- Trong cơn bão số 8 tháng 10 vừa qua, mưa lớn làm ngập hết các ao hồ quê tôi trong đó có ao nhà tôi và ao nhà bên cạnh. Bão vừa tan thì hàng xóm nhà tôi đưa máy bơm bơm nước ao nhà tôi để bắt cá. 

TIN BÀI KHÁC:


Gia đình tôi có ngăn cản không cho bơm nước để bắt cá, hai bên đã xảy ra cãi cọ. Hàng xóm nhà tôi nói rằng cá ao nhà họ sang hết ao nhà tôi vậy nên họ bơm cạn nước và cứ con nào cá to là thuộc nhà họ. Họ đã bắt tổng cộng 200kg cá trong ao nhà tôi.

Tôi thấy bức xúc vô cùng, trong khi ao nhà tôi cũng thả các loại cá, bây giờ nước ngập cả làng họ ngang nhiên làm chuyện như thế. Họ lấy cơ sở nào để chứng minh rằng đó là cá nhà họ. Bây giờ tôi phải nộp đơn kiện ở đâu và họ phải bồi thường như thế nào về thiệt hại đã gây ra như bắt cá nhà tôi và gây ảnh hưởng đến các loại cá khác còn trong ao? Câu nói của các cụ xưa truyền lại “cá vào ao ai người ấy được” có trái luật? Bạn đọc ở Giao Thủy – Nam Định.

Ảnh minh họa
Luật sư tư vấn:


Điều 244 Bộ luật Dân sự quy định việc xác lập quyền sở hữu đối với vật nuôi dưới nước như sau: Khi vật nuôi dưới nước của một người di chuyển tự nhiên vào ruộng, ao, hồ của người khác thì thuộc sở hữu của người có ruộng, ao, hồ đó. Trong trường hợp vật nuôi dưới nước có dấu hiệu riêng biệt để có thể xác định vật nuôi không thuộc sở hữu của mình thì người có ruộng, ao, hồ đó phải thông báo công khai để chủ sở hữu biết mà nhận lại. Sau một tháng, kể từ ngày thông báo công khai mà không có người đến nhận thì vật nuôi dưới nước đó thuộc sở hữu người có ruộng, ao, hồ đó.

Điều luật quy định vật nuôi dưới nước gồm nhiều loại khác nhau như: cá, tôm, lươn, ếch… Di chuyển tự nhiên là di chuyển không do tác động của con người, không do đánh, bắt, câu, nhử. Mưa, bão là hiện tượng thiên nhiên làm cho nước ngập các ruộng, ao, hồ, khi đó vật nuôi dưới nước có điều kiện di chuyển tự nhiên qua lại giữa các ruộng, ao, hồ. Người có ruộng, ao, hồ được quyền đánh, bắt, sở hữu vật nuôi dưới nước trong ruộng, ao, hồ của mình. Trường hợp này phù hợp với câu nói xưa truyền lại như bạn nêu “cá vào ao ai người ấy được”.

Tuy nhiên, điều luật cũng có quy định trường hợp vật nuôi dưới nước có dấu hiệu riêng biệt để có thể xác định vật nuôi không thuộc sở hữu của mình. Mục đích của dấu hiệu riêng biệt là nhằm xác định vật nuôi này không nhầm lẫn với vật nuôi khác, đặt định được như giữa cá với tôm, giữa cá lóc với cá trê, giữa cá trê vàng với cá trê leo, giữa cá trê vàng lớn và cá trê vàng nhỏ… Thực tế như trường hợp cá sấu sổng chuồng, người có ruộng, ao, hồ (không nuôi cá sấu) bắt được cá sấu sổng chuồng của người khác phải thông báo công khai để chủ sở hữu biết mà nhận lại.

Trường hợp ao nhà bạn chỉ nuôi một loại cá lóc và ao nhà hàng xóm chỉ nuôi một loại cá trê thì dấu hiệu này dễ nhận biết, hai loại cá này không thể nhầm lẫn nhau, khi đó hai bên trao trả cho nhau, nhận lại loại cá của mình nuôi.

Trường hợp ao nhà bạn nuôi nhiều loại cá và ao nhà hàng xóm cũng nuôi nhiều loại cá như nhau thì rất khó xác định dấu hiệu riêng biệt để xác định cá nào thuộc sở hữu của ai, nếu nhà hàng xóm cho rằng cá to là của họ thì họ phải có cơ sở chứng minh như họ thả cá trước nhiều tháng, trọng lượng cá họ nuôi so với cá bạn nuôi có sự chênh lệch lớn...

Nếu không có dấu hiệu riêng biệt để xác định cá nào thuộc sở hữu của ai mà nhà hàng xóm tự ý bơm nước ao cá nhà bạn, bắt cá và gây ảnh hưởng đến các loại cá khác là xâm phạm quyền sở hữu của bạn, bạn có quyền yêu cầu Toà án buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu phải trả lại tài sản (cá đã bắt), chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu và yêu cầu bồi thường thiệt hại (phần thu nhập bị mất do bắt cá sớm, cá chưa đến thời điểm bán thương phẩm, lượng cá chết và các thiệt hại khác nếu chứng minh được).

Tư vấn bởi Luật sư Trương Bạch Thủy, Văn phòng Luật sư Huỳnh Minh Vũ

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).