Đám cưới của chúng tôi không được sự đồng thuận của gia đình nhà chồng, nhất là mẹ anh vì bà cho rằng, nếu hai đứa lấy nhau thì một trong hai người sẽ tuyệt mệnh. Bất chấp tất cả, anh vẫn quyết làm đám cưới. 

TIN BÀI KHÁC

(ảnh minh họa)
Tôi trở thành cô dâu bất đắc dĩ bởi trước đó, tôi đã từng có ý định sẽ chia tay.

Gia đình chồng có 4 anh chị em, chồng tôi là út và là con trai duy nhất, 3 chị đều lấy chồng và ở riêng. Chúng tôi sống cùng bố mẹ, biết mẹ chồng không có nhiều thiện cảm với con dâu, tôi cũng đã cố hết sức để bà khỏi chê trách, than phiền. Tuy nhiên, do không thích anh lấy tôi nên khi tôi làm việc gì bà cũng tìm mọi cách chê bai, thậm chí là dỗi hờn khiến tôi vô cùng khó chịu và thấy áp lực. Nhiều lần nấu ăn, bà bảo “mình thích ăn mặn thì chúng nó lại nấu nhạt”, những lần như thế, mẹ chồng tôi ăn rất ít, đã thế, bà còn thở dài thở ngắn khiến bữa cơm cuối ngày càng nặng nề, ảm đạm.

Tôi và chồng đều đi làm, trưa không về, chỉ ăn cơm ở nhà buổi tối. Về nhà, tôi phải làm hết mọi việc, nếu “lỡ mồm” nhờ chồng làm gì mà bà biết được thì bà bảo “để đấy mẹ làm”. Quan điểm của mẹ chồng là đàn ông lo việc lớn, đàn bà lo việc nhà cửa, chăm sóc con cái. Một vài lần bị mẹ chồng “phát hiện” tôi chẳng dám nhờ chồng làm việc gì vì sợ bà bắt bẻ.

Nói chung, bà chưa bao giờ tỏ ý hài lòng về tôi, dù tôi đã cố gắng hết mức. Lúc nào bà cũng nâng niu anh như sợ quả trứng dễ vỡ. Bà chăm sóc anh như một đứa trẻ mặc dù anh đã trưởng thành. Lúc nào bà cũng muốn anh dành hết tình cảm cho mình và ghét anh thể hiện tình cảm vợ chồng trước mặt bà. Nhiều khi tôi thấy cô đơn và hụt hẫng, tôi cảm thấy mình như người thừa và không biết đến bao giờ mới được mẹ chồng coi như một thành viên trong gia đình.

Sự việc đẩy lên đỉnh điểm khi chồng tôi bị tai nạn chết đuối trong đợt đi biển cùng cơ quan. Nghe tin dữ, tôi choáng váng và ngất đi lúc nào không biết. Đó cũng là thời điểm tôi đang mang bầu đứa con đầu lòng ở tháng thứ 7, còn gì đau xót và buồn thương hơn. Nhận được tin, bố mẹ tôi ở quê vội vàng khăn gói ra Hà Nội để động viên con và thu xếp công việc. Bạn bè thì gọi điện liên tục hỏi han. Những người thân thì tỏ ra đồng cảm và thương cho tôi, mới 26 tuổi đã bị góa chồng.

Còn mẹ chồng tôi, bà lên án tôi cực độ. Bà than vãn giá như ngày xưa chồng tôi nghe bà, lấy cô giáo gần nhà thì sự việc không đến nước này. Bà nghĩ tôi là nguyên nhân khiến anh phải ra đi bởi tuổi của tôi và anh không hợp nhau. Tuổi của tôi là tuổi “qua hai lần đò” hoặc chồng hoặc con sẽ tuyệt mệnh.

Tôi hiểu, anh là con của mẹ, khi anh bị mất, mẹ đau khổ đến nhường nào. Bố mất sớm, mẹ đã ở vậy nuôi mấy chị em khôn lớn. Tôi hiểu mẹ, nhưng mẹ lại không hiểu tôi.

Trong đám tang, ngoài tiếng khóc của tôi, của những người thân trong gia đình và cả anh em bạn bè thì còn có cả tiếng trách oán và giận dữ của mẹ. Tôi lặng người. Tôi trở thành người cô đơn nhất trên thế gian.

Thời gian trôi đi, giờ con tôi đã gần 2 tuổi. Tôi vẫn sống cùng gia đình chồng và tôi vẫn đang phải chịu mang tiếng là sát chồng.

Bạn đọc giấu tên

Thể lệ tham dự cuộc thi viết về “Mẹ chồng nàng dâu thời hiện đại”

Viết lại những ấm ức, giận hờn và yêu thương giữa mẹ chồng, nàng dâu và chia sẻ với câu chuyện đó với bạn đọc báo VietNamNet, nhận cơ hội trúng 1000.000 đ.

Câu chuyện nên viết dưới 1000 từ, gửi về địa chỉ email: banbandoc@vietnamnet.vn hoặc báo VietNamNet, tòa nhà C’Land, 156 Xã Đàn 2, Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội.

Tiêu đề thư xin ghi rõ: Bài viết tham gia chủ đề: “Mẹ chồng nàng dâu thời hiện đại”.

Bài viết của độc giả, ban biên tập có quyền cắt gọt cho phù hợp với hình thức của báo.

Những bài viết cần giữ kín danh tính, xin ghi rõ cuối mỗi bài viết gửi tham dự chuyên mục.

Bài viết có lượng truy cập nhiều nhất theo cách đo, kiểm của hệ thống google giành được phần thưởng trị giá 1.000.000 đồng.

Thời gian nhận bài từ ngày 1/6/2012 đến hết ngày 30/7/2012. Mời bạn đọc tham gia gửi bài dự thi.

Mời bạn đọc tham gia gửi bài viết dự thi.