- Ủy viên TƯ khóa XI phải là người có tư tưởng đổi mới, có khát vọng và bản lĩnh dấn thân cho sự nghiệp chung. Kiên quyết không chọn những người tham nhũng hay bảo thủ, trì trệ, nói nhiều làm ít hoặc nói hay làm dở. Đó là tâm nguyện của nhiều đại biểu tham dự Đại hội Đảng khóa XI.

Hôm nay (15/1), Đại hội bắt đầu phần thảo luận về nhân sự Ban chấp hành Trung ương khóa mới gồm 175 ủy viên chính thức và 25 ủy viên dự khuyết. Các đại biểu sẽ trao đổi, biểu quyết về số lượng, cơ cấu, danh sách giới thiệu ứng cử viên Ban chấp hành Trung ương. Đại biểu có thể ứng cử, đề cử hoặc xin rút khỏi danh sách này.

Hai ngày đầu tuần tới, Đại hội sẽ bầu Ban chấp hành Trung ương khóa mới và lấy ý kiến giới thiệu nhân sự Tổng bí thư trong số các ủy viên Trung ương chính thức khóa XI mới được bầu.

Trước phiên thảo luận nhân sự được chờ đợi này, VietNamNet ghi nhanh ý kiến các đại biểu và nhà lãnh đạo lão thành.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận:
Nếu chín muồi, nên bầu trực tiếp Tổng bí thư

Có rất nhiều vấn đề liên quan công tác cán bộ, bản thân đoàn đại biểu Ninh Thuận cũng như cá nhân tôi suy nghĩ rất nhiều.

Hiện nay, những con người dám hi sinh bản thân mình cho đất nước giống như hồi chiến tranh còn ít quá.

Chúng tôi rất mong muốn có những người mang khát vọng vươn lên tầm cao mới, khát vọng được đổi mới, vì lợi ích chung.

Vì vậy, chúng tôi mong muốn các đồng chí ủy viên Trung ương khóa tới ngoài yếu tố “có tâm, có tầm”, thì cần có trái tim sáng, trái tim lửa, ý chí mãnh liệt vì mục tiêu chung.

Khi không có khát vọng, ước mơ thì con người không có ý nghĩa. Nhưng có rồi mà không hiện thực hóa được, không có khát khao cháy bỏng, biến nó thành hiện thực thì cũng không có ý nghĩa.

Tôi hy vọng sẽ bầu ra được những con người mạnh dạn đổi mới, sẵn sàng hy sinh, cống hiến trí tuệ, sức lực cho cái chung, cho đất nước, cho dân tộc.

Ở địa phương chúng tôi, qua theo dõi, đánh giá hoạt động thực tiễn, đã mạnh dạn tìm những đồng chí trẻ, được đào tạo bài bản, có khát vọng, dám hi sinh, cống hiến để giao trọng trách lớn.

Còn những đồng chí bảo thủ trì trệ hoặc nói hay, nói nhiều nhưng làm ít, làm dở, chúng tôi đề nghị đứng ra một bên để những đồng chí khác có cơ hội.

Vấn đề cán bộ không phải câu chuyện ngày một ngày hai nhưng tốt nhất là nên bắt đầu còn hơn là chưa làm.

Việc bầu trực tiếp Tổng bí thư thì tùy Đại hội, còn theo tôi, khi thấy chín muồi rồi thì cũng nên làm vì đó là dân chủ cao nhất.

Sáng qua, thảo luận tại hội trường, ông Vũ Tiến Chiến đề nghị nên bầu ủy viên TƯ khóa mới phải là những người không tham nhũng và kiên quyết chống tham nhũng. Tôi quá ủng hộ và đồng tình.

Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo TƯ Phòng chống tham nhũng Vũ Tiến Chiến:
Coi trọng tiêu chuẩn không tham nhũng

Tôi đề nghị Đại hội trong lựa chọn các ủy viên Trung ương kỳ này ngoài tiêu chuẩn chung cần coi trọng tiêu chuẩn: không tham nhũng, lãng phí và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Cần nhìn thẳng vào sự thật những biểu hiện “giàu nhanh”, “lên chức nhanh".

Nếu giàu nhanh do làm giàu chính đáng, lên chức nhanh do tài năng là rất đáng trân trọng học tập; nhưng những biểu hiện giàu nhanh là do tiêu cực, tham nhũng, lên chức nhanh là do dùng tiền để “chạy chức”, “chạy quyền” thì phải làm rõ, lên án và nghiêm trị.

Ngoài ra, không thể nói là kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí khi ngay trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương của mình không triển khai nghiêm túc các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và không kiên quyết phát hiện và xử lý các vụ việc vụ án tham nhũng.

Ông Huỳnh Văn Tới, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai:
Bầu ra bộ máy tài, đức, trẻ


Nguyện vọng của chúng tôi là bầu ra bộ máy đủ tài, đủ đức, có sức khỏe, sức trẻ, có sức chiến đấu để định hướng dân tộc theo mục tiêu độc lập dân tộc, ấm no, tự do, hạnh phúc.

Về quy trình bầu cử, theo tôi, bầu trực tiếp hay không trực tiếp không phải là điều quan trọng nhất. Quan trọng là người được bầu có đủ uy tín, tín nhiệm, đủ đức, tài hay không.

Nếu số đông đại biểu yêu cầu bầu trực tiếp thì tôi cũng tán thành, nhưng phải thông qua Ban chấp hành theo truyền thống.

Tôi chưa có nhiều kinh nghiệm để bầu Tổng bí thư, nhưng kinh nghiệm ở cơ sở thì thấy, khi nào đã chuẩn bị sẵn, đầy đủ, có nhiều người tiêu chuẩn ngang nhau thì bầu cử theo số dư sẽ thành công. Còn khi chuẩn bị chưa đầy đủ, dựa vào yếu tố may rủi thì chưa an tâm.

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An:
Các vị trí chủ chốt cần có số dư hợp lý


Cách lựa chọn lâu nay của chúng ta vẫn còn làm theo cách cũ, thường không có tranh cử, không có cạnh tranh công khai minh bạch, mỗi chức danh thường chỉ giới thiệu duy nhất một người, người khác có được giới thiệu cũng xin rút vì nhiều lý do, cho nên chưa có điều kiện lựa chọn thật sự trong Bộ Chính trị, Ban chấp hành TƯ, trong Đại hội và trong Quốc hội.

Nếu lần này, mỗi chức danh chủ chốt trong danh sách bầu có số dư hợp lý để có điều kiện lựa chọn khi bầu, thì Ban chấp hành TƯ và Đại hội XI sẽ đánh dấu một mốc đổi mới về cách làm nhân sự.

Đây sẽ là một sự đổi mới quan trọng, một bước tiến bộ đáng mừng trong công tác xây dựng Đảng, từ đổi mới trong Đảng sẽ dẫn tới đổi mới trong Nhà nước và ngoài xã hội.

Về tiêu chí lựa chọn, có lần tôi đã trả lời phỏng vấn là chỉ giao trọng trách cho người có tư tưởng đổi mới vì lúc đó tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến tiêu chí đổi mới tư duy, còn bây giờ phải nói cả hai tiêu chí kép thì mới đầy đủ, mới toàn diện.

Đó là Đổi mới và Hành động, Cầm quân và phát triển. Cần chọn người theo hai tiêu chí kép này, tất nhiên là tương đối, chọn cột cờ trong bó đũa.

Chỉ có người đổi mới tư duy, dám nói và dám làm thì mới biến nghị quyết thành hiện thực, mới thúc đẩy xã hội phát triển, ưu điểm cũng như khuyết điểm của người đó chúng ta thường dễ thấy.

Khi lựa chọn, không ít trường hợp những người này bị phê phán gay gắt và được số phiếu tín nhiệm thấp.

Ngược lại, có người không nói gì, cũng không làm gì, lúc nào cũng tỏ ra hăng hái, quan tâm tới mọi chốn, mọi nơi, có vẻ chịu khó lắng nghe, song không bày tỏ quan điểm riêng của mình, cũng không dám chịu trách nhiệm giải quyết một việc gì mắc mớ cả. Có người, lúc nào cũng nói tròn vo như sách vở, làm theo sách vở, gọt chân theo giầy. Ưu điểm và khuyết điểm của những người này chúng ta thường khó thấy. Khi lựa chọn, không ít trường hợp những người này lại được phiếu cao vì không có khuyết điểm gì.

Đổi mới và hành động, nói và làm, làm là khâu quyết định. Đó là hai tiêu chí để xem xét khi lựa chọn nhân sự cho sự phát triển của xã hội, để không bị tụt hậu, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới ngày nay.

Người cầm quân là người phải chăm lo công tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Còn tiêu chí “phát triển” là lo việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, là lo việc ăn, ở, học hành, chữa bệnh, đi lại, vui chơi giải trí, tức là lo việc yên dân về mặt đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Ai cũng có ưu có khuyết, nhân vô thập toàn, vấn đề là lựa chọn được người tương đối hơn, khả dĩ hơn so với tiêu chuẩn, tiêu chí đã nêu.

Cuộc sống luôn cần sự lựa chọn sáng suốt, đúng đắn. Lựa chọn đúng là phát triển mạnh và bền vững, lựa chọn sai là tụt hậu và lủng củng. Sự lựa chọn đồng nghĩa với trách nhiệm.

Hạ Anh - Thu Hà