- ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) nhấn mạnh, những bức xúc trong xã hội hiện nay có nguyên nhân thuộc về trách nhiệm các bộ trưởng, những người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương...

Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng nay, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) đã dành trọn bài phát biểu để nói về công tác cán bộ. Trong đó ông đặc biệt nhấn mạnh đến câu chuyện trách nhiệm người đứng đầu.

XEM CLIP:

Mở đầu bài phát biểu, ĐB Lê Nam trích dẫn lời Bác Hồ dạy: “Cán bộ là cái gốc, là chìa khoá của mọi công việc”. Theo ông, cán bộ trước hết là các cá nhân những người lãnh đạo cao cấp, đặc biệt là người đứng đầu các bộ, ngành trung ương.

ĐB Thanh Hóa nhắc lại thời điểm đầu nhiệm kỳ, QH đã kỳ vọng vào một thế hệ bộ trưởng mới, cho dù cơ chế hiện nay không thuận lợi cho sự thể hiện cá nhân.

Ông đánh giá cao những kết quả của các thành viên Chính phủ qua tư duy đổi mới ở Bộ KH&ĐT, cải cánh hành chính ở ngành thuế, chỉ đạo phá các vụ án đặc biệt nghiêm trọng ở Bộ Công an...

ĐB Lê Nam cũng ghi nhận nhiều lĩnh vực tạo dấu ấn mạnh, được đông đảo cử tri quan tâm và khen ngợi như ngành ngoại giao trong sự nghiệp đổi mới và bảo vệ Tổ quốc; ngành ngân hàng bảo đảm kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tái cơ cấu ngân hàng thương mại; ngành GTVT vượt qua các trở lực, tạo nên bước phát triển ngoạn mục hạ tầng giao thông…

Bổ sung bài học về bản lĩnh bộ trưởng

Tuy nhìn nhận đó là những kết quả không thể phủ nhận nhưng ĐB Lê Nam cũng nêu lên tình trạng xã hội còn nhiều bức xúc, yếu kém. “Có nhận xét rằng: 'Việt Nam là đất nước không chịu phát triển'. Nếu chúng ta dám tự chỉ trích thì thấy nhận xét ấy cũng có lý”, ông nói.

ĐB tỉnh Thanh Hóa liệt kê các tồn tại như sản xuất tụt hậu, đời sống người nông dân còn khó khăn, chống tham nhũng cả chục năm vẫn chưa có nhiều chuyển biến...

“Những bức xúc trên có nguyên nhân khách quan, song cũng có những nguyên nhân rất lớn thuộc về trách nhiệm các bộ trưởng, những người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và cả trách nhiệm người đứng đầu Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ này”, ông nhấn mạnh.

"Nhiệm kỳ này chúng ta đã chứng kiến nước mắt của đồng chí Tổng bí thư rơi vào lịch sử” - ĐB Lê Nam nói.

Theo ông, báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ những vấn đề này, chưa gắn với trách nhiệm người đứng đầu.

Từ đó, ông đề nghị bổ sung bài học về trách nhiệm, bản lĩnh bộ trưởng, các thành viên Chính phủ và người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương.

Bức xúc với thái độ vô cảm

Ngoài ra, ĐB Thanh Hóa còn nêu lên tình trạng bộ máy, người ăn lương nhà nước quá lớn, vượt khả năng chịu đựng của ngân sách nhà nước.

“TƯ và Chính phủ đang chỉ đạo tinh giản biên chế, bảo đảm đời sống người lao động nhưng với chủ trương, giải pháp đang làm, tôi tin là không thể giảm được vì không biết giảm ai”, ông nói.

ĐB Lê Nam bày tỏ hoan nghênh Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã trực tiếp đến cơ sở giải quyết các vụ việc bức xúc về biên chế, tiền lương... Nhưng ông cho rằng để giải quyết vấn đề căn cơ, Bộ Nội vụ cần sớm nghiên cứu, tiếp cận những sáng tạo, trăn trở từ các địa phương, các ngành như đề án nhất thể hóa ở Quảng Ninh và một số nơi khác.

{keywords}
ĐB Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa)

Cùng mối quan tâm, ĐB Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) cũng cho rằng tổ chức bộ máy đang là một trong ba tồn tại tạo ra lực cản lớn nhất cho sự phát triển của đất nước.

Theo ông, những hạn chế về cơ cấu tổ chức bộ máy như: cồng kềnh, chức năng nhiệm vụ chồng chéo… là những hạn chế trong nhiều năm nhưng vẫn chưa khắc phục được.

Vì vậy, ông cho rằng: “Vấn đề thể chế, tổ chức bộ máy phải đặt lên hàng đầu”.

Dẫn lại con số kiến nghị của cử tri gửi đến QH ngày càng nhiều cùng với tình hình khiếu nại, tố cáo ngày càng phức tạp, ĐB Tuân cho rằng có phần nguyên nhân sâu xa từ thái độ vô cảm của một bộ phận cán bộ, công chức.

Từ đó, ông đề nghị Chính phủ, các bộ ngành, địa phương chú trọng việc đào tạo, bố trí, luân chuyển cán bộ công chức ở những ngành nhạy cảm, nguy cơ tham nhũng cao, có quan hệ trực tiếp với dân.

Thu Hằng - Minh Thăng - Huy Phúc - Hữu Duyên