- Tổng kết nhiệm kỳ hoạt động của Quốc hội khóa XII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định, thành tựu nổi bật của nhiệm kỳ là QH hoạt động ngày càng dân chủ, thực chất hơn.


Dấu ấn dân chủ

Chủ tịch QH tổng kết, dấu ấn dân chủ thể hiện ở việc những tranh luận trái chiều tại nghị trường ngày càng nhiều. Các ĐBQH ngày càng thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, trách nhiệm. Nhiều ủy ban đã lần đầu tiên tổ chức hiệu quả các buổi điều trần, giải trình giữa hai kỳ họp.

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Lê Anh Dũng
Theo ông Trọng, nhiều cuộc tranh luận đã diễn ra gay gắt, sôi nổi với nhiều lý lẽ thuyết phục. Có những vấn đề được quyết định không dễ dàng mà phải cân đi nhắc lại, nâng lên đặt xuống nhiều lần, phân tích, cọ xát ở nhiều góc độ.

Hoạt động chất vấn theo nhóm vấn đề ngày càng hiệu quả hơn. Lần đầu tiên, QH ra được nghị quyết sau chất vấn để giám sát lời hứa các thành viên Chính phủ.

Nhiệm kỳ khóa XII cũng là nhiệm kỳ để lại dấu ấn về sinh hoạt dân chủ với việc lần đầu tiên các nghị sĩ bỏ phiếu không thông qua dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam.

Trong bốn năm qua,  QH đã quyết định chủ trương đầu tư nhiều dự án lớn như điện hạt nhân, thủy điện Lai Châu, điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội, thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường. “Các vấn đề lớn đều được xem xét kỹ lưỡng, dân chủ, công khai”, ông Trọng khẳng định. 

Một trong các chức năng của QH là quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Như nhận định của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, trong nhiệm kỳ XII, QH đã luôn lắng nghe ý kiến nhiều chiều, thảo luận và tranh luận thẳng thắn để đưa ra quyết sách cuối cùng.

Nhiệm kỳ XII song hành với những biến động lớn về kinh tế như tình hình lạm phát, suy thoái… Trong những thời điểm cần đưa ra quyết sách phù hợp, QH đã phân tích, nắm bắt tình hình và kịp thời điều chỉnh nhiều mục tiêu.

Đáng chú ý là hoạt động giám sát đang được đổi mới, nhất là giám sát chuyên đề.

Theo Chủ tịch QH, hoạt động chất vấn được cải tiến mạnh mẽ theo hướng tập trung và thực chất hơn, phản ánh sát thực tâm tư, nguyện vọng của cử tri, chỉ ra trách nhiệm của Chính phủ. Nhiều vấn đề nêu trong diễn đàn QH đã có chuyển biến, như rà soát quy hoạch sân golf, điều hành thu mua xuất khẩu gạo, xây dựng công trình thủy điện vừa và nhỏ, quản lý thị trường ngoại hối và vàng...

Trong  bốn năm, QH đã thông qua 68 luật, 12 nghị quyết, quy trình lập pháp cũng đang cải tiến dần.

"Các kỳ họp đã thực sự trở thành sự kiện chính trị cuốn hút , và những phiên thảo luận về các dự án luật, tình hình kinh tế, xã hội, chất vấn và trả lời chất vấn sôi nổi, tâm huyết tại hội trường đã để lại dấu ấn tốt đẹp. Hoạt động của QH đã làm sâu sắc hơn nhận thức về xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, tạo ra hình ảnh về sự năng động, dân chủ của hệ thống chính trị XHCN".

QH còn thiếu thông tin

Tuy nhiên, Chủ tịch QH vẫn chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục.

Chẳng hạn, QH chưa dành nhiều thời gian, công sức để xem xét, quyết định chính sách tiền tệ quốc gia. Việc đề ra một số chỉ tiêu, nhiệm vụ trong kế hoạch phát triển cũng như xem xét ngân sách còn chưa quan tâm đến chất lượng phát triển.

Đây là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ khóa XII. Ảnh: Lê Anh Dũng
Khi QH quyết định các vấn đề quan trọng, nhiều trường hợp chưa được cung cấp đầy đủ thông tin đầu vào, thậm chí độ chính xác chưa cao. QH cũng vẫn thiếu cơ chế sử dụng các cơ quan chuyên môn độc lập thẩm định các vấn đề khoa học, kỹ thuật và tính chính xác của các số liệu trước khi đưa đến tay đại biểu.

Quy định pháp lât liên quan đến tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục tiến hành giới thiệu nhân sự cũng như thẩm tra, phê chuẩn số lượng ứng viên bầu vào mỗi chức vụ còn chưa cụ thể và rõ ràng.

Chất lượng hoạt động giám sát của QH vẫn thiếu cơ chế tiếp thu, giải quyết các kiến nghị sau giám sát.

Trong làm luật, còn thiếu sự tranh luận, đối thoại đến cùng giữa ĐBQH và cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra. Do đó, nhiều báo cáo đánh giá tác động luật, pháp lệnh còn sơ sài.

Trong khi đó, ĐBQH chuyên trách tăng so với nhiệm kỳ trước nhưng vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi đổi mới. Một trong các bài học được Chủ tịch QH rút ra sau nhiệm kỳ đó là chất lượng chung của QH phụ thuộc chất lượng các ủy ban cũng như từng ĐBQH.

"Muốn vậy cần điều kiện, cơ chế để nhân dân lựa chọn được những người tiêu biểu vào QH", ông Trọng nói.

Tách các ủy ban

Trọng tâm đổi mới của nhiệm kỳ khóa XIII sắp tới, theo ông Trọng, đó là mở rộng hoạt động giải trình tại các ủy ban. Mặt khác, sẽ nghiên cứu tách một số ủy ban hiện có phạm vi hoạt động rộng để đảm bảo tính chuyên sâu.

Để nâng cao chất lượng khi QH quyết định vấn đề lớn của đất nước, cần chú trọng cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác và những điều kiện để bảo đảm cho QH đưa ra quyết định đúng. Mặt khác, phải xác định rõ hơn trách nhiệm các ủy ban trong thẩm tra các công trình, dự án.

Để hỗ trợ từng ĐBQH, nhất là ĐB chuyên trách, cần củng cố cơ quan tham mưu cũng như có cơ chế để huy động chuyên gia đóng góp trí tuệ cho QH.

Trong phương thức hoạt động, cần có quy chế xác định rõ những nội dung cần xin ý kiến chỉ đạo (tổ chức, nhân sự, nhiệm vụ quốc phòng an ninh), những vấn đề Đảng lãnh đạo bằng định hướng (kinh tế xã hội, ngân sách, dự án, công trình). Như vậy mới phát huy được tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của QH.

"Đổi mới cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của QH cần được tiến hành chặt chẽ, đồng bộ từ việc thử nghiệm mô hình và cách thức, phương pháp cho đến thể chế pháp luật. Đổi mới phải có định hướng, bước đi rõ ràng", Chủ tịch QH kết luận.

Dự kiến, các ĐBQH sẽ dành trọn buổi sáng 24/3 để thảo luận tổ về các nội dung trên.

Trong chiều nay, QH sẽ nghe Thủ tướng, Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án, Viện trưởng Viện kiểm sát tổng kết nhiệm kỳ.

  • Lê Nhung