- Ba tôi vốn hiền lành nhưng khi có người đàn bà khác thì hay đánh chửi mẹ và cứng đầu với ông bà nội. Ngày tôi 18 tháng tuổi là ngày ba thuê người đi cưới vợ khác.

TIN BÀI KHÁC:

Mẹ tôi năm nay 49 tuổi là mẹ của hai đứa con một 19 tuổi, một 13 tuổi. Ba tôi phụ tình mẹ khi tôi mới chập chững biết đi.

Người thương mẹ tôi nhất là bà nội. Nhưng bà đã ra đi khi mới bước qua tuổi 55. Mẹ tôi kể bà sống với má chồng nhiều hơn với chồng. Ba tôi vốn hiền lành nhưng khi có người đàn bà khác thì hay đánh chửi mẹ và cứng đầu với ông bà nội. Ngày tôi 18 tháng tuổi là ngày ba thuê người đi cưới vợ khác. Hay tin bà nội cùng mẹ đi bắt ba về. Ngày đó tôi cũng có đi theo. Thấy hoa trên áo chú rể “ba” rớt tôi nhặt lại đưa cho ba: “Ba bông nè ba” khiến ai cũng cười ra nước mắt.


Vì thương ba, thương nội nên mẹ ráng sinh thêm thằng em trai mong ba hồi tâm chuyển ý mà về sum họp gia đình chí thú làm ăn. Nhưng non sông dễ đổi bản tính khó dời, ba tôi vẫn cờ bạc rượu chè gái gú mà hắt hủi mẹ. Nội mất 3 năm, mẹ ly dị trong cơn tuyệt vọng vô bờ. Ba không chu cấp một xu mà còn khủng bố mẹ bằng nhiều cách đớn hèn nhất.


Ảnh minh họa
Ba năm sau, mẹ gặp chú - người thủy thủ kém mẹ 2 tuổi hào hoa phong độ và chưa vợ. Bạn bè mẹ ra chiều lo lắng mẹ bị bỏ lần nữa khi hai người quá nhiều chênh lệch. Mẹ đang cô đơn cần một bờ vai chở che nương tựa. Chú thì lênh đênh lấy sông nước làm nhà. Chú lại đẹp trai, công việc ổn định nên việc lấy người đàn bà hai con, đồng lương công chức còm cõi như mẹ thì xem ra khập khễnh không sao kê cho bằng được.

Mẹ một nách hai con. Chú một thân nuôi 8 miệng ăn cho gia đình gồm cha mẹ, anh chị em, cả cháu gọi bằng chú, bằng cậu. Chú ở Sài thành, còn mẹ ở vùng nông thôn khoảng cách địa lý cũng đã là vấn đề nan giải. Chú với mẹ chỉ có duy nhất điểm chung là nỗi buồn. Họ đến với nhau không ồn ào nhưng bền chặt xuất phát từ sự đồng cảm rồi yêu thương gắn bó.


10 năm trôi qua chú và mẹ vẫn âm thầm đi bên nhau. Mắt mẹ giờ nhiều dấu chân chim nhưng luôn ngời hạnh phúc. Mẹ chuẩn bị nghiên cứu sinh lấy bằng tiến sĩ. Chú đăng ký học sau Đại học khi quyết định thôi rong ruổi tang bồng sông nước. Có lần, tôi hỏi chú: “Sao chú không cưới cô áo đỏ, áo xanh mơn mởn mà chịu làm phi công cho máy bay già”. Chú cười đôn hậu: “Áo đỏ áo xanh chú không quen họ, chú chỉ quen cô áo dài nhiều tuổi nhưng tâm hồn trẻ trung đôn hậu”. Chú coi hai chị em tôi như con ruột, ân cần dạy bảo đủ điều. Mỗi khi đi tàu về thì y như hội, nhà tôi luôn rộn rã tiếng cười. Mẹ tôi gần 50 nhưng ra đường ai cũng bảo chỉ gần 40.


Chuyện đời đâu ai đoán trước điều gì. Ngày mẹ ly dị nhiều người e ngại ba mẹ con sẽ chết đói vì xưa nay mẹ luôn sống trong sự bảo bọc của gia đình nhà nội. Nhưng khi gặp chú vượt qua bao rào cản từ định kiến xã hội đến sự tủn mủn của những mối quan hệ nhà chồng, mẹ và chú chậm rãi đường hoàng đi đến bến bờ hạnh phúc.


Ngày mai ra sao thì chưa biết nhưng hiện tại tôi dám quả quyết rằng sau những va đập của cuộc đời hạnh phúc mà mẹ và chú đang có là hạnh phúc có thật vì nó được tạo dựng trên nền móng yêu thương chân thành không vụ lợi.


Ai bảo rổ rá cạp lại là không hạnh phúc?


Bạn đọc giấu tên


Mời bạn đọc chia sẻ chuyên đề mới: Con đường làm lại...tập 2"

Đàn ông bỏ vợ “mấy ngày” thì lấy vợ mới? Phụ nữ bỏ chồng bao nhiêu “năm tháng” mới lành vết thương? “Rổ rá” cạp lại liệu có hạnh phúc?


Bài viết chia sẻ, thể hiện quan điểm, câu chuyện tham dự chủ đề “Con đường làm lại… tập 2” nên viết dưới 1000 từ, gửi về địa chỉ email: banbandoc@vietnamnet.vn hoặc báo VietNamNet, tòa nhà C’Land, 156 Xã Đàn 2, Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội.


Tiêu đề thư xin ghi rõ: Bài viết tham gia chuyên mục “Chuyện chung chuyện riêng”


Bài viết của độc giả, ban biên tập có quyền cắt gọt cho phù hợp với hình thức của báo.


Những bài viết cần giữ kín danh tính, xin ghi rõ cuối mỗi bài viết gửi tham dự chuyên mục.


Bài viết có lượng truy cập nhiều nhất theo cách đo, kiểm của hệ thống google giành được phần thưởng trị giá 1.000.000 đồng.


Thời gian nhận bài từ ngày 1/3/2012 đến hết ngày 31/3/2012. Mời bạn đọc tham gia gửi bài dự thi.