Tôi là con ngoài giá thú,  năm nay 24 tuổi. Nhưng lúc trước mẹ tôi làm giấy khai sinh khai tôi họ Nguyễn nhưng thực chất ba tôi họ Từ.

Giờ ba tôi muốn làm thủ tục nhận lại con, thay đổi họ và nhập khẩu cho tôi thì tôi cần phải tiến hành những thủ tục như thế nào? (vuintv88@...)

TIN BÀI KHÁC


(Ảnh minh họa)

Luật sư tư vấn:

Về thủ tục nhận cha cho con: Theo quy định tại điều 33, 34, 35 nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch thì UBND cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận (cha, mẹ, con) thực hiện việc đăng ký. Thủ tục như sau:

- Người nhận cha, mẹ, con phải nộp tờ khai (theo mẫu quy định). Trong trường hợp cha hoặc mẹ nhận con chưa thành niên thì phải có sự đồng ý của người đang là mẹ hoặc cha, trừ trường hợp người đó đã chết, mất tích, mất năng lực hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự. Kèm theo tờ khai phải xuất trình các giấy tờ sau đây: (1) giấy khai sinh (bản chính hoặc bản sao) của người con; (2) các giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con (nếu có).

Trong thời hạn (05) năm ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng sự thật và không có tranh chấp thì UBND cấp xã đăng ký việc nhận cha, mẹ, con. Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá năm ngày.

UBND cấp xã nơi đã đăng ký khai sinh cho người con sẽ căn cứ quyết định này để ghi bổ sung phần khai về cha, mẹ trong sổ đăng ký khai sinh và bản chính giấy khai sinh của người con, nếu phần khai về cha, mẹ trước đây để trống.

Về thủ tục đổi họ mẹ sang họ cha: Sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký việc nhận cha, mẹ, con, bạn có thể yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký khai sinh cho bạn thay đổi họ cho bạn từ họ mẹ sang họ cha. Việc thực hiện đổi họ phải có ý kiến đồng ý của cha mẹ. Theo Điều 27 Bộ luật Dân sự thì cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ tên trong hai trường hợp sau: Việc sử dụng họ tên đang dùng gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của người đó; Thay đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ hoặc ngược lại.

Khoản 1, Điều 36, Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định: "Thay đổi họ, tên, chữ đệm đã được đăng ký đúng trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính giấy khai sinh nhưng cá nhân có yêu cầu thay đổi khi có lý do chính đáng theo quy định của Bộ luật Dân sự". 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch, bạn có thể nộp Tờ khai theo mẫu quy định và xuất trình bản chính Giấy khai sinh của bạn để làm căn cứ cho việc thay đổi họ cho bạn. Nếu việc thay đổi họ cho bạn là có căn cứ và đúng pháp luật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ ký và cấp cho bạn 01 bản chính Quyết định cho phép thay đổi họ cho bạn. Nếu cần thiết bạn có thể xin cấp thêm bản sao Quyết định nói trên.

Về thủ tục nhập hộ khẩu con theo cha: Điều kiện đăng ký, nhập hộ khẩu thường trú quy định tại khoản 1, Điều 13 và điểm a, khoản 2, Điều 20 của Luật Cư trú số 81/2006/QH11 ngày 29/11/2006, được hướng dẫn tại điểm c, khoản 2, Điều 6 và điểm a, khoản 2, Điều 7 của Thông tư 52/2010/TT-BCA ngày 30/11/2010 của Bộ Công an như sau:

- Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống. Trẻ em khi đăng ký thường trú phải có giấy khai sinh.

- Công dân được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương nếu được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình và thuộc trường hợp vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con. 

Trường hợp con về ở với cha hoặc mẹ phải có giấy tờ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con: giấy khai sinh; quyết định công nhận việc nuôi con nuôi; quyết định việc nhận cha, mẹ, con; sổ hộ khẩu hoặc xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú. 

Tại điểm i, khoản 2, Điều 6, Thông tư nêu trên quy định cá nhân được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình khi đăng ký thường trú phải có ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chữ ký, ghi rõ họ, tên và ngày, tháng, năm vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.

Tư vấn bởi Văn phòng luật sư Giải Phóng. Địa chỉ: 225 Hai Bà Trưng, Phường 6, Quận 3, Tp Hồ Chí Minh. Tổng đài tư vấn luật: 19006665

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).