Thực hiện chuyến công du đầu tiên ở cương vị lãnh đạo Myanmar, Tổng thống Thein Sein hôm nay bắt đầu chuyến thăm Nhật Bản với mong muốn tìm kiếm một thỏa thuận xóa nợ, mở đường cho chủ nợ lớn nhất của quốc gia Đông Nam Á khôi phục việc tài trợ cho các dự án đường sá, cầu cảng.

Tổng thống Myanmar Thein Sei. Ảnh: Bloomberg

Ông Thein Sein và Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda sẽ thảo luận về một "giải pháp toàn diện" để giải quyết khoản nợ của Myanmar khi họ gặp nhau tại Tokyo, Masaru Sato, trợ lý thư ký báo chí Bộ Ngoại giao Nhật cho biết. Theo dữ liệu của bộ này, Nhật Bản đã cam kết các khoản vay trị giá 403 tỉ yên (4,9 tỉ USD) cho Myanmar vay từ năm 1967 - 1987.

Quốc gia 64 triệu dân nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc mong muốn được chia sẻ nguồn vốn đầu tư mà các nhà xuất khẩu Nhật Bản đã đổ vào nước láng giềng Thái Lan. Ông Thein Sein đã tiến hành công cuộc cải tổ hướng tới dân chủ trong suốt năm qua nhằm tăng cường quan hệ với các nước phát triển, vốn bị hạn chế trong trao đổi thương mại với Myanmar ở suốt năm thập niên cầm quyền của chế độ quân sự.

“Đó là bước đi đầu tiên" để củng cố quan hệ kinh doanh, Yoshito Asano, giám đốc Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản ở Bangkok nhận định. “Rất nhiều công ty quan tâm tới Myanmar nhưng tới nay, vẫn không có kế hoạch cụ thể để thiết lập các nhà máy sản xuất".

Nhật Bản sẽ có ý định hỗ trợ tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng ở Myanmar nếu vấn đề nợ nần được giải quyết, Kimihiro Ishikane, phó phụ trách vấn đề châu Á tại Bộ Ngoại giao Nhật nói trước đó. Trợ lý Sato từ chối bình luận thông tin đăng trên báo Asahi rằng, Nhật sẽ xóa nợ trị giá 3,7 tỉ USD cho các khoản vay bằng đồng yên.

Ông Thein Sein dự kiến hội đàm với ông Noda sau hội nghị cấp cao Mekong - Nhật Bản có sự tham gia của các lãnh đạo đến từ Campuchia, Việt Nam, Thái Lan và Lào. Ngày 22/4, ông Thein Sein sẽ đi thăm một số công ty và nhà máy điện của Nhật.

Theo kết quả thăm dò của Jetro năm ngoái, Yangon - thành phố lớn nhất của Myanmar - có mức lương thấp nhất trong 31 thành phố ở châu Á. Công nhân làm việc ở cố đô này chỉ kiếm được trung bình chưa đầy 2 USD/ngày, so với 4 USD tại Campuchia, 5 USD ở Việt Nam và 14 USD ở Thái Lan. 

Nhật Bản đã đầu tư 10 triệu USD vào Myanmar kể từ 2008, so với hơn 13 tỉ USD chi phí của Trung Quốc (con số của Tổ chức Thống kê trung ương ở Naypyidaw). Trung Quốc, Hong Kong, Thái Lan và Hàn Quốc chiếm đa số trong tổng mức 26 tỉ USD đầu tư nước ngoài ở Myanmar thời gian này.

Thái An (theo Bloomberg)