- Rất nhiều bạn đọc đã…‘Mừng hụt’ khi đọc bài “Tăng lên 9 triệu khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân”. Nhiều bạn đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC:


Năm 2014 mới thực hiện, có lẽ luật chưa áp dụng đã… phải sửa


Email batien001@zing.vn thốt lên: “Thời điểm luật sửa đổi có hiệu lực sẽ bắt đầu từ 1/1/2014. Đọc đến đây là hết muốn đọc tiếp. Không biết sau 1 năm rưỡi nữa thì luật còn gần với dân được bao nhiêu nữa”?

Bạn Phương (email phuongnt.zaza@gmail.com) chưng hửng: “Cứ tưởng thực hiện ngay trong năm 2013, chứ đến 2014 thì chạy sao kịp với giá thị trường”?

Lời than phiền của email nguyenquynh7887@gmail.com: “Đến năm 2014 mới áp dụng thì đưa ra dự thảo sớm trước gần 2 năm để làm gì cho mọi người mừng hụt? Thử hỏi bây giờ trên 4 triệu đã phải đóng thuế, mọi người đã không sống nổi thì sang năm 2013 sống làm sao với thời buổi giá cả cao thế này? Đề nghị Chính phủ cho thực hiện ngay 6 tháng cuối năm 2012”.

Ảnh minh họa
Bạn Nguyễn Đình Phúc (email ndphuc_54@yahoo.com.vn) than thở: “Hiện tại, mình phải chi: Điện 1,1tr; nước gas: 700ng; điện thoại: 500 ngàn, xe đi lại, ăn uống,.. cho hai người thôi cũng hết lương, chưa có tiền tu sửa nhà cửa. Lương có 6,1triệu đồng/ tháng nên phải làm quần quật và chịu thuế! Đợi tới 1/1/2014 mới sửa luật thì VNĐ mất giá bao nhiêu % nữa đây”?

Bạn Lê Thị Huyền (email huyendao1983@gmail.com) tán đồng: “Nhà nước để đến năm 2014 mới áp dụng thì e rằng thời điểm đó đã quá lỗi thời rồi vì biết bao nhiêu cái thay đổi, liệu rằng các mức ấy còn hợp lý với thực tế lúc đó không”?

Tương tự là ý kiến của email thangnono@yahoo.com: “Là người lao động và đang chịu nộp thuế thì tôi nghĩ mức thu thuế này nên áp dụng ngay từ bây giờ. 2014 mới áp dụng thì lại lặp lại tình cảnh như hiện tại”.

Thắc mắc của bạn Thanh Tung (email tungtothang@gmail.com): “Không hiểu sửa luật kiểu gì mà gần 2 năm nữa mới thực hiện, trong khi đó cuộc sống thay đổi từng ngày? Có lẽ luật chưa áp dụng đã phải sửa lại rồi”.

Email trungnien69@yahoo.com phụ họa: “Tưởng đâu là 6 tháng cuối năm nay sẽ trình luật thuế TNCN sửa đổi để áp dụng ngay vào đầu năm sau. Ai ngờ mãi 1/1/2014 mới có hiệu lực. Làm gì mà một sửa đổi nhỏ như vậy phải chờ đến gần 2 năm? Biết đâu gần 2 năm nữa khi luật có hiệu lực thì quá lạc hậu lại phải điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi”.

Email nangthaocali@yahoo.com.vn hùa theo: “Duy trì mức chịu thuế từ trên 4 triệu đồng đến gần 2 năm nữa thì thật quá trì trệ và lạc hậu. Thu nhập tôi 6 triệu/ tháng nay còn không đủ cho những sinh hoạt tối thiểu . Nếu đã nói thì làm ngay đi, chậm chạp quá chỉ kéo dài sự nghèo đói, phân hóa, tham nhũng và lạc hậu của đất nước mà thôi”.

Vương Hà Nam (email vghnam@yahoo.com) thắc mắc ở góc độ khác: “Tận thu là kìm hãm sự phát triển - Vô lý trong cách tính mức thuế, thời điểm áp thuế - Tận thu thuế nhưng không có báo cáo về việc sử dụng tiền thuế thu nhập (với danh nghĩa là đảm bảo công bằng về thu nhập) - Xa thực tế và không tiếp thu ý kiến người dân”.

Lời bình của bạn Nguyễn Văn Vũ (email nv.vu2011@gmail.com): “Tóm lại Bộ Tài chính vẫn bảo thủ và có ý tận thu. Hoàn toàn chưa theo kịp cuộc sống. Tôi đề nghị các đại biểu Quốc hội cho ý kiến”.

Kiến nghị Quốc hội xem xét


Email hoangkim4@yahoo.com bộc bạch: “Hiện tại cuộc sống người dân đang khó khăn. Mức 4 triệu đồng một tháng ai cũng biết là hoàn toàn chưa đủ sống nếu ở thành phố. Thế mà đã phải nộp thuế. 1,6 triệu đồng cho người phụ thuộc thì mua được mấy hộp sữa cho con? Tôi nghĩ các nhà làm luật phải thấu hiểu cái chúng tôi cần hơn là hiện tại, chứ không phải chờ gần 2 năm nữa. Cũng như các doanh nghiệp, khi còn ngắc ngoải cứu ngay may ra mới sống, chứ chần chừ, doanh nghiệp ‘chết’ rồi mới ra các gói cứu trợ thì...vô nghĩa”.

Ý kiến của bạn Đoàn Văn Chau (email chaudv@yahoo.com.vn): “Thuế thu nhập cá nhân năm 2012 và tiếp theo là 2013 đang bất cập, ảnh hưởng đến cuộc sống của những người làm công ăn lương, dư luận có ý kiến rất nhiều tại sao dự án luật sửa đổi phải chờ đến 01-01-2014 mới có hiệu lực? Kiến nghị Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của dân và vì dân xem xét”.

Bạn Hoàng Ngọc Sơn (email hoangsonvptu@gmail.com) đề nghị: “Nên giảm bậc thuế thu nhập cá nhân để phù hợp với giá cả sinh hoạt và điều kiện sống hiện tại (giá điện, nước, chi phí khám chữa bệnh, học tập... đều cao), nên bỏ mức chịu thuế TNCN ở mức 0-5 triệu đồng; còn từ 5 đến 10 triệu đồng mức chịu thuế TNCN là 3%; còn lại thì giữ nguyên như biểu mà Bộ Tài chính đã đưa ra”.

Đề nghị ở góc độ khác của bạn Nguyễn Trung Kiên (email kiendhh@gmail.com): “Nếu cứ tính cụ thể (4 tr hoặc 9 tr) thì cứ sửa mãi. Theo tôi lấy mốc theo mức lương cơ bản để áp dụng lâu dài (chẳng hạn như hiện nay lấy bậc 9 để tính thuế thu nhập cá nhân: 9 x 1.050.000 đ = 9.450.000 đ - Như vậy hiện nay 9.450.000 đ mới nộp thuế thu nhập). Nếu lương cơ bản tăng thì thuế thu nhập tăng theo. Khỏi sửa”.

Email Doict2@gmail.com cho rằng: “Đến 2014 mới điều chỉnh là quá chậm - Việc điều chỉnh luôn luôn quá chậm so với thu nhập bình quân và nhất là tốc độ lạm phát. Vậy đề nghị có một mức điều chỉnh phù hợp tại thời điểm nào đó; từ các năm kế tiếp mức điều chỉnh được nhân với tốc độ tăng trưởng GDP hoặc tỷ lệ lạm phát. Lúc đó chỉ cần các văn bản hướng dẫn mà không cần sửa luật”.

Theo email tam.nm01@yahoo.com thì: “1. Sửa đổi mà mất hơn 1 năm rưỡi để áp dụng, trong khi tăng giá thì chỉ cần 1 đêm, bó tay. 2. Tăng mức khởi điểm chịu thuế thì phải sửa lại bảng biểu thuế thu nhập hiện tại, chứ giữ nguyên thì cũng như không, lương > 9 triệu thì cũng đóng như thế, chẳng hiểu nổi luôn”.

Email tata0011@yahoo.com đề xuất: “Nên giảm thuế suất, còn mức chịu thuế thì giữ nguyên như vậy sẽ đảm bảo 1 điều là người dân nếu đã có thu nhập thì phải có nghĩa vụ đóng góp cho NN. Người VN nên thể hiện tình yêu nước và chia sẻ với NN bằng việc nộp thuế. Thực sự số thuế phải nộp là rất ít so với các nước khác đấy các bạn ạ”.

Email thanglap1970@gmail.com bổ sung: “Biểu thuế thu nhập cá nhân nên lấy 6 bậc và dãn khoảng thu nhập. Ví dụ: Bậc 1thu nhập tính thuế đến 10 triệu, bậc 2 từ 10 triệu đến 20 triệu đồng…”.

“Đưa ra quyết định thay đổi thì lấy sở cứ của hiện tại để áp dụng cho 2 năm tiếp theo. Đúng là không hiểu nổi. Như vậy, với tốc độ lạm phát như bây giờ thì đến năm 2014, con số 9triệu cũng không còn mang tính thực tế nữa. Việc điều chỉnh này nên áp dụng muộn nhất là trong quý I năm 2013. Như vậy, luật mới mang đúng tính chất cuộc sống”, đó là ý kiến của e mail hoaduong@yahoo.com.

Giọng cổ vũ của bạn Hoang Duc Thuan (email ducthuan23@gmail.com): “Tôi thiết nghĩ mức thuế phải đóng là không đáng kể gì so với thu nhập. Vì vậy tôi hi vọng chúng ta cùng nhau đóng thuế vì một xã hội phồn vinh. Đóng thuế cũng thể hiện một tình yêu đất nước. Hãy cùng nhau chung tay xây dựng đất nước”.

Ban Bạn đọc