Vẫn biết rằng trong xã hội với những nhu cầu bạn đọc ngày càng đa dạng, những thông tin giật gân, câu khách cũng đang làm thoả mãn một bộ phận bạn đọc. Nhưng có nên đưa quá nhiều những thông tin “mặt trái xã hội” như vậy?

TIN BÀI KHÁC

Với 15 năm phát triển nhưng đã có hơn 33% dân số Việt Nam được tiếp cận với Internet, con số này đồng nghĩa với việc từng ấy người dân có điều kiện tiếp cận với báo mạng điện tử. Cùng với đó, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã cho phép báo mạng điện tử ngày càng áp đảo các loại hình báo chí khác. Trong số những tờ báo điện tử uy tín tại Việt Nam hiện nay, VietNamNet luôn là sự lựa chọn đáng tin cậy cho dân văn phòng như chúng tôi.

VietNamNet là tờ báo có tính chính trị - xã hội rộng lớn. Với nhiều chuyên mục và chuyên trang, VietNamNet luôn bám sát mọi vấn đề, sự kiện diễn ra trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, phải chăng vì áp lực thời gian nhanh và cần “up date” liên tục mà VietNamNet cũng như các báo mạng khác, phạm phải một số lỗi đáng tiếc.

Gần đây nhất, sự việc lùm xùm quanh câu chuyện “bố chồng dính chặt con dâu”. Sự việc chưa kịp kiểm chứng, các báo mạng (trong đó có VietNamNet) điềm nhiên đưa tin, nhiều bạn đọc link vào bài viết đọc, cảm thấy bàng hoàng vì một chuyện hi hữu xảy ra. Nhưng đến ngày hôm sau, các báo lại đăng tin “Không có chuyện bố chồng dính chặt con dâu”…Cột đọc nhiều nhất của VietNamNet sáng 20/9/2012, hai bài viết liên quan đến sự việc này được đặt cạnh nhau. Tuy nhiên, một bài là đưa thông tin, còn một bài ngay lập tức phản bác lại thông tin đó. Tôi thiết nghĩ, nên gỡ bỏ bớt một bài để bạn đọc không cảm thấy mất lòng tin vào những thông tin khác mà phóng viên đưa lên.

Người ta nói trên báo mạng điện tử hiện nay có đủ loại thông tin đáp ứng nhu cầu đa dạng của đủ loại người nhưng nhiều nhất, phong phú nhất là những thông tin “lộ hàng”, “sốc, sex, sến”, những vụ giết người với những tình tiết dã man đến rợn người. Những bài viết này do thỏa mãn sự hiếu kì của độc giả nên có lượng truy cập lớn. Tuy nhiên, đánh giá chất lượng một tác phẩm không thể chỉ dựa vào lượng độc giả được, vì đâu thể biết được trình độ của độc giả đó đến đâu!?

Vẫn biết rằng trong xã hội với những nhu cầu bạn đọc ngày càng đa dạng, những thông tin giật gân, câu khách cũng đang làm thoả mãn một bộ phận bạn đọc. Nhưng có nên đưa quá nhiều những thông tin “mặt trái xã hội” như vậy?

Nhà báo có quyền đưa tất cả những gì biết về nhân vật của mình nhưng với lương tâm, trách nhiệm của mình, anh/ chị có nên “phơi bày” tất tần tật trên mặt báo? Nếu nhân vật của anh ta là một quan chức tham nhũng hay một người nổi tiếng, người của công chúng thì đời tư của người đó ắt hẳn sẽ thu hút được công chúng. Song những điều mà công chúng quan tâm chưa chắc đã mang lại lợi ích cho xã hội. Ví như thói hư tật xấu, bới móc đời tư, quan hệ xã hội của một con người chắc hẳn chẳng phục vụ cho lợi ích chung của xã hội.

Đằng sau mỗi nhân vật là gia đình, họ hàng, người thân, bạn bè. Đằng sau mỗi nhân vật là cả số phận con người. Số phận của họ có thể thay đổi theo chiều hướng tốt hay xấu khi tác phẩm của nhà báo được công bố. Những thông tin “đen” về họ tràn lan trên mặt báo liệu sẽ hủy hoại nhân vật như thế nào?

Chúng tôi cảm ơn những nhà báo đã đưa thông tin đến cho bạn đọc khắp mọi miền. Nhưng, ngoài thiên chức đưa tin, mỗi nhà báo còn phải thực hiện thiên chức trách nhiệm với con người, với xã hội trước những con người khác.

Luôn mong những nhà báo VietNamNet xứng đáng với niềm tin yêu của công chúng cả nước!

Thạc sỹ Nguyễn Thị Việt Hà