- Khi quen biết K - chồng em bây giờ, ai cũng bảo em "tu mấy kiếp" mới gặp được anh ấy, nhưng sau khi lấy chồng, em thấy mình già đi mấy tuổi...vì lo nghĩ.

TIN BÀI KHÁC


K là con trai một trong gia đình khá giả, anh thông minh, giỏi giang và rất yêu vợ. Em sợ nhất là phải sống chung với cha mẹ chồng. Nhưng cưới xong cha mẹ chồng em cho tiền mua nhà ở thành phố. Vì K tốt nghiệp Đại học loại giỏi nên được công ty tuyển dụng ngay ở thành phố, còn em xin được việc ở một nhà xuất bản. Đó là sự khởi đầu tốt đẹp với cặp vợ chồng trẻ như chúng em. 

Nhưng rồi đến lúc em mang thai, ốm nghén suốt mấy tháng liền, cứ phải nằm thì chồng em lại không quan tâm, sau giờ làm việc là đi mất tích. Em cảm thấy như mình bị bỏ rơi, tủi thân ghê gớm. Thế là hai đứa lại cãi nhau.

Đến lúc sinh con thì chồng lại bận đi công tác, em phải sinh một mình. Đến hôm sau mẹ em mới kịp lên thăm nuôi. Vậy mà, khi về anh chỉ hăm hở bế thằng cu, chẳng thèm hỏi em một câu.

Cả ngày loanh quanh chỉ cho con bú, đến thay tã, dỗ cho con ngủ, giặt giũ. Rồi con sốt, con khóc phải bế đi bác sỹ, một mình em cáng đáng hết. Em vất vả, trông em già tọp đi. Còn anh cứ phây phây, đầu tóc bóng mượt, chiều hết đi đánh tenis, thì lại đi nhậu với bạn bè. Nếu em nói thì lại cãi nhau. Riết rồi em không muốn nói nữa, cho yên cửa nhà. Anh lúc nào đi, lúc nào về em cũng mặc kệ.

Em đi làm, phải gửi con đi nhà trẻ. Sáng đưa con đi, chiều đón về còn phải ghé chợ mua thức ăn về nhà, lo cho con tắm rửa, cho con ăn, rồi cho con ngủ. Có khi đến 10 giờ đêm em mới được ăn cơm.

Em cảm thấy quá mệt mỏi nếu phải tiếp tục sống như thế này. Có lúc buồn chán em muốn chia tay cho xong, nhưng nghĩ đến con lại thôi. Có cách nào để cuộc sống gia đình em trở nên tốt hơn không chị? Hồng Tuyết (TPHCM)

(ảnh minh họa)

Tư vấn viên chia sẻ:

Tuyết thân mến! Chị cũng là một người vợ, người mẹ nên khi đọc thư em, chị rất cảm thông với hoàn cảnh của em hiện tại.

Người phụ nữ khi có con đầu lòng chính là giai đoạn bận rộn và nhiều thứ việc không tên khiến có những chị em bị stress nặng. Hơn nữa, chồng em lại không chia sẻ được với vợ, điều này càng khiến em cảm thấy gánh nặng đổ cả lên vai mình.

Nhưng em ạ, vợ chồng trẻ đôi khi cãi nhau là chuyện thường tình. Nhất là trong giai đoạn đầu của cuộc hôn nhân, do chưa quen với cuộc sống độc lập. Trước đây, khi còn sống với cha mẹ, từ việc nhỏ đến việc lớn đều do cha mẹ lo. Vì thế khi có một gia đình mới thì ít nhiều gì cả hai vợ chồng đều cảm thấy bỡ ngỡ chưa biết sắp xếp công việc của mình cho ổn thỏa. Cho nên trước khi kết hôn, các nhà tâm lý thường khuyên các bạn trẻ nên học qua một lớp dự bị hôn nhân, trang bị những kiến thức cần thiết cho đời sống vợ chồng, có thể ứng phó với nhũng tình huống xảy ra, nếu gặp phải khó khăn trong gia đình thì không bỡ ngỡ. 

Em gái thân mến, ngay từ đầu, em đã xác định không ở cùng bố mẹ chồng thì em cũng đã phải có chuẩn bị tâm lý sẵn sàng với mọi khó khăn dù là nhỏ nhất trong cuộc sống rồi chứ. Hơn nữa, đã là con người ai cũng có nhưng ưu khuyết điểm, muốn hoàn thiện thì phải có quá trình. Chồng em là con một cho dù có tốt đến đâu nhưng hẳn bản chất vẫn là một “cậu ấm”, quen được nuông chiều, sống vô tư không lo lắng. Lúc yêu nhau thì thấy tính khí ấy dễ thương nhưng khi là chồng rồi thì không thể chấp nhận được.

Thật ra trong chuyện này em cũng có phần trách nhiệm. Thay vì từng bước giúp anh ấy quen dần với công việc thì em lại ôm đồm hết về mình. Như thế đâu phải là cách hay, mà chỉ làm khổ mình thôi. Có thể lúc đầu anh ấy còn vụng về hay quên những công việc em giao, khiến em bực mình. Nhưng nếu em kiên trì, động viên thì đến một lúc nào đó anh ấy cũng phải làm tốt. Một điều nữa mà em cần phải lưu ý, thường những người phụ nữ khi có con đầu lòng thường chăm bẵm con cái mà quên mất có người chồng bên cạnh, khiến anh ấy cảm thấy mình là người thừa.

Phải chăng chồng em đi chơi nhiều là có lý do này? Vì vậy, bây giờ điều tốt nhất đối với em là đừng nên giận hờn nhau nữa, mà vợ chồng nên ngồi lại bàn bạc với nhau, làm thế nào để gia đình mình có một cuộc sống vui vẻ.

Hãy lập một thời khóa biểu cho công việc gia đình và phân công nhau đảm trách, trừ những trường hợp đột xuất. Có thể lúc đầu đây là sự bắt buộc, nhưng khi quen rồi anh ấy sẽ tự hào vì điều ấy và cảm thấy mình là người đàn ông có trách nhiệm với gia đình, con cái.

Chị chúc cuộc sống gia đình em luôn hạnh phúc! 

Chị Ban Mai

Gặp phải các tình huống tâm lí khó xử, bạn có thể gửi thư về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn. Chúng tôi sẽ liên hệ với các chuyên gia để tư vấn giúp bạn.