- Rất nhiều bạn đọc bị thu hút bởi bài “Ngừng xuất khẩu than vì lỗ”. Nhiều bạn đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC:


Chỉ đào lên mà xuất khẩu vẫn… lỗ?

Bạn Lê Trung Kiên (email kelvin2976@gmail.com) nêu ý kiến: “Than lộ thiên, than mỏ vỉa, khai thác âm đều có trữ lượng và chất lượng tốt. Chỉ đào lên mà xuất khẩu vẫn lỗ, lại đòi giảm thuế tài nguyên và thuế xuất khẩu thì đừng đào lên bán nữa! Nếu không gánh nổi lỗ thì hãy tinh giản biên chế ngành than đi! Nếu vẫn không có lãi và không nộp được thuế thì đóng hết các mỏ lại để dành cho con cháu! Hãy chuyển đổi ngành nghề cho lãnh đạo và công nhân viên ngành than sang sản xuất sản phẩm có ích cho xã hội! Không thể chấp nhận được một nhóm người ngang nhiên làm giàu trên tài nguyên khoáng sản và mồ hôi, xương máu của người công nhân cũng như của để dành cho con cháu”!

Ý kiến của bạn Lê Hoan (email hoanhaitrung@gmail.com) cũng tương tự: “Chỉ có mỗi việc khai thác, không cần đầu tư nguyên liệu đầu vào mà ngành than lại kêu lỗ? Tài nguyên khoáng sản ở Việt Nam không phải là vô hạn. Đề nghị ngành than xem xét lại quy cách điều hành cũng như cách quản lý khai thác để nếu khai thác thì phải hiệu quả, mang lại lợi nhuận cho công ty, đất nước. Nếu lỗ thì dừng lại để dành cho con cháu đời sau sử dụng và khai thác làm giàu cho đất nước”.

Bạn Huy (email Nguyenlehuy@yahoo.com) phụ họa: “Tài nguyên than để chỉ có lãi không lỗ đâu mà sợ, chúng ta không dùng thì con cháu dùng. Chúng ta có xuất thì cũng chủ yếu xuất cho Trung Quốc, tài nguyên Trung Quốc đầy nhưng họ để dành cho con cháu họ. Ủng hộ hạn chế xuất khẩu tài nguyên”.

Ảnh minh họa
Giọng dứt khoát của bạn Thai Binh (email giangho_hiepkhack@yahoo.com): “Lỗ quá thì xin thôi, đừng làm nữa! Như có lần Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã nói với ngành xăng dầu, nếu doanh nghiệp nào cảm thấy lỗ quá không làm được thì có thể xin thôi. Mồm thì kêu lỗ nhưng có bao giờ thấy nói đến tỷ lệ thất thoát trong ngành than đâu? Không biết bao nhiêu phần nhà nước thu được thuế, bao nhiêu phần là thất thoát đây? Nhà nước cần dừng ngay việc xuất khẩu để tài nguyên lại cho con cháu, có mất đi đâu đâu mà lo”.

“Khoáng sản than của Việt Nam rồi cũng đến ngày cạn kiệt. Nếu lỗ tại sao không đóng cửa mỏ để dành đến một thời điểm nào đó có giá mới xuất khẩu? Một bài toán mà anh nông dân cũng biết cách giải là: Có lời thì đẩy mạnh, không lời thì cầm chừng. Không ai sản xuất ra lỗ mà cố kéo. Vả lại, than không cần đầu vào mà kêu lỗ thì nghĩa là sao? Hãy xem lại cách vận hành bộ máy làm việc của ngành than đi. Cần có một sự thanh tra chính xác. Chứ cái kiểu lấy tài nguyên quốc gia đem đi bán rẻ cho xứ người mà kêu lỗ thì thật khó chấp nhận”, đó là ý kiến của bạn Văn Nhung (email tvnhung@longan.gov.vn).

Email trinhquocviet1981@gmail.com ‘trách móc’ từ một góc độ khác: “Khai thác khoáng sản thì phải nộp thuế tài nguyên chứ, các ông còn than vãn gì nữa? Các ông khai thác xong để lại khai trường như vùng đất chết, có hoàn thổ gì đâu? Tôi nghĩ nên dừng ngay xuất khẩu than và khai thác than nếu giá trị thấp và dành tài nguyên lại cho tương lai. Ảnh hưởng đến sinh kế của người lao động ngành than còn dễ giải quyết hơn là ảnh hưởng xấu đến môi trường, cảnh quan, an ninh năng lượng quốc gia”.

Bạn Duy Hiển (email junbocp@gmail.com) không tán thành những ý kiến trên: “Đọc mấy lời bình luận thấy các bạn chẳng biết gì về ngành than cả, chỉ việc đào lên mà lấy? Nực cười, vậy thì mấy ông vào mà đào, chỉ sợ các ông mới nhìn thấy cái lò đã… 'vãi ra quần' rồi”!

Người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm

Bạn Quang (email quan.nguyentan@yahoo.com) tính toán: “Tổng thuế suất hơn 40% là quá cao. Với nhiều mức thuế dến thế thì doanh nghiệp than cũng khó kéo dài được lâu. Nên nhớ còn phải đánh thuế thu nhập doanh nghiệp ~ 10% nữa . Với mức thuế ~ 50% thì ăn đứt ~ 1/2 chi phí sản xuất rồi, chưa kể giá than thế giới đang giảm ~ 35% . Nếu các DN than đổ vỡ thì nhà nước thất thu thuế, lại phải tốn chi phí trợ cấp thất nghiệp, chi phí an ninh trật tự xã hội ...”.

Phân tích của bạn Tran Tuan Nam (email vu_evn@yahoo.com): “Việc giảm xuất khẩu tài nguyên than đã có lộ trình và Vinacomin vẫn đang thực hiện theo lộ trình đó. Giá xuất khẩu than không đủ bù cho chi phí nguyên nhân chính hiện nay là do thuế xuất khẩu của chúng ta cao (so sánh với các nước trong khu vực). Nếu giữ nguyên như hiện trạng hiện nay sản xuất sẽ đình đốn, hàng ngàn công nhân vùng mỏ sẽ phải ra đường kiếm việc. Đồng thời, ngành than đang bù lỗ cho ngành điện bằng chi phí than dưới mức giá thành sản xuất. Với tình hình này sẽ không bù lỗ được cho ngành điện, hậu quả sẽ thành phản ứng dây chuyền”.

Ý kiến của email daibang20un@yahoo.com lại khác: “Giá bán< giá thành sản xuất là phải rồi. Ví dụ: Chi phí bỏ ra để khai thác than thì doanh nghiệp bỏ ra, tính vào chi phí sản xuất (thăm dò, bóc đất, đào lò, nhân công...). Khi khai thác xong chẳng hạn được 10 tấn thì mất 5 tấn thành ‘than thổ phỉ’ được các đầu nậu chở đi bán qua bên kia biên giới. Số tiền đấy chảy vào túi ai? Còn 5 tấn mang đi bán nội địa hay xuất khẩu giá thành lại phải chịu cho cả 10 tấn thì sao mà không cao sao được? Cho nên đừng đổ lỗi cho thuế hay lý do gì khác cả”.

Bạn Van Pham (email vanque1508@yahoo.com) phụ họa: “Nhân viên thống kê thông đồng với tài xế máy xúc, tài xế xe tải, bảo vệ... ghi khống khối lượng đất đá từ vài trăm đến hàng nghìn chuyến /1ca sản xuất. Bảo vệ, xã hội đen, lãnh đạo mỏ cấu kết với nhau qua các hình thức hợp đồng bốc xúc, bán ra ngoài hàng ngàn tấn than mỗi ngày. Khâu tiêu thụ than thì nhân viên trạm cân, nhân viên kho bãi, bảo vệ lái xe liên kết với nhau để bán than ra ngoài. Ít nhất là trung bình bị nâng giá lên 50% đối với vật tư thông thường, đầu tư giá trị lớn thì 30%. Một máy gạt trung tu bảo dưỡng tại tư nhân chỉ khoảng 300 triệu đồng, tuy nhiên nếu bảo dưỡng tại đơn vị trong Tập đoàn thì phải trên 1 tỷ đồng. Lãnh đạo ở các công trường, phân xưởng thì tháng nào cũng gửi lương thừa từ quỹ lương vào lương của nhân viên thân cận để lấy ra hàng trăm triệu đồng. Như thế bảo sao không lỗ”?

“Em được biết tình trạng than thổ phỉ diễn ra ngày càng nhiều và càng tinh vi, đặc biệt là ở Cẩm Phả, làm thất thoát rất nhiều tài nguyên than của quốc gia, ô nhiễm môi trường, xử lý, thanh toán tranh giành địa bàn lẫn nhau gây hoang mang cho dân cư. Em mong có các cuộc thanh tra, xử lý triệt để vấn nạn này”, đó là ý kiến của email connguoilatrungtam@gmail.com.

Andy Nguyễn (email kiencpds@yahoo.com) nhấn vào trách nhiệm ‘người đứng đầu’: “Một tập đoàn hay doanh nghiệp thành hay bại là do người đứng đầu. Người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động kinh doanh của đơn vị mình. Hãy nhìn ra các nước khác, ngay cả đến tập đoàn hàng trăm năm phát triển mà làm ăn thua lỗ thì người đứng đầu cũng bị sa thải. Nhìn lại Việt Nam, yếu kém ở chỗ này thì lại điều chuyển sang làm lãnh đạo ở chỗ khác, và cái yếu kém đó lại tiếp tục chuỗi chu kỳ mới, vậy bao giờ mới thay đổi được nếu như vẫn làm ăn kiểu như thế này”?

Suy ngẫm của email tiencham@gmail.com): “DNNN đa phần là lỗ và phát triển chậm, nguyên nhân có nhiều, nhưng lý do chính vẫn là ‘cha chung không ai khóc’. Do chưa đạt được sự cạnh tranh thị trường bình đẳng nên Chính phủ phải liên tục can thiệp, người trực tiếp, gián tiếp điều hành doanh nghiệp nhà nước trốn tránh trách nhiệm; cứ làm ăn thất bại là đổ lỗi, là kêu cứu, mà tự thân không hề cố gắng giảm tối đa chi tiêu và sản xuất sao cho ít tốn kém mà hiệu quả nhất. Đúng là DNNN rất cần thiết khi kinh tế đất nước còn trong giai đoạn khởi điểm, nội tệ chưa quay được. Nhưng nay đất nước đã khá hơn, nên thay đổi tư duy để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, giúp họ phát triển lúc còn non nớt để có đủ sức cạnh tranh với những nghiệp đoàn lớn lâu đời của những nước tiên tiến. Nên nhớ là DNNN hình thành như một cái bàn đạp giúp bánh xe kinh tế xoay để kích thích sự phát triển của DNTN, chứ không phải để thay thế DNTN”.

Ban Bạn đọc