quê nhỏ bé của huyện Hoài Đức một màu ảm đạm. Hình ảnh cậu bé 8 tuổi đạp chiếc xe “cà tàng” ngược theo chiều gió cứ ám ảnh tôi mãi. Hôm nay, ngày mai, rồi cả ngày kia nữa... Hiếu rồi sẽ ra sao? Ngôi nhà có thể trở thành mái ấm khi không có người cha? Tuổi thơ còn không khi phải một mình bon chen kiếm miếng cơm, manh áo? Tương lai sẽ về đâu khi đến trường là một điều “xa xỉ”?... Cậu bé 8 tuổi ấy sinh ra như để hứng chịu những bất công ở đời, để minh chứng cho những điều trái ngược luôn tồn tại trong cuộc sống: Có những đứa trẻ ngay từ lúc chào đời đã sống trong đầy đủ, coi ăn uống là điều bắt buộc và đến trường như hình phạt cho những kẻ hư. Đứa trẻ khác sống trong thiếu thốn ngay từ lúc sinh ra, ngay cả những điều bình dị nhất của cuộc sống đời thường cũng không nằm trong “tầm với”...

Minh Hiền

Mọi sự đóng góp xin gửi về:

1. Gửi trực tiếp cho mẹ em Hiếu chị Nguyễn Thị Yến (Tên thường gọi là bà Lang), Thôn Phương Viên, xã Song Phương, Hoài Đức, Hà Nội.

2. Hoặc Qua báo VietNamNet (Ghi rõ ủng hộ cháu Nguyễn Đình Hiếu)

Chuyển khoản: Đơn vị thụ hưởng: Báo VIETNAMNET
Số tài khoản: 0011002643148. Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam
198 Trần Quang Khải, Hà Nội
- Chuyển khoản từ nước ngoài:
- Bank account: VIETNAMNET NEWSPAPER
- The currency of bank account: 0011002643148
-Bank:
- BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM
-Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi, Vietnam
-SWIFT code: BFTVVNVX

3.Hoặc trực tiếp báo VietNamNet:
-Phía Bắc địa chỉ: tầng 3, tòa nhà C’Land, 156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội
-Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 51 Trương Định, P6, quận 3,TP.HCM. Điện thoại: 08.39309882 - Fax: 08.39309881
Email: banbandoc@vietnamnet.vn