- “Để cải tiến báo, thiết nghĩ công tác bạn đọc là một trong những vấn đề mà VietNamNet cần chú ý”, đó là góp ý của bạn Nguyễn Quốc Vỹ – 104A Trần Phú, Quy Nhơn.

TIN BÀI KHÁC

(ảnh minh họa)

“Đã từ rất lâu, tôi là một độc giả trung thành và thường xuyên của Báo VietNamNet. Ngày ấy, phần vì Internet chưa “phủ sóng” mạnh như hiện nay, phần vì chưa có nhiều báo mạng “ra đời” và trên hết là quý báo có rất nhiều bài viết đọc rất “thấm”. Hiện nay, thật tình mà nói, VietNamNet không còn là lựa chọn hàng đầu của tôi trong những buổi sáng thu thập thông tin cũng như những buổi tối sau giờ làm việc. 

Có rất nhiều lý do làm tôi ngày càng trở nên “xa cách” với báo như: Không còn những bài viết, những phân tích sắc sảo ở các chuyên mục Giáo dục, Kinh tế - Thị trường hay Xã hội. Bên cạnh đó là những chuyên mục như 2Sao với phần lớn là các bài viết, hình ảnh về người mẫu bán dâm, ca sỹ “lộ hàng” hoặc những tin mà “không đi đến đâu” nhưng lại được “giật tít” thật sốc để gây sự chú ý. Nhưng, quan trọng hơn cả là sự “im lặng” của quý báo với bạn đọc.

Tôi cũng tham gia viết bài, gởi bài về nhiều vấn đề trong xã hội đến nhiều báo, trong đó có VietNamNet. Với tôi, sau khi viết bài xong, tìm địa chỉ email của báo để gởi bài cũng đã là một vấn đề. Khi tìm được rồi, tôi gởi bài viết và luôn kèm theo câu “mong nhận được sự phản hồi của quý báo về bài viết”. Đôi khi, tôi luôn băn khoăn và tự hỏi không biết gởi theo địa chỉ này đúng không cho dù nó nằm trên trang của báo. Và, đáp lại sự mong muốn, tinh thần cầu thị của tôi là một sự im lặng đến “rợn người”.

Cũng đã nhiều lần sau khi gởi bài, tôi lại vào trang thông tin của quý báo để tìm xem bài viết của tôi có được đăng không. Không những thế, tôi thử gõ tên bài viết của mình trên Google với một hy vọng mong manh nếu bài đã đăng và Ban biên tập không đổi tên tiêu đề thì may mắn tôi có thể tìm ra. Nhưng, tất cả đều rơi vào “vô vọng” và thật sự lòng kiên nhẫn của tôi không còn nữa. Những bài viết về Giáo dục, về Xã hội, về Văn hóa của tôi đã được gởi cho các báo khác – những tờ báo có Ban công tác bạn đọc tốt hơn.

Để cải tiến báo, thiết nghĩ công tác bạn đọc là một trong những vấn đề mà VietNamNet cần chú ý. Cụ thể là:
1. Hồi âm lại cho bạn đọc khi nhận được những thông tin, bài viết hay đơn giản là sự nhờ quý báo giúp đỡ trong việc liên hệ với tác giả của một bài viết nào đó mà bạn đọc tâm đắc. Việc làm này sẽ cần đến một số lượng nhân viên lớn và có thể trong điều kiện khó khăn chung hiện nay, báo nên đặt chế độ trả lời thư tự động. Người liên hệ sẽ phần nào “ấm lòng” khi nhận được hồi âm, còn những yêu cầu, những thông tin cụ thể sẽ “hạ hồi phân giải”.

2. Báo tin cho tác giả với những bài viết được đăng bằng cách gởi đường link của bài viết. Kèm theo đó là những thông tin về chế độ nhuận bút với bạn đọc. Chắc chắn, bạn đọc, người có bài được đăng sẽ hợp tác cùng với quý báo trong việc cung cấp thêm thông tin để việc nhận nhuận bút hoặc làm rõ thêm một vài vấn đề trong bài báo được thực hiện nhanh chóng.

3. Liên hệ, mời các chuyên gia, những người có uy tín và kinh nghiệm trong các lĩnh vực để viết bài cho quý báo. Việc này hoàn toàn có thể thực hiện dễ dàng với một trang thông tin có uy tín như VietNamNet. Song song đó là những thông tin về vấn đề này trên trang nhà để những bạn đọc khác cũng có thể tham gia “làm báo cùng VietNamNet”. Như vậy, những bài hay, những thông tin hấp dẫn, bổ ích không thể “chạy” sang báo khác.

4. Báo cần thông tin cụ thể về người phụ trách từng chuyên mục và cũng là người chịu trách nhiệm ở chuyên mục này. Việc này, vừa “giảm tải” khi có quá nhiều thư gởi đến một địa chỉ thư chung, vừa để bạn đọc có thể trao đổi dễ dàng hơn trong việc gởi bài, nhận được phản hồi từ người phụ trách chuyên mục...

5. Nên có những cuộc thi dành cho bạn đọc định kỳ. Đó có thể là viết bài về một chủ đề nào đó hoặc tham gia tìm hiểu thông tin trong một lĩnh vực nhất định. Không cần giải thưởng nhiều nhưng phải rõ ràng về quy chế thi. Những phần thưởng nhỏ cho người trúng giải có thể là một quyển sách về giáo dục, về nghệ thuật sống hay tài liệu hướng viết báo cũng làm cho những bạn đọc, những nhà báo “nghiệp dư” có thêm động lực để cộng tác cùng quý báo.

Tương tác với bạn đọc, “chăm sóc” các bạn đọc và lắng nghe bạn đọc thì chắc chắn không cần tin giật gân, gây sốc...báo cũng sẽ ngày càng có thêm nhiều độc giả. Những tin hay, bài viết sâu sắc luôn có “chỗ đứng” vững vàng trong lòng bạn đọc. Trong thời đại thông tin như hiện nay, lẽ nào việc trao đổi với bạn đọc lại khó đến thế sao?

Tôi nghĩ là hoàn toàn không. Chỉ có điều, báo có thật sự mong muốn lắng nghe, giao lưu với độc giả và thay đổi hay không mà thôi.”

Trân trọng cảm ơn bạn đọc Nguyễn Quốc Vỹ. Chúng tôi sẽ tiếp tục đăng tải ý kiến đóng góp của bạn đọc.

Ban Bạn đọc