- Đông đảo bạn đọc bị thu hút bởi bài: Chó, mèo cũng phải... 'chính chủ' . Nhiều bạn đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC:


Chó, mèo phen này cũng… khó sống?

Hoàng Anh, email ngo2008@rocketmail.com ngỡ ngàng: Các quan bác ngồi trên chắc rỗi việc, càng ngày càng nghĩ ra nhiều quy định quái dị!

Bạn Thùy, email thuongthuy@gmail.com như muốn ‘cầm đèn chạy trước ô tô’: Các bác ở trên nghĩ ra nhiều luật hay quá. Tôi đề xuất thêm cả heo, gà, vịt, ngan, ngỗng.... cũng cần ‘chính chủ’ luôn cho đủ bộ!

Liên tưởng của email mt.nt@gmail.com: Tiến tới ai dắt con đi chơi cũng phải mang theo chứng minh thư & giấy khai sinh của con để đảm bảo ‘chính chủ’!

Email cunbuj@gmail.com bày tỏ thái độ: Lại làm khổ động vật và người yêu động vật rồi. Nghe thì cũng có lý nhưng thực tế thấy không ổn. Gì mà chó mèo người ta nuôi bắt đem về sau 72h không ai nhận thì đem tiêu hủy? Ác quá xá!

Ảnh minh họa
Tán đồng của email lumihaha@gmail.com: Nghĩ sao mà đem đi tiêu hủy chó, mèo sau 72 giờ, trừ khi chó mèo đó bị dại mới tiêu hủy chứ? Nếu chó mèo bình thường thì theo lý phải lập ra một nơi để nuôi chúng để chúng khỏi đi rong và dễ kiểm soát chứ. Mấy người ra luật quá vô tình, tàn nhẫn, không nghĩ đến cảm nhận của động vật và những người yêu thương chúng.

Giọng khôi hài của email teohoang@yahoo.com: Không cần lập đội bắt chó mèo chạy rông, chỉ cần gọi ‘cẩu tặc’ đến là xong!

Võ Anh Dũng, email dungshtt@gmail.com phụ họa: Nên giao việc này cho các đội ‘cẩu tặc’ chuyên trách, vừa đỡ tốn kém tiền bạc xã hội, vừa bảo đảm không sót một con.

Huỳnh Đình Tuấn, email dinhtuancgc@gmail.com hỏi ‘mát’: Thời gian tới đây, người dân không thể biết ai là ‘cẩu tặc’, ‘miu tặc’, ai là ở trong đội chuyên bắt chó, mèo thả rông?

Phi Hung Manh, email phihungmanh999ts@gmail.com nêu ý kiến nghiêm túc: Nếu thấy khó thực hiện thì vẫn còn một cách hiệu quả, đó là bắt hết chó mèo chạy rông ra đường nhốt hết lại, vừa phòng trừ bệnh dại vừa bảo đảm vệ sinh môi trường. Những con vật bị bắt nhốt nếu có người nhận thì bị xử phạt, còn không có người nhận thì đem tiêu hủy. Có như vậy thì nạn trộm chó mèo sẽ hết!

Phan Anh Tu, email phananhtu_cm@yahoo.com.vn lo xa: Quý vị cần đọc một số sách tham khảo: ‘Trở về từ cõi sáng’, ‘cái dũng của thánh nhân’, kẻo không lại nghĩ ra chương trình ‘kế hoạch hóa chó, mèo; triệt sản, đặt vòng cho chó, mèo’.

Giọng cảm thán của email quocviethtd347@yahoo.com: Chó, mèo phen này cũng khó sống rồi!

Đợi mấy nhà hàng rượu - thịt chó đóng cửa hết đã


Theo email vuvantinh@gmail.com thì: Việc quy định cấp số chó, mèo là khó thực hiện. Bởi vì người dân nuôi chó để giết thịt thì rất nhiều, thời gian tuổi đời của chó giết thịt chỉ vài tháng, thủ tục hành chính thì rườm rà (vì phải điều tra chó ăn trộm hay đi mua hoặc cho, tặng), có khi chó chưa được cấp số đã ‘được ngồi trên đĩa’ rồi! Nếu có thực hiện ghi số thì chỉ cấp đối với chó cảnh thôi, nhưng cũng rất khó, vì xe máy còn có số khung số máy, chứ chó mèo thì lại phải đi… thử nhóm máu, mất thời gian, tốn kém sức người, sức của.

Đỗ Đông, email yoyo15175@yahoo.com thắc mắc: Không biết quá trình đăng ký cấp số chó, mèo phải qua bao nhiêu cửa nữa? Quá rườm rà, sách nhiễu!

Câu hỏi của Đỗ Sơn, email dosonpk@gmail.com: Ở các khu đô thị, khu vực nông thôn, ngoài mục đích nuôi mèo làm cảnh thì còn những giống mèo được nuôi với nhiệm vụ tiêu diệt chuột. Vậy việc ‘cấm mèo thả rông’ thì liệu có phát huy được vai trò của loài mèo? Mới nói ra đã thấy bất cập rồi.

Lý sự của Lê Văn Tuấn, email maihuyen17042000@yahoo.com: Mấy ông ngồi nghiên cứu luật không còn nghĩ gì to lớn hơn được hay sao? Việt Nam là nước như thế nào, tập quán sinh hoạt ra sao, mà nghĩ ra cái luật vô lý thế? Dân mình thích ăn thịt chó, nên mỗi nhà nuôi vài con để có công việc thì thịt, ai nuôi nhiều thì… phục vụ nhà hàng. Giờ ra luật này thì nuôi con chó, con mèo có khi vừa đăng ký xong lại phải đi đăng ký nuôi con khác, đề phòng mình chưa kịp thịt, bọn ăn trộm nó đã ‘thịt hộ’ rồi. Chắc mấy ông ra luật này có nhiều con cháu học xong chưa có việc làm, nên cần có nhiệm vụ mới để tuyển nhân sự đây! Luật này mà thi hành được chỉ khi nào mấy ông quan chức nhà nước bỏ được món rượu - thịt chó, mấy nhà hàng thịt chó đóng cửa hết đã. Dân ta lúc đó chuyển sang chơi chó cảnh hết!

Mỹ Linh, email songquynh_26@yahoo.com.vn cho rằng: Các quy định này chưa phù hợp với tình hình hiện nay, nên không có tính hiệu quả, dẫn đến văn bản không có tính nghiêm minh và chính xác. Sống ở vùng ngoại thành Hà Nội, gia đình tôi cũng như các gia đình hàng xóm, việc nuôi chó, mèo cứ khi lớn lên một chút hay béo tốt một chút, lại bị trộm bắt mất. Vậy việc này tính quản lý sao? Hay các gia đình đã đăng ký sổ cho chó, mèo với UBND cấp xã, phường, thị trấn, trong quá trình nuôi, nó bị chết thì lại phải ra UBND cấp sở tại đăng ký khai tử sao?

Bạn Trần Phương, email phuongttl2003@yahoo.com bày tỏ bức xúc: Hẻm nhà tôi lúc nào cũng đầy phân chó. Chủ nuôi thường xua chó phóng uế sang nhà người khác để khỏi dọn dẹp. Khu phố văn hóa gì mà lúc nào cũng sực mùi phân và nước tiểu chó? Cần có biện pháp xử lý những trường hợp này.

“Cụ Trần Tế Xương đã viết ‘chó chạy ra đường có chủ lo’ từ thời Pháp thuộc. Bây giờ mới bàn thực hiện là quá muộn”! Đó là ý kiến của Van Thong, email pedroigor67@yahoo.com.

Ban Bạn đọc