- Sau chuyến thăm được chờ đợi bấy lâu, người Mỹ đã biết được rằng, vị lãnh đạo tương lai của Trung Quốc thích thú bóng rổ và bầu không khí trong lành tại Midwestern nhưng vẫn còn mơ hồ về chuyện ông sẽ giải quyết các căng thẳng đang gia tăng như thế nào.


Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người được cho là sẽ dẫn dắt đất nước đang tăng trưởng nhanh nhất châu Á cho tới tận năm 2023, đã thực hiện chuyến công du đến Mỹ trong một tuần lễ với sự chào đón nồng ấm ở Washington, Iowa và Los Angeles.

Vị lãnh đạo 58 tuổi đã thể hiện một phong cách khác hẳn so với người mà ông sẽ kế nhiệm - Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Ông Tập xuất hiện trong sự thoải mái với người Mỹ khi ông có cuộc gặp đoàn tụ với những người ông từng biết trong một chuyến thăm năm 1985 tại Iowa. Ông cũng không tiếc lời ca ngợi bầu không khí trong lành của Midwestern khi ông thích thú trèo lên chiếc máy kéo.

Ảnh: urbanchristiannew

Ông nhắc tới những bộ phim như “Bố già” hay “Nhiệm vụ bất khả thi” và kết thúc chuyến công du ngày thứ sáu khi tham dự một trận đấu bóng rổ tại Los Angeles. Đoàn đại biểu tháp tùng ông đã cam kết mua hàng tỉ đô la đậu nành và mở cửa hơn nữa cho các bộ phim Hollywood.

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, người được ông Tập tiếp đón trong chuyến thăm Trung Quốc năm ngoái, nói hai bên đã dành khoảng 20h đồng hồ để tìm hiểu lẫn nhau và trao đổi mọi thứ, từ “Nho giáo tới Công giáo”. Biden cho hay: "Tôi tin tưởng mạnh mẽ và nghĩ rằng, phó Chủ tịch Tập đã làm tốt, nói một cách chân thực, là duy trì đối thoại liên tục mà chúng tôi đã có trong tuần này để có thể và sẽ xây dựng một quan hệ mạnh mẽ hơn có lợi cho quốc gia và nhân dân hai nước”.

Nhưng theo các chuyên gia, có quá ít dấu hiệu về những gì sẽ thay đổi khi ông Tập gánh trọng trách nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc. Ông Tập được cho là sẽ bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên (trong hai nhiệm kỳ) vào năm tới. Trước những quan ngại từ Washington, ông Tập nói, Trung Quốc đang xem xét những phàn nàn của Mỹ về thực tiễn thương mại bất công bằng và hứa hẹn đối thoại “xây dựng” về hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc.

"Các nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu của chúng ta có mối quan tâm tới bất kỳ nhân vật mới nào vì họ thực sự có khoảng thời gian khó khăn với các nhân vật cũ”, Dan Blumenthal, nhà nghiên cứu tại Viện Doanh nghiệp Mỹ nói. "Chúng ta đặt ra nhiều mong muốn của mình vào một người đàn ông chúng ta không biết gì nhiều. Thực tế là ông ấy có thể đỡ cứng rắn hơn hoặc chỉ là trò đùa hay cả hai, hay đó là người chúng ta có thể làm việc được”, ông nói.
Những dấu chấm hỏi

Đây không phải là lần đầu tiên các nhà hoạch định chính sách Mỹ bối rối về hệ thống chính trị của Trung Quốc, khó trông vào một mẫu hình cá nhân để đoán biết ra manh mối nào đó. Cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã trở nên nổi tiếng khi mang chiếc mũ cao bồi lúc tham dự một cuộc đua tài của những người chăn bò trong chuyến công du Mỹ năm 1979. Và trong mắt một số chuyên gia, đó là “điềm báo” cho chiến dịch cải cách kinh tế của ông.

Còn nhớ một số chuyên gia Mỹ đã từng hy vọng về mối quan hệ êm dịu hơn với Trung Quốc khi ông Hồ Cẩm Đào trở thành Chủ tịch năm 2003. Nhưng quan hệ giữa hai cường quốc Thái Bình Dương vẫn khó khăn trong suốt cả thập niên sau, và Trung Quốc đã trở thành một vấn đề trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ.

Mitt Romney, một ứng viên Cộng hoà, đã chỉ trích việc Obama chào đón ông Tập Cận Bình. Ông này thậm chí thề sẽ đưa ra những chính sách cứng rắn của Mỹ về các vấn đề tỉ giá và nhân quyền với Trung Quốc.

Tổng thống Obama đã có những động thái để tái khẳng định sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á - nơi Trung Quốc ngày càng có nhiều tranh cãi với các nước láng giềng. Trong cuộc trao đổi với ông Tập, ông Obama khẳng định, sự gia tăng của Bắc Kinh cần phải “chơi đúng luật” quốc tế. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ cũng tuyên bố hoan nghênh sự trỗi dậy của Trung Quốc và mong muốn hợp tác với hy vọng xoa dịu đi quan ngại tại Bắc Kinh rằng Mỹ đang cố gắng kiềm chế sự gia tăng của cường quốc châu Á.

Ông Tập Cận Bình được cho là sẽ dẫn dắt Trung Quốc đi qua một thập niên - thời gian mà nhiều chuyên gia tin là nước này sẽ vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới và nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng. Ralph Cossa, chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Hawaii nói, mối quan hệ cá nhân ấm dần giữa ông Tập và các nhà lãnh đạo Mỹ có thể chỉ là một điểm tích cực. "Nó cũng có thể giúp cho hình ảnh của Trung Quốc tại Mỹ và sau đó tạo điều kiện dễ dàng hơn cho một vị tổng thống có thái độ thân mật hơn mà không bị cáo buộc phải uốn mình trước Trung Quốc”, Cossa nói.

Nhưng Trung Quốc, khi so sánh với Mỹ, có một hệ thống chính trị khác biệt. Theo nhiều chuyên gia phân tích, khó có thể biết được mức độ quyền lực mà ông Tập có trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc. “Ông Tập sẽ không có một quyền lực tuyệt đối”, Cossa nhấn mạnh. "Có thể phải tới nhiệm kỳ hai, chúng ta mới thấy ông ấy thực sự nổi lên”.

Thái An(theo abs-cbnnews)