Đại biểu kiêm nhiệm khóa XI, chuyên trách khóa XII Trần Thị Quốc Khánh, người ghi dấu ấn qua những lần chất vấn thẳng thắn ở hội trường cho hay nếu được tái cử, bà sẽ kiến nghị những nội dung để đổi mới tổ chức, hoạt động của các cơ quan QH.


“Trong nhiệm kỳ làm chuyên trách vừa rồi, tôi đã thấy rõ bất cập do cơ chế chưa hoàn chỉnh, làm hoạt động QH còn khó khăn”, bà Khánh nói.

Ảnh: Lê Anh Dũng

Họp chỗ này, lo chỗ kia

So sánh hai nhiệm kỳ QH, khóa trước bà là ĐB kiêm nhiệm, khóa này là ĐB chuyên trách, có khác nhau nhiều không?

Bản thân tôi thấy khác nhiều lắm. Khóa XI làm ĐB kiêm nhiệm, vừa làm nhiệm vụ ĐBQH vừa lo việc chuyên môn (ở Sở Tư pháp Hà Nội), tôi thấy nhiều khi khá căng, luôn phải gồng mình cố gắng. Không thể lơ là việc chuyên môn, cũng không thể lơ là việc của ĐBQH. Các cơ quan của QH mời tham dự hội nghị, hội thảo hay khi họp với Ủy ban mà mình là thành viên, phải tham gia, nhưng đi thì cũng áy náy vì công việc cơ quan phải nhờ lại anh em. Vậy là cứ họp chỗ này lại lo chỗ kia. Nhất là lãnh đạo chủ chốt của ngành thì càng bận, lúc phải chủ trì họp, lúc phải đi cơ sở, lúc phải họp với cấp trên. Một ngày họp vài ba, thậm chí 4- 5 chỗ thì không thể toàn tâm toàn ý được.

Sang nhiệm kỳ này, được làm ĐB chuyên trách, tôi thấy rất yên tâm vì không bị phân tán đầu óc, có thể toàn tâm toàn ý, có điều kiện đi sâu nghiên cứu đề xuất với QH hay giúp cho cử tri.

Vậy trong nhiệm kỳ vừa rồi, kiến nghị đề xuất nào được tiếp thu khiến bà vui nhất?

Đó là chuyện nước ngọt cho quần đảo Trường Sa. Năm qua, có dịp đi công tác ra đó, tận mắt chứng kiến cán bộ, chiến sỹ còn khó khăn vì khan hiếm nước ngọt, khi về, tôi báo cáo và kiến nghị bằng văn bản với Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ, môi trường của QH. Tôi cũng chủ động gặp gỡ một số đồng chí có trách nhiệm, kể cả gửi chất vấn bằng văn bản đề xuất kiến nghị cụ thể, dù không phát biểu tại nghị trường.

Chắc có nhiều người cùng đề xuất việc này. Sau đó không lâu, chúng tôi biết Chính phủ đã phối hợp với một số đối tác triển khai công nghệ lọc nước biển thành nước ngọt phục vụ cho các đảo, kể cả Trường Sa. Nhiều thành viên đoàn công tác biết tin rất mừng vì bước đầu thực hiện được lời hứa “Phải tạo sự đột phá sau chuyến công tác này”.

Gọi điện cho người có trách nhiệm

Như vậy, một đại biểu có nhiều hoạt động bên ngoài nghị trường, chứ không phải chỉ những chất vấn, kiến nghị trực tiếp tại các kỳ họp?

Thật sự với tôi, chất vấn trực tiếp tại nghị trường trong rất ít, chưa đến 10% các hoạt động. Bởi mỗi phiên chất vấn đều có rất nhiều ĐB đăng ký phát biểu, nên nhiều lần tôi đăng ký mà không đến lượt.

Việc tôi thường xuyên làm là gửi các chất vấn, kiến nghị bằng văn bản, hay gặp trực tiếp lãnh đạo để trao đổi, nêu ý kiến. Có thể nói Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, nhiều bộ trưởng, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát... rất vui vẻ tiếp nhận những đề xuất, kiến nghị của tôi. Tôi theo dõi thấy sau đó hầu hết có chuyển biến tốt, nhiều cử tri rất hoan nghênh.

Như việc cử tri kêu ca giá sữa, thuốc chữa bệnh tăng quá cao. Tôi nghiên cứu thấy ngoài yếu tố giá cả tăng do khách quan, còn là do chủ quan, buông lỏng quản lý, đùn đẩy trách nhiệm của một số bộ, ngành.

Đây là điều rất khó chấp nhận. Tôi gửi chất vấn đến Thủ tướng với những từ ngữ không chỉ của cử tri mà còn thể hiện nỗi niềm trăn trở trước thực trạng nạn nhân của giá sữa, thuốc chữa bệnh tăng quá cao lại chính là người già, trẻ em, bệnh nhân; thực trạng yếu kém trong quản lý Nhà nước, chưa làm hết trách nhiệm của các ngành về vấn đề này. Cùng với ý kiến của các ĐB khác, sau đó, tôi biết Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt trong phiên họp Chính phủ, yêu cầu các bộ, ngành quản lý giá sữa, thuốc chữa bệnh gắt gao hơn.

Hay như Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội. Không được phát biểu trên nghị trường, tôi đã gửi kiến nghị đến Thủ tướng, Bộ trưởng Xây dựng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Bộ Xây dựng có văn bản trả lời tôi nhưng tôi chưa thấy thỏa đáng ở nhiều nội dung. Khi Hà Nội và Bộ Xây dựng có ý kiến khác nhau, hỏi ra mới biết, ý kiến của Hà Nội về cơ bản là ý kiến chung của cử tri. Với trách nhiệm là ĐBQH TP Hà Nội, tôi chủ động trao đổi với một số cơ quan, kể cả Văn phòng Chính phủ phản ánh ý kiến cử tri không hiểu sao Bộ Xây dựng không nghe ý kiến địa phương mà cứ trên trời áp đặt. Cũng mừng là sau đó Bộ Xây dựng và Hà Nội đã có sự thống nhất.

Tôi cũng mừng vì thực tế đã giúp được không ít cử tri. Những việc chưa được thì vẫn phải kiên trì theo đuổi, kể cả phải gọi điện đến đồng chí có trách nhiệm để giải quyết việc cho dân.

Đổi mới Quốc hội

Nếu nhiệm kỳ tới, được tái cử lần thứ 3, bà sẽ hứa với cử tri những điều gì?

Trong nhiệm kỳ làm chuyên trách vừa rồi, tôi đã thấy rõ bất cập do cơ chế chưa hoàn chỉnh, làm hoạt động QH còn khó khăn.

Vì thế, nếu được tái cử, tôi sẽ tập trung nghiên cứu sâu, kiến nghị QH những nội dung để đổi mới tổ chức, hoạt động các cơ quan QH, các vị ĐBQH; đảm bảo QH thật sự hoạt động đúng với quy định của Hiến pháp. Hiện nay tôi đang cùng với một số nhà khoa học của Viện Nghiên cứu lập pháp tìm hiểu những khó khăn vướng mắc trong hoạt động của Hội đồng dân tộc và các ủy ban của QH. Kết quả nghiên cứu này sẽ được tổng hợp, kiến nghị xác đáng để QH ngày càng đổi mới, đáp ứng với nguyện vọng của nhân dân.

Vấn đề thứ hai là phải tìm hiểu, xem xét lại việc phân bổ nguồn lực quốc gia. Khi làm ĐB chuyên trách mới có điều kiện tiếp cận để thấy hiện nay việc sử dụng ngân sách nhà nước, bố trí nguồn lực quốc gia còn dàn trải, nhiều nơi chưa hiệu quả, còn mâu thuẫn chồng chéo nhau. Vừa rồi một số tổ chức quốc tế cho biết sẽ cắt giảm viện trợ cho VN những năm tới. Không còn nguồn lực bên ngoài, chỉ còn nội lực thì ta phải sử dụng sao cho hiệu quả hơn, tránh dàn trải, lãng phí. Nếu tái cử, tôi sẽ có điều kiện nghiên cứu, đề xuất QH và Chính phủ sớm sắp xếp lại một số chương trình mục tiêu quốc.

Đặc biệt, liên quan đến hoạt động tiếp dân, giải quyết kiến nghị của cử tri, nhiệm kỳ tới sẽ có luật Khiếu nại, Luật Tố cáo riêng, rồi luật Tố tụng hành chính, Luật thanh tra... là cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Với trách nhiệm ĐBQH có kiến thức chuyên ngành luật, tôi sẽ hướng dẫn người dân sử dụng pháp luật làm công cụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp; đề nghị cơ quan nhà nước phải tăng trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân, không để tình trạng chuyển đơn thư lòng vòng như hiện nay nữa.

Tổng bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, số lượng chủ tịch UBND tỉnh trong QH mấy khóa gần đây đã giảm đáng kể, cũng như số ĐB chuyên trách sẽ tăng từ 29% lên 33% trong khóa XIII tới?

Điều này thực sự là nguyện vọng của cử tri, vì cử tri nhiều lần phàn nàn nhìn lên hội trường QH họp thấy buồn vì nhiều hàng ghế trống. Họ băn khoăn những người vắng mặt có phản ánh những điều cử tri gửi gắm không. Vì thế, tăng tỷ lệ ĐB chuyên trách hay giảm số lượng lãnh đạo các cơ quan hành pháp là nhằm tạo điều kiện cho ĐB làm tốt hơn vai trò của mình và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH.

Khánh Linh