- Bạn đọc rất bức xúc khi đọc bài “Cay đắng xi măng: Tập đoàn đổ nợ cho Chính phủ” và gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC:


Xây dựng nhiều nhà máy xi măng để xây gì và bán đi đâu?

Email thepcongnghiep1@gmail.com thốt lên: Quá khủng khiếp! Tại sao ngân hàng nhà nước không có cách quản lý đồng tiền cho vay, đến lúc lỗ khủng mới lấy tiền của dân trả nợ? Bộ tài chính bảo lãnh có kiểm soát không mà để doanh nghiệp vay tiền tiêu bạt mạng rồi kêu lỗ không có khả năng trả? Trách nhiệm này thuộc về ai?

Cùng cảm nhận email naccbuithanh@yahoo.com sửng sốt: Xem bài này mới thấy các DNNN đầu tư vương vãi, nợ nần đầm đìa, làm ăn thì thua lỗ hàng nghìn tỷ thật kinh khủng quá. Trách nhiệm thuộc về ai đây? Nhiều người trong số họ không thể không biết kết cục này, nhưng họ vẫn làm vì khi phát hiện ra họ đã no nê và rời ‘sân khấu’ rồi, khi đó có người làm chủ (nhân dân) lo tội gì mà không làm?

Bạn Bùi Tùng, email buitung80@yahoo.com.vn chất vấn: Chẳng hiểu các vị tính toán, cân đối, đứng ở tầm cao cỡ nào, nhìn rộng và xa đến đâu mà một đất nước còn đang nằm trong tốp nghèo của thế giới, có gần 90 triệu dân mà xây dựng nhiều nhà máy xi măng đến thế? Để xây gì và bán đi đâu cho hết nếu tất cả các nhà máy xi măng đều sản xuất hết công suất?Ý kiến này trước đây các vị chỉ trích là tầm nhìn hạn hẹp. Nay chắc không còn là hẹp nữa mà… rộng bao la phải không?

Bạn Trần Lê, email tranle96@gmail.com nêu ý kiến: Tình trạng xi măng ‘chết hàng loạt’, trong đó có nhà máy đã được cảnh báo trước nhưng vẫn cứ xây dựng, đương nhiên thuộc về trách nhiệm của chủ đầu tư, nhưng không thể không quy trách nhiệm đối với những người, những ngành có trách nhiệm quyết định là Tài chính, Kế hoạch-Đầu tư, Công thương. Đề nghị làm rõ nếu có tiêu cực, móc ngoặc trong vấn đề này, phải xử lý pháp luật!

Ảnh minh họa
Tán đồng của bạn Nguyen Duc Tuan, email nguyenductuan2005@gmail.com: Bộ tài chính cần làm rõ nguồn tiền trả nợ cho những dự án này. Không thể lấy tiền thuế của chúng tôi đóng góp để trả giá cho những dự án đầu tư vô lý như thế được. Những dự án thế này không phải là thiết yếu, nhà nước không đầu tư thì tư nhân cũng đầu tư, tại sao lại được bảo lãnh tín dụng? Mấy DNNN này được vay vốn ưu đãi, được ưu tiên đủ điều, vậy mà vẫn không cạnh tranh nổi với các DNTN, DN FDI. Vậy trách nhiệm những người bỏ tiền ra đầu tư ở đâu, trách nhiệm của người mang tiền dân ra bảo lãnh ở đâu? Mong các đại biểu Quốc hội nắm bắt những thông tin này để chất vấn trong kỳ họp sắp tới.

Bạn Khiếu Đình Huy Hoàng, email huyhoangkd@gmail.com cũng cùng quan điểm: Ai quản lý các tập đoàn? Ai chịu trách nhiệm? Xin hỏi khi các dự án chuẩn bị đầu tư là phải lập dự án, qua bao nhiêu cấp có thẩm quyền phê duyệt, dự án hiệu quả mới thực hiện đầu tư. Thế mà tại sao dự án chưa đi vào hoạt động đã thấy thua lỗ? Hay chỉ đẻ ra dự án để đầu tư? Không cần xét đến hiệu quả, tiền nhân dân lao động chịu.Và cứ in tiền ra, gia tăng lạm phát, nhân dân đã khổ lại càng khổ hơn. Tôi không thấy tập đoàn nào trả được nợ.

Cảm thán của Nguyễn Xuân Thu, email thuibt@gmail.com: Cay đắng xi măng, cay đắng cho dân, cay đắng cho đất nước ta, cay đắng cho con cháu chúng ta quá! Biết bao lâu nữa dân chúng ta mới có cuộc sống như các nước quanh?

Phải xử lý hình sự và buộc bồi thường tổn thất

Giọng phiền muộn của email luongzp@gmail.com: Nguồn lực của xã hội đã và đang bị coi là… của chùa. Liệu có ai sử dụng của chùa một cách có trách nhiệm không? Chắc chắn không. Tư lợi, tắc trách, tham nhũng đã và đang làm kiệt quệ nguồn lực của nước ta. Minh bạch ngay còn kịp. Chính phủ không thể lấy thuế của dân bù lỗ mãi được. Lúc này ai lo? Không biết các tổng giám đốc, giám đốc các tập đoàn này có lo không? Nhưng tôi thì lo sau này con tôi, cháu tôi phải è cổ đóng thuế để trả nợ cho cái tư tưởng ‘của chùa’ này.

Email hadanghoangmdc@gmail.com chì chiết: Dự án không có tính khả thi, đơn vị nhà nước không cần cạnh tranh công bằng, vốn thì nhà nước bảo lãnh mà làm gì cũng… kêu lỗ? Đã không có năng lực chuyên môn nhưng lòng tham thì vô độ. Các ‘ông’ sống cũng phải có tâm một tí cho con cháu nó hưởng phúc.

Ý kiến của email chatunhi@gmail.com: Toàn là những dự án có giá trị đầu tư rất lớn. Ai là người lập dự án? Ai là người thẩm định dự án? Ai là người phê duyệt dự án và ai là người ‘đứng đằng sau dự án’? Thật xót xa cho những tài sản chung (tiền) của đất nước. Đó là tiền người dân trực tiếp nộp thuế và có thể là những khoản tiền người dân gián tiếp đóng góp (công sức) qua những lô hàng xuất khẩu. Vậy, nếu không xử lý triệt để nghiêm khắc, chỉ khiển trách, kỷ luật, chuyển công tác, cho về hưu thì không bao giờ chấm dứt được cái kiểu làm ăn ‘sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi’. Mấy vụ này theo tôi là phải xử lý hình sự và buộc bồi thường tổn thất!

Email phamngoclong_nb@yahoo.com.vn cho rằng: Toàn là công ty vốn nhà nước (ViNa), ngoài tư tưởng ‘thấy người ta ăn khoai vác mai đi đào’, còn có một thực tế là đầu tư để kiếm chác ‘hoa hồng’, ăn chênh lệch; lỗ nhà nước bảo lãnh và trả nợ, còn cán bộ chuyển công tác khác với… số tiền nhiều đời tiêu không hết.

Đề xuất của bạn Phạm Ngọc Phú, email phuibs@yahoo.com: Nên điều tra khi đầu tư chủ đầu tư có ăn kênh giá không, có được đối tác mời tham quan nước ngoài không?

Hồng Phong, email hhp_lcit@yahoo.com phân tích với giọng ‘bình tĩnh’ hơn: Vấn đề thấy rõ là sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được. Nhu cầu trong nước sụt giảm mạnh bởi nguồn vốn cấp cho các dự án bị đình trệ. Việc cần bây giờ là có giải pháp cấp thiết cho nguồn vốn các dự án đầu tư trong nước và tìm kiếm thị trường ngoài nước, chấp nhận chia sẻ thị trường tín dụng với các quốc gia có quan hệ chiến lược có nguồn vốn dồi dào. Đây là thời điểm cần tìm kiếm giải pháp tốt nhất thay vì ngồi phê bình nhau, chờ thuyền chìm để rồi ...cùng chết!

“Tôi thiết nghĩ phải thay đổi nền giáo dục nước nhà. Chỉ có nền giáo dục tốt nhân dân Việt Nam ta mới đỡ khổ, vì khi ấy có thể người Việt Nam ta có tinh thần dân tộc hơn, không tư lợi cá nhân mà sẽ sống vì dân tộc”, đó là ý kiến của bạn Nguyễn Ngọc Tưởng, email tuongnnlilama@gmail.com.

Ban Bạn đọc