- Nhiều vấn đề “nóng” liên quan tới phương án phân bổ kênh tần số, cấp phép cho doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng, cũng như hỗ trợ của Nhà nước đối với việc triển khai số hóa truyền hình ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ đã được nêu ra tại buổi Hội thảo diễn ra sáng 10/5, tại Hà Nội.

Một vùng hay hai vùng?

Một trong những vấn đề khiến nhiều đại biểu tham dự hội thảo quan tâm là nên hình thành một vùng dịch vụ với một doanh nghiệp cung cấp hay hình thành 2 vùng dịch vụ với 2 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng khác nhau.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: L.V.

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo của Cục Tần số Vô tuyến điện (TSVTĐ) cho biết, theo quy hoạch sử dụng kênh tần số cho truyền hình mặt đất thì phân bổ kênh tần số cho khu vực Đồng bằng Bắc Bộ (ĐBBB) đến năm 2020 là 2 băng tần 47 và 48. Theo quy hoạch ấy, sẽ có 2 phương án hình thành vùng dịch vụ truyền dẫn, phát sóng khu vực ĐBBB: Phương án thứ nhất là hình thành một vùng gồm cả 14 tỉnh thành với 1 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Phương án thứ 2 là hình thành 2 vùng dịch vụ, một vùng gồm Hà Nội và các tỉnh phụ cần còn một vùng gồm các tỉnh duyên hải với 2 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.

Đối với vấn đề này, Đại diện Công ty Hanel, một trong những doanh nghiệp có kế hoạch tham gia cung cấp truyền dẫn phát sóng tại khu vực ĐBBB tán thành phương án chỉ hình thành một vùng dịch vụ, bao gồm 14 tỉnh thành với một công ty truyền dẫn phát sóng cung cấp dịch vụ. Trong bản đề án thiết lập mạng và cung cấp truyền dẫn phát sóng khu vực ĐBBB mà Hanel gửi tới hội thảo cũng được tính toán cho phương án này.

Không đồng quan điểm với đại diện Hanel, đại diện Đài truyền hình Hải Phòng lại lựa chọn phương án hình thành 2 vùng dịch vụ. Vị này cho biết, Đài truyền hình Hải Phòng cũng muốn tham gia cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng cho khu vực ĐBBB, tuy nhiên, do tiềm lực có hạn, Đài truyền hình Hải Phòng chỉ có thể đảm nhiệm cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng cho 6 tỉnh dọc duyên hải, chứ không thể cung cấp dịch vụ cho toàn bộ khu vực ĐBBB được.

Tuy nhiên, cả Hanel và Đài truyền hình Hải Phòng đều thống nhất cho rằng, dù là hình thành một hay hai doanh nghiệp dịch vụ truyền dẫn khu vực thì đều phải yêu cầu các đài truyền hình các tỉnh thành phố trong khu vực phải sử dụng dịch vụ truyền dẫn của các doanh nghiệp khu vực chứ không được lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ khác.

Đứng từ quan điểm của các “khách hàng”, hầu hết đại diện các Đài truyền hình cũng như Sở TT&TT các tỉnh có mặt tại hội thảo tán thành phương án hình thành một vùng dịch vụ để kênh chương trình của mỗi tỉnh thành có thể phủ sóng ở tất cả các tỉnh thành trong khu vực. Hơn nữa, nếu như hình thành một vùng dịch vụ thì người dân sẽ thu được nhiều kênh chương trình hơn, dễ dàng và thuận tiện hơn. Tuy nhiên, vấn đề khiến nhiều đại biểu băn khoăn chính là liệu khi hình thành một vùng dịch vụ với một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có gây ra hiện tượng độc quyền hay không khi các “khách hàng” là các đài truyền hình tỉnh không có cơ hội lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ khác nhau.

Đồng tình với vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho rằng, nên hình thành nhiều doanh nghiệp hoặc ít nhất là 2 doanh nghiệp cùng cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng ở khu vực để tạo nên sự cạnh tranh, từ đó thúc đẩy thị trường phát triển.

Toàn quốc hay khu vực?

Một trong những vấn đề gây ra nhiều tranh luận tại hội thảo chính là việc thành lập các doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng khu vực hay để các doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng toàn quốc như VTV, VTC hay AVG tham gia nhằm tận dụng những lợi thế có sẵn của doanh nghiệp này.

Không đồng tình với đề xuất của Hanel và Đài truyền hình Hải Phòng, đại diện VTV cho rằng, nên để cho các đài truyền hình địa phương được lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất chứ không nên ép buộc họ phải lựa chọn một doanh nghiệp nào.

Vị này cũng khẳng định, VTV sẵn sàng tham gia cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng tại khu vực ĐBBB và khẳng định các đài truyền hình địa phương nếu đi theo VTV sẽ có rất nhiều lợi ích, từ mạng lưới cơ phủ sóng toàn quốc, số lượng người xem nhiều, độ an ninh phát sóng cao, chính sách mềm dẻo cho phù hợp với nhu cầu và chi phí từng đài cũng như cơ sở hạ tầng có sẵn tại các địa phương.

Khẳng định sẵn sàng tham gia cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng khu vực ĐBBB, AVG cũng đưa ra những ưu thế của riêng mình như sẵn sàng để theo kịp tiến độ hoàn thành Đề án số hóa truyền hình, những kinh nghiệm truyền dẫn, phát sóng cũng như sẵn sàng hợp tác chia sẻ cơ sở hạ tầng với các đài truyền hình địa phương.

Hầu hết các đài truyền hình địa phương cho rằng, nên để các doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng toàn quốc như VTV, VTC, AVG tham gia cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng cho các đài truyền hình khu vực. Nguyên nhân là vì, những doanh nghiệp lớn như VTV, VTC, AVG trước đây đều đã có cơ sở hạ tầng ở các tỉnh thành này và rõ ràng họ có thế mạnh về kinh nghiệm, năng lực hơn nhiều so với các doanh nghiệp khác. Trong khi đó, nếu như các doanh nghiệp khác tham gia thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn nhất là khi nguồn thu không thể bù lại chi phí đầu tư.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng, việc đưa ra phương án hình thành các doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng khu vực là nhằm tạo cơ hội các doanh nghiệp cũng như các đài truyền hình địa phương có tiềm lực tham gia vào lĩnh vực này, nhằm hướng tới mục tiêu hình thành một thị trường cạnh tranh. Nếu như các doanh nghiệp và các đài truyền hình địa phương cảm thấy khó khăn thì có thể không tham gia, giao lại cho các doanh nghiệp lớn hoặc các công ty viễn thông.

Thứ trưởng Thắng cũng cho rằng, các doanh nghiệp cung cấp phát sóng, truyền dẫn khu vực cũng có thể tham gia cung cấp các dịch vụ khác, kể cả truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh. Các doanh nghiệp lớn như VTV, VTC, AVG đều cung cấp tất cả các dịch vụ như vậy. Có như vậy mới sử dụng chung nguồn lực, hạ tầng và bù đắp được các khoản trong doanh thu.

Lê Văn