- Ngã ba sông Đáy giao với Sông Bùi mùa này nước chảy xiết bởi thế nên chỉ 150 m sông trở thành nỗi ám ảnh của người dân mỗi khi qua lại khúc sông này. Ở đây chỉ có duy nhất 1 chiếc phà dập dềnh làm phương tiện đi lại giữa hai bờ sông.

Tin bài cùng chuyên mục:


Ban bạn đọc nhận được đơn thư của người dân sống quanh cây cầu Hòa Viên, cầu nối 2 huyện Chương Mỹ và Ứng Hòa mà chủ đầu tư là Sở giao thông vận tải Hà Nội - Ban Quản lý dự án giao thông 2. Theo như thông báo về dự án này thì sẽ hoàn thành trong 18 tháng, thế nhưng hơn 3 năm qua, đơn vị thi công nhát ngừng đưa những máy móc đến rồi lại lặng thầm rút đi. Cầu chưa xong khiến người dân quanh vùng cực khổ, lận đận.

Chiếc cầu phao ngay bên cạnh cầu Hòa Viên đang xây.


15 phút đùa với sinh mạng mình


Bão vừa qua Hà Nội, trời vừa hửng nắng chúng tôi về cuối nguồn sông Đáy, nơi sông đổ ra phía sông Bùi, nước sông cuồn cuộn… một số công trình ven sông vì thế cũng bị nước nhấn chìm.

Chiếc phà dập dềnh này hàng ngày chở hàng trăm chuyến đưa khách qua sông trên một luồng nước xoáy (nơi gặp nhau của 2 con sông) với nhiều hiểm nguy...

5000 đ một lần qua đò máy (phà) chúng tôi trả tiền và run rẩy bước lên phà để qua đoạn sông mà khi nước về có thể ngập một cây tre lớn. Chiếc phà cũ kĩ chạy bằng đầu máy nổ 16, chiếc máy hoen rỉ, mất đi những bộ phận che chắn cần thiết. Đầu phà, người ta bê đá hộc lên xếp ở đó tạo thế cân bằng cho phà khi chở hàng và chở người qua sông.

Trên phà không có phao cứu sinh cần thiết.

Lên phà có 6 chiếc xe máy cùng với hàng chục con người khối lượng đó như quá sức đối với chiếc phà và máy nổ loại bé này. Máy phả ra thứ khói đen nghịt, phà biêng biêng lao giữa dòng sông.

Bánh lái của con tàu “chém” vào một đống sắt (của cây cầu Hòa Viên bên cạnh) tiếng kêu xé nước làm cho mọi người hú hồn. Nếu bánh lái của phà bị hỏng, máy nổ chết giữa dòng nước xiết thế này, chiếc phà chông chênh này không thể đứng vững thì hơn chục con người, tính mạng sẽ treo trên chiếc máy nổ cũ kĩ.

"Đi lại bằng phà vừa tốn kém vừa nguy hiểm"

Người đàn ông lái tàu bình tĩnh xử lý, tình huống xấu nhất đã qua. Mọi người thở phào, 15 phút đùa với sinh mạng mình đã qua…

Cần lắm một cây cầu!


Nói về điểm giao thông này, chủ tịch UBND xã Hòa Chính (huyện Chương Mỹ), ông Lê Văn Bảy phân trần: Đây là điểm giao thông huyết mạch của địa phương. Mùa khô dân đi bằng cầu phao, mùa mưa đi bằng phà. Đội lái phà qua sông xã giao cho Hội cựu chiến binh làm, tôi đã nhắc họ cam kết nếu nước đầy thì không được vận chuyển khách vì rất nguy hiểm.
 
Khu vực chúng tôi là vùng trũng, bây giờ đang mùa nước lũ lớn, nếu nước về đầy, nước sông có thể cao ngập 1 ngọn tre. Điểm đi phà là khu vực sông Đáy lao vào sông Bùi, điểm hai con sông gặp nhau tạo ra luồng nước xoáy. Nếu không cẩn thận, máy phà chết thì nguy cơ phà lật chỉ là trong chốc lát.

Phà và máy của người dân đang đi không đảm bảo khiến chúng tôi thấy nóng ruột.

Ông Bẩy cũng cho biết thêm: Hòa Chính là địa phương thuộc vùng phân lũ trung ương. Khi Trung ương phân lũ chúng tôi sẽ buộc di dân sang xã Viên An. Thế nên chúng tôi rất cần cây cầu xây xong để khi có lũ lớn chúng tôi di dân sang xã Viên An.

Tái khẳng định tầm quan trọng của điểm giao thông này, ông Lê Xuân Tăng chủ tịch UBND xã Viên An ở đầu cầu bên kia khẳng định: Đây là vùng giao lưu vì có chợ Thá (nơi người dân ở Ứng Hòa, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thanh Oai đến họp chợ). Bởi thế người đi lại rất đông mà qua phà nhỏ, không có áo phao, phao cứu sinh nên rất nguy hiểm.

Trước đây, xã Viên An và xã Hòa Chính có một cây cầu phao mỗi bên quản lý một nửa sông. Khi có dự án cây cầu ấy được phá đi để xây dựng cầu mới… trách nhiệm quản lý thuộc về nhà nước.

Một số hình ảnh về cây cầu xây mãi chưa xong:

Những trụ cầu dang dở...

Vật liệu xây dựng cầu hoen rỉ

Trụ cầu xây dang dở như những lô cốt lớn rồi bỏ đấy

Nhà thầu thi công là Liên danh Công ty cổ phần xây dựng số 6 Thăng Long và Công ty cổ phần tập đoàn Toàn Phát.. Trụ sở của đơn vị này chỉ là một lán tối tăm với một người đàn ông luôn "lo sợ" đủ điều về cây cầu dang dở.

  • Tĩnh Phan

Bài 2:  Xin làm rõ: “Ở khâu nào làm khổ dân”?