- Ngoại trừ một số ít quán ăn sang trọng, còn lại đa phần là các quán ăn đường phố, người Hà Nội buộc phải chấp nhận thực tế rằng “Mình đang ăn bẩn”.

TIN BÀI KHÁC:

Bát đĩa, cốc chén nhớp nháp…

Bước chân vào quán bún chả nổi tiếng trên phố Ngọc Khánh, điều đầu tiên khiến khách hàng “ấn tượng” đó là cảnh chậu thịt đã ướp nằm chỏng chơ dưới đất, dăm ba chú ruồi cứ tự nhiên ra vào mà chẳng hề bị nhân viên đang viên thịt xua đuổi. Hướng ánh mắt lên trên một chút, một nhân viên khác đang nhanh tay nướng thịt trên chậu than hồng, bụi than – bụi đường ngấm mỡ chảy ra từ thịt bám đen kít khắp viền chậu chẳng biết tự bao giờ, khói nghi ngút khiến người đi đường cay xè mắt.

Đặt chân vào quán, khách hàng lại thêm một phen giật mình bởi suýt nữa thì ngã đập mặt vào cạnh bàn do sàn nhà trơn nhầy mỡ. Lấy bát đũa ra lau, khách lại thêm một lần “ngạc nhiên” bởi đôi khi dính trong bát, trên đũa là vài lá rau sống đã héo khô, dính chặt như bị dán keo.

Và nếu đã một lần đặt chân vào dãy quán vịt nướng, vịt cỏ Vân Đình trên đường Láng hay ở khu chợ Thái Hà thì bạn sẽ nhận thấy cái sự bẩn của các hàng bún chả Hà Nội vẫn chưa thấm tháp vào đâu. Bước chân vào những quán vịt này, nếu lỡ miệng gọi thêm âu trà đá hoặc cốc uống bia, khách hàng sẽ được thưởng thức mùi vị của những chiếc cốc dính đầy mỡ và quanh năm hầu như chỉ được tráng qua bằng nước lã.

Bên cạnh sàn nhà bẩn thỉu, giấy vệ sinh ngấm nước bẩn nhớp nháp, bát đũa còn nguyên rau sống, chậu than để nướng vịt còn cáu bẩn gấp nhiều lần so với chậu than nướng thịt của hàng bùn chả cũng sẽ để lại...ấn tượng khó phai cho khách.

Chị Ngọc Anh ở đường Kim Mã kể: “Gần nhà tôi cũng có quán vịt khá nổi tiếng nhưng sau 1 – 2 lần ghé vào ăn, thấy cái cảnh bát đĩa cốc chén bẩn thỉu như vậy tôi cũng chẳng dám vào thêm lần nữa. Gần đây, vì tiện đường nên tôi cùng vài người bạn có ghé vào 1 quán vịt ở cuối chợ Thái Hà ăn tối. Không thể tưởng tượng nổi là quán có thể bẩn đến thế, nước và rác lép nhép dưới chân, bát đũa trơn mỡ như chưa hề được rửa. Đã vậy, khi lấy tờ giấy ăn ra lau bát đũa, bột giấy mủn ra dính khắp nơi và bốc mùi…thum thủm.

Lỡ vào quán gọi đồ ăn rồi nên chẳng lẽ lại bỏ đi, chúng tôi bấm bụng ngồi ăn cho xong rồi nhanh chóng ra về. Hôm sau 2 anh bạn tôi đều kêu rằng đã phải “cố thủ” trong nhà vệ sinh gần hết đêm do trót ăn ít rau thơm và hành sống”.

Dụng cụ chế biến…bốc mùi


Anh bạn tôi – Một gã độc thân có kinh nghiệm lâu năm về ăn uống đường phố ở Hà Nội khẳng định: “Nếu muốn ăn uống hợp vệ sinh, đúng tiêu chuẩn thì chỉ có ăn ở nhà hoặc vào khách sạn, còn đã bước chân vào quán ăn đường phố rồi thì nên chấp nhận…khuất mắt trông coi”.

Tâm lý "khuất mắt trông coi" khi ăn hàng quán...
Với tâm lý “khuất mắt trông coi”, “ăn vào chắc gì đã đau bụng”, người Hà Nội hình như đang điềm nhiên chấp nhận thực tế là mình đang ăn bẩn, thậm chí là rất bẩn. Anh Cường ở Kim Liên cho biết: “Ngày nào tôi cũng đi qua quán gà nướng, hải sản nổi tiếng ở ngay mặt đường Phạm Ngọc Thạch nên tôi biết họ chế biến thế nào. Chân – đùi – cánh gà được nhân viên nhà hàng tẩm ướp trong những chiếc chậu nhôm méo mó đặt ngay trên sàn nhà bẩn thỉu.

Nhưng khủng khiếp hơn cả là do có tinh thần “tiết kiệm triệt để” nên mỗi chiếc que tre vẫn dùng để xiên nướng gà được dùng đi dùng lại có khi đến cả chục lần. Và cũng vẫn với tinh thần tiết kiệm đã được quán triệt nên hàng ngày, trước khi quán đóng cửa, đám nhân viên sẽ tập trung số que xiên lại vứt vào một góc nhà. Tới trưa hôm sau, sẽ có một nhân viên chịu trách nhiệm cọ rửa lại số que tre này bằng nước lã và một cái giẻ có nhúng chút nước rửa bát trước khi chúng được dùng lại”.

Tiết kiệm triệt để...dùng lại que tre
Để kiểm chứng câu chuyện của anh Cường, phóng viên VietNamNet đã bỏ ra 2 buổi chiều uống trà đá đến xót ruột để ghi lại hình ảnh nhân viên nhà hàng gà nướng trên đường Phạm Ngọc Thạch rửa que xiên tre ngay dưới nền xi măng bẩn thỉu bằng một miếng giẻ rách. Lợi dụng lúc nhân viên này đi chỗ khác, phóng viên VietNamNet đã có một hành động “dại dột” là thử cầm một que tre đưa lên mũi ngửi. Que tre ấy có mùi khăn khẳn của thịt cũ, mùi lờm lợm của mùn thớt, mùi gỗ cháy, mùi nước rửa bát rẻ tiền và vẫn còn vương vất đâu đó mùi gia vị tẩm ướp…

Cuối tháng, đặt chân vào một quán thịt chó ăn “giải đen”, gắp một miếng thịt hấp đưa vào miệng, bên cạnh mùi vị dặc trưng của thịt chó, đã bao giờ bạn cảm thấy miếng thịt có mùi hôi đến lợm giọng của mùn thớt chưa? Tôi đoán chắc là rồi bởi khi hỏi 100 người đi ăn thịt chó thì cả 100 người đều khẳng định “Sợ nhất là cái mùi mùn thớt nó ám vào miếng thịt chó”.

Sợ nhất là cái mùi mùn thớt nó ám vào miếng thịt chó!
Đó là chưa kể đến việc những con dao, vỉ nướng, rổ nhựa..v..v..tất cả những dụng cụ vẫn được các chủ quán ăn dùng để chế biến món ăn cho thực khách hầu như chẳng bao giờ được rửa đúng quy cách. Có chăng chỉ được rửa qua bằng nước lã và miếng giẻ những chút nước rửa bát nên chuyện chúng bốc mùi và ám vào những món ăn cũng chẳng có gì là lạ.

Và quan trọng là, thứ mùi bốc ra ấy chính là một dấu hiệu cảnh báo rằng “Có rất nhiều vi khuẩn gây bệnh” đang ẩn nấp trong đám dụng cụ chế biến thức ăn.

M.Thành