Mời bạn đọc thêm:
|
Sáng nay (13/3), Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức hội nghị giới thiệu người của UB Trung ương ứng cử ĐBQH khóa XIII. Ban thường trực của MTTQ đã trình bày vắn tắt bản báo cáo chưa đầy 3 trang về tiểu sử, kết quả bỏ phiếu tín nhiệm nơi công tác cho 9 ứng viên (theo đúng cơ cấu được phân).
Bí thư TƯ Đoàn Võ Văn Thưởng mong MTTQ cung cấp thêm thông tin về ứng viên. Ảnh: Long Anh
Chưa đủ thông tin
Nghe sơ lược vài dòng tóm tắt chức danh hiện tại của 9 ứng viên, ông Lê Ngọc Dũng, Chủ tịch Hội mỹ nghệ và đá quý, kim hoàn Việt Nam cho hay, rất khó để đoàn chủ tịch bỏ phiếu tán thành hay không. Nói gì đến việc đưa ra cho dân bầu.
Trong khi đáng lẽ phải cung cấp một danh sách trích ngang với đầy đủ thông tin, quá trình hoạt động, trưởng thành, các thành tích và giải thưởng... mỗi ứng viên đã đạt được thì bản giới thiệu của MTTQ lại quá sơ sài, chỉ ghi vắn tắt chức danh hiện tại. Thiếu thông tin như vậy, nên ông Dũng cho rằng ngoài hai vị lãnh đạo trong MTTQ thì ông không biết những người còn lại là ai, đã làm được gì, có xứng đáng là đại biểu của dân hay không.
"Ta vẫn nói cơ cấu phải đi đôi với tiêu chuẩn, phải chọn người xứng đáng, nhưng ở đây ta không biết họ đã làm được những gì", ông Dũng phân tích. Với hai đại diện DN, ông Dũng cho rằng, chí ít cũng nên cập nhật tình hình hoạt động, thuế khóa, công nợ, từ đó may chăng mới đánh giá được năng lực.
Bí thư TƯ Đoàn Võ Văn Thưởng bổ sung, anh vừa tìm hiểu thông tin về một doanh nhân trẻ sinh năm 1974 được giới thiệu ứng cử, song cả hội liên hiệp thanh niên thành phố Hà Nội lẫn hội DN trẻ đều không biết đến doanh nhân này cũng như tên tuổi doanh nghiệp của anh.
Trong khi đó, còn không ít doanh nhân trẻ thành đạt giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động. Bí thư Đoàn Võ Văn Thưởng tranh thủ kể một số tên tuổi tiêu biểu.
Ông Đỗ Duy Thường, thành viên đoàn chủ tịch cũng bày tỏ phân vân về một vị tiến sĩ đại diện cho giới trí thức TPHCM, với lý do khi hỏi tên vị này thì một Phó Chủ tịch MTTQ sống tại TP.HCM cũng không biết. Như vậy, tên tuổi ứng viên không những chưa thuyết phục được đoàn chủ tịch MTTQ bỏ phiếu ủng hộ mà khi đưa ra bầu cử ở một địa bàn sôi động và tập hợp đông đảo trí thức như địa bàn TP.HCM thì khả năng trúng cử sẽ không cao.
Nguyên Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam Lê Truyền cũng phàn nàn, cả hai đại diện doanh nhân đều mới tham gia MTTQ, chưa có nhiều hoạt động nổi bật để lại dấu ấn nên "chưa đủ cho tôi giới thiệu".
Băn khoăn ai tiêu biểu hơn ai?
"Cầm bản danh sách này, có người hỏi tôi Công ty TNHH Diplomat kinh doanh lĩnh vực gì, làm ăn ra sao, tôi nói, không biết gì, chỉ thấy Giám đốc sinh năm 1974 là rất trẻ", ông Đỗ Duy Thường, thành viên đoàn chủ tịch nêu câu hỏi quanh chuyện tiêu chuẩn chọn ĐBQH.
Ông Nguyễn Tiến Võ: "Đề nghị thêm 2 số dư đại diện trí thức và doanh nghiệp". Ảnh: Long Anh
"Tôi đi làm công tác bầu cử, dân người ta rất thích bầu cho doanh nhân, vì cho rằng họ tạo được công ăn việc làm cho con em. Nhưng nếu người đó dân không biết thì không ai bầu", ông Thường nói.
Ông Trương Công Phú đề xuất nên chọn các doanh nhân tiêu biểu đại diện cho các ngành mũi nhọn, then chốt của đất nước hoặc những ngành công nghiệp đang là xu thế phát triển của thời đại như công nghệ cao, kinh tế tri thức. Có như vậy, tiếng nói của họ trong QH mới đại diện cho xu thế mới. Còn có hàng trăm DN, tập đoàn tên tuổi lớn, MTTQ không cứ phải chọn hai doanh nghiệp nhỏ chưa ai biết đến.
Trước hàng loạt câu hỏi chủ yếu tập trung vào hai doanh nhân và 1 trí thức TP.HCM, lần lượt các thành viên lãnh đạo MTTQ đã đứng lên để cung cấp thêm thông tin. Một trong những vướng mắc là không đủ tiêu chí để xem ai tiêu biểu hơn ai.
Chẳng hạn, theo Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam Hà Văn Núi, trong giới trí thức, nhiều người tên tuổi và xuất sắc, nhưng tuổi lại quá cao, nên MTTQ tuy có đến vận động song họ đều từ chối. Còn trong giới doanh nhân, rất nhiều "cây đa, cây đề" cũng đã được mời mọc, động viên nhưng họ đều từ chối với lý do vào QH phải đi họp hành mất nhiều thời gian.
Ông Núi khẳng định, ứng viên cho giới trí thức TP.HCM ông Trương Công Toại, là một nhà khoa học hoạt động tích cực, xứng đáng vào QH.
Còn doanh nhân Trần Văn Thành hoạt động trong lĩnh vực bất động sản là một người trẻ tích cực trong hoạt động xã hội, đặc biệt tham gia ủng hộ trong các cuộc vận động vì người nghèo của MTTQ.
Chủ tịch MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm thông tin thêm, đây chỉ là các doanh nhân đại diện cho MTTQ. Còn trong cơ cấu chung, Trung ương sẽ chọn đại diện nhiều tập đoàn kinh tế lớn (như Dầu khí VN) để giới thiệu về địa phương. Nhiều "cây đa, cây đề" nỗ lực hoạt động trong MTTQ lại chưa muốn tham gia QH.
Cuối cùng, dù còn nhiều phân vân, nhưng đa số thành viên đoàn chủ tịch MTTQ đều cơ bản nhất trí tán thành thông qua danh sách dự kiến 9 ứng viên.
Danh sách: 1. Vũ Trọng Kim - Tổng Thư ký Ủy
ban TƯ MTTQ Việt Nam 2. Nguyễn Văn Pha - Phó Chủ tịch
Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam 3. Y A Đuck - Phó Chủ tịch MTTQ
Lâm Đồng 4. Linh mục Trần Mạnh Cường - Chủ
tịch Ủy ban Đoàn kết công giáo Đăk Lăk 5. Hòa thượng Thích Chơn Thiện -
Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự TƯ giáo hội Phật giáo VN 6. Nguyễn Ngọc Đào - Phó trưởng
khoa đào tạo, bồi dưỡng công chức, Học viện Hành chính thuộc Học viện Chính trị
hành chính quốc gia HCM 7. Trần Công Toại, Viện trưởng
Viện công nghệ và quản trị TP.HCM 8. Phạm Thị Mỹ Lệ, Giám đốc Công
ty Mỹ Lệ 9. Trần Văn Thành, Giám đốc Công
ty cổ phần Diplomat Nhiều thành viên MTTQ tha thiết
đề xuất phải giới thiệu có số dư, không nên "chốt" cứng danh sách 9 người. Nhưng
theo Chủ tịch MTTQ Hùynh Đảm, tăng số dư không thuộc thẩm quyền của Ban thường
trực MTTQ. Hơn nữa, thời hạn để khóa danh sách ứng viên cũng không còn nhiều.
-
Lê Nhung