- Theo Nghị quyết được Quốc hội thông qua chiều nay (21/6), UB Thường vụ sẽ xây dựng Quy chế quy định cụ thể đối tượng, quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm và việc xử lý kết quả trình QH xem xét, quyết định tại kỳ họp cuối năm nay.

Báo cáo của UB Thường vụ QH nhấn mạnh: Hiến pháp, luật Tổ chức Quốc hội, luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và một số văn bản khác đã quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn nhưng từ khi có quy định này đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Ảnh: Minh Thăng

Vì vậy, nghị quyết này đề ra yêu cầu xây dựng quy trình thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn để tổ chức thực hiện được quy định hiện hành về vấn đề này và để kịp thời triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương.

Theo đó, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng Quy chế trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2012). Nghị quyết đã được QH thông qua với tỉ lệ tán thành là 481/484, đạt tỉ lệ hơn 96%.

Đây là nội dung nhận được nhiều ý kiến đóng góp nhất trong tổng thể Đề án cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH.

Thảo luận tại hội trường sáng 4/6, Phó chủ nhiệm UB Tư pháp QH Lê Thị Nga đề xuất hai hình thức bỏ phiếu tín nhiệm: định kỳ và bất thường, đồng thời phải có tiêu chí rõ ràng để tránh bỏ phiếu hình thức, cảm tính.

"Căn cứ tiêu chí rõ ràng thì mới đảm bảo vừa tránh được xu hướng bỏ phiếu hình thức, bỏ phiếu cảm tính, vừa tránh được việc làm cho người đứng đầu không dám triển khai các biện pháp quản lý ngành, lĩnh vực một cách quyết liệt, nhất là những giải pháp đụng đến lợi ích của các nhóm dân cư", bà Nga nói.

Trước đó, thảo luận tổ, các ĐB cũng nhấn mạnh nên bỏ phiếu tín nhiệm đối với những chức danh có "vấn đề", khiến dư luận xã hội trào sôi, khi cử tri, các cơ quan công luận, báo chí lên tiếng…

Trao đổi bên lề với báo chí, nhiều ĐB ủng hộ việc sớm đưa vào thực hiện quy định này, đồng thời lưu ý bỏ phiếu tín nhiệm cần tránh hình thức và thực sự minh bạch.

Chung Hoàng

Thiếu tiêu chí, bỏ phiếu tín nhiệm chỉ là hình thức
Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga đề xuất hai hình thức bỏ phiếu tín nhiệm: định kỳ và bất thường, đồng thời phải có tiêu chí rõ ràng để tránh bỏ phiếu hình thức, cảm tính.
 
Bỏ phiếu tín nhiệm khi dư luận ‘trào sôi’
Trọng tâm buổi thảo luận tổ về đề án đổi mới hoạt động QH chiều nay (28/5) là đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn.
 
Bỏ phiếu tín nhiệm: Làm theo phong trào thì vô ích
Phó chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền nói, muốn thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm một cách thực chất thì phải chuẩn bị chu đáo.
 
Bỏ phiếu tín nhiệm: Cần được 'bật đèn xanh'
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, Đảng đổi mới phương thức lãnh đạo đối với Quốc hội, “bật đèn xanh” sẽ đảm bảo cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm đi vào thực tiễn một cách thực chất.
 
Bỏ phiếu tín nhiệm phải minh bạch
Theo đại biểu QH kỳ cựu Dương Trung Quốc, việc lấy ý kiến tín nhiệm hàng năm với một số chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn phải càng công khai càng tốt.