- Bài “Đất hiếm: Nước lớn tranh chấp, lối đi nào cho VN?” đã thu hút đông đảo bạn đọc. Nhiều bạn đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC:

Tính toán khai thác phải đồng bộ với bảo vệ môi trường

Theo bạn Tạ Văn Chương (email tavanchuong.tvc@gmail.com) thì: “Việc phát hiện trữ lượng lớn đất hiếm là một tín hiệu mừng đối với nước ta. Tuy nhiên, chúng ta cần phải xem xét kỹ lưỡng về quy trình, kỹ thuật khai thác cũng như những tác động của nó tới môi trường. Để làm tốt điều này chúng ta cần có cơ chế quản lý, đào tạo, chuyển giao công nghệ để có thể thu ngoại tệ cho quốc gia. Theo tôi chúng ta nên làm.”

Ảnh minh họa
Ý kiến của email belitofme@gmail.com: “Nhà nước ta nên khuyến khích khai thác đất hiếm - một tài nguyên rất quý đúng với tên gọi của nó! Tuy nhiên, việc tính toán khai thác và bảo vệ môi trường cần phải đồng bộ. Theo tôi được biết hiện Nhật Bản đã xin được khai thác tại Lào Cai và Thanh Hóa, chúng ta nên tận dụng cơ hội này để phát triển công nghiệp khai khoáng đất hiếm - tận dụng vốn, công nghệ và kinh nghiệm khai thác. Kèm theo đó cần có lộ trình cụ thể cho việc phát triển công nghiệp chế biến đất hiếm nâng cao giá trị thành phẩm, tạo công ăn việc làm cho người dân!”

Email canmotcaiten.nguyen007@gmail.com cho rằng: “Việc khai thác đất hiếm rất đáng để chúng ta quan tâm. Song, hãy lấy đó làm chiến lược phát triển dài hạn không nên nóng vội. Phải chuẩn bi các yếu tố cần thiết về KH-KT mà quan trọng nhất là về con người. Hãy coi đây là thế mạnh của VN, cần phát huy khai thác và đầu tư tinh chế đất hiếm để nâng cao giá trị và hạn chế lãng phí nguồn tài nguyên trên. Đồng thời có chiến lược phát triển phù hợp để gìn giữ cho thế hệ sau.”

Đây là ý kiến bạn Trần Đỗ Liêm (email tranliemrg@mail.com): “Khai thác tài nguyên kể cả đất hiếm đưa vào xây dựng kinh tế đất nước như trong tình trạng nước ta hiện nay là cần thiết và cần làm, song có điều là khai thác phải tuyệt đối đảm bảo môi trường, lợi ích của người dân nơi có mỏ. Quan trọng hơn là khai thác chế biến tới mức độ nào để giá trị gia tăng sản phẩm cao chứ không dừng ở sản phẩm thô, với máy móc thiết bị tiên tiến, không như cảnh khai thác ở TQ vừa lạc hậu vừa ô nhiễm, công nhân làm việc như khổ sai (qua xem ảnh trên mạng).”

Bạn Lê Nam Thành (email rdthanh@gmail.com): “Phát triển công nghệ khai thác và chế biến đất hiếm là cần thiết không chỉ phục vụ cho xuất khẩu mà còn phục vụ cho chính nền công nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, phải nhấn mạnh là chúng ta phải xuất khẩu sản phẩm, không xuất khẩu thô.

Cần phải giải quyết đồng bộ cả vấn đề môi trường, trong đó đặc biệt quan tâm đến các nguyên tố phóng xạ, có thể được thì thu hồi hoặc phải xây dựng các kho chứa đặc biệt để tính đến các giải pháp công nghệ sau này có thể thu hồi được các nguyên tố phóng xạ.”

Email hd111288@yahoo.com.vn nêu ý kiến: “Nước ta nên thăm dò và khai thác đất hiếm để đẩy mạnh phát triển kinh tế ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Khi khai thác cần đàm phán với Nhật Bản để nhận được công nghệ khai thác tốt nhất, giảm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Nhà nước phải có quy định cấm xuất khẩu đất hiếm thô, chỉ được xuất khẩu đất hiếm đã qua tinh luyện, qua đó vừa thu lợi nhuận kinh tế cao hơn, vừa tiếp nhận được công nghệ mới và tạo nhiều việc làm hơn ở nước mình.”

“Theo tôi cần làm ngay:
1. Lập ban quản lý, giám sát trữ lượng đất hiếm một cách sát sao.
2. Cho phép khai thác một vài mỏ với trữ lượng vừa phải, đánh giá tác động môi trường, nguồn công nghệ thu được, ảnh hưởng dân sinh quan khu vực, và xem xét đánh giá kỹ nên hay không nên mở rộng khai thác.

3. Trong cuộc tranh chấp của các ông lớn Mỹ - Nhật - Trung, chúng ta không nên liên quan, hay tận dụng gì ở đây. Chúng ta chỉ nên xem xét cung cầu của đất hiếm và tác động của nó tới chúng ta mà thôi”, đó là ý kiến của email thanh.victory@gmail.com.

Để dành đất hiếm cho công nghiệp công nghệ cao sau này


Email nguyenlinh131a@gmail.com phân tích: “Việt Nam mình trình độ khoa học kỹ thuật còn hạn chế, nếu muốn khai thác cần phải hợp tác với nước ngoài, như vậy vô hình trung mình lại đi làm thuê và bán tài nguyên với giá rẻ, theo tôi chúng ta chưa cần khai thác vội. Việc cần thiết là phát triển kinh tế xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đẩy lùi nạn tham nhũng, nâng cao vấn đề giáo dục và hạn chế nạn chảy máu chất xám, đưa đất nước mình giàu mạnh cả về kinh tế và chính trị rồi hãy nghĩ tới việc khai thác đất hiếm cũng chưa muộn.”

Bạn Nguyễn Hữu Vương (email n_nhv@yahoo.com) cho rằng: “Đất hiếm của ta nên để dành phát triển nền công nghiệp công nghệ cao của đất nước sau này. Nếu vì cái lợi trước mắt mà bán đi với giá rẻ mạt thì tương lai con cháu chúng ta sẽ không có nguyên liệu để sản xuất sản phẩm công nghệ cao, Việt Nam sẽ mãi là một nước đi sau về khoa học công nghệ và phải nhập khẩu sản phẩm công nghệ cao của nước khác với giá đắt đỏ.”

Tán thành ý kiến trên, bạn đọc Tương Lai (email yihungbe@yahoo.com.vn) viết: “Đừng nóng vội. Theo tôi, hiện nay tiềm lực, điều kiện và trình độ khai thác của nước ta còn hạn hẹp. Chúng ta không nên nóng vội mà cho các nước vào VN khai thác để bán đi nguyên liệu thô rẻ mạt, mà hãy để dành lại cho các thế hệ sau đủ trình độ khai thác & chế biến, lúc đó VN cũng sẽ chiếm một vị thế ‘chiếu trên’ trên thế giới.”

Email sdfdi@yahoo.com nêu ý kiến: “Nếu chúng ta không đủ công nghệ thì cho nước ngoài dùng công nghệ và sản xuất tại nước ta, không xuất khẩu nguyên liệu thô ra nước ngoài kể cả than và dầu mỏ cũng như các loại quặng khác, vì nguồn nhân công của ta đang rất dồi dào, xuất khẩu nguyên liệu thô thu rất ít tiền so với những sản phẩm công nghệ cao. Chúng ta phải tìm hiểu vì sao Nhật Bản tích trữ đất hiếm và vì sao Mỹ lại ngừng khai thác trên đất của họ?”

Ý kiến của email nguyendinhtan89@gmail.com: “Theo tôi chúng ta chưa nên khai thác và xuất khẩu đất hiếm ở thời điểm hiện nay, vì Việt Nam không thể tránh khỏi xu hướng phát triển trong tương lai là phát triển những ngành công nghệ cao, cần đến nguồn tài nguyên này, nên có thể coi như đây là nguồn dự trữ cho tương lai. Không nên lặp lại tình trạng xuất khẩu nguyên liệu thô kéo dài nhiều thập kỷ nay trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên.”

Với thái độ dứt khoát, email trung_hero2003@yahoo.com viết: “Không nên khai thác đất hiếm vì:
+ Chưa xác định được rõ trữ lượng, đào bới quá nhiều sẽ tạo ra làn sóng khai thác đất hiếm vô cùng nguy hiểm .
+ Xuất khẩu đất hiếm tuy mang lại nguồn thu hiện tại nhưng về lâu dài chúng ta sẽ trở lại với bài toán tái nhập giống như với than. Xuất với giá rẻ và nhập với giá cao ngất ngưởng, hơn thế còn chịu nhiều rủi ro và an ninh khoáng sản.
+ Tâm linh một chút thì tốt nhất là không nên bán đất của cha ông.”

Email khathu@yahoo.com.vn tán đồng: “Chúng ta không nên khai thác bây giờ. Tập trung nguồn lực phát triển kinh tế biển và rừng. Thứ đất hiếm đó khó khai thác mà lại ô nhiễm môi trường.”

Email hr.huy@posco.net cũng cùng quan điểm: “Không nên khai thác vội. Nên làm dự trữ quốc gia các tài nguyên khoáng sản quý, hiếm. Tập trung đầu tư vào các lĩnh vực sử dụng chất xám như phần mềm, dịch vụ tài chính.”

Email laser4736@yahoo.com tỏ ra cẩn trọng: “Tôi nghĩ nếu chưa có đủ điều kiện về công nghệ thì chúng ta hãy tạm thời chưa khai thác ngay mà hãy đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời xây dựng hệ thống pháp chế chặt chẽ. Khoảng 10 năm nữa chúng ta có đủ điều kiện rồi thì tiến hành khai thác vì lúc đó trên thế giới tài nguyên này sẽ trở nên vô cùng quý giá. Đừng vội bán đất hiếm với giá nguyên liệu thì rẻ phí lắm, con cháu sau này cần thì không có, lại trách cha ông ‘bán lúa non’.”

“Hãy để dành cho con cháu mai sau tự khai thác chứ không nên để doanh nghiệp nước ngoài khai thác trục lợi. Mai sau kỹ thuật của ta sẽ tiến bộ và giá cả sẽ đắt đỏ hơn nhiều”, đó là ý kiến của email tranmanhcuong82@gmail.com.

Ban Bạn đọc