- “Trước muốn đi vá trinh, người ta phải lên diễn đàn rỉ tai nhau để hỏi địa điểm. Bây giờ có cơ sở công khai nhận làm rồi, chị em muốn vá trinh không phải vất vả dò hỏi nữa. Chả biết có thật là giúp đỡ người ta không, nhưng cái tên trung tâm này vá trinh đã nổi như cồn”, Hồng Ngân chia sẻ.

Xung quanh chuyện bác sĩ Kim Dung vá màng trinh miễn phí cho những cô gái bị xâm hại tình dục như một món quà tặng nhân dịp 8/3 đã có rất nhiều luồng ý kiến trái chiều. Người ủng hộ, người phản đối, người ca ngợi đây là hành động nhân văn, có người lại lên án bác sĩ đang tiếp tay cho sự dối trá. VietNamNet xin đăng tải một số ý kiến nổi bật về vấn đề này.

Hành động đáng trân trọng

Nhà thơ, Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng (giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, ông ủng hộ việc làm của bác sĩ Kim Dung. Ông đánh giá đây là một hành động đáng quý và đáng trân trọng.

"Xã hội phát triển, nhiều tư tưởng đã thoáng hơn trước nhưng đàn ông Việt còn cổ điển lắm. Họ cầu toàn nên vẫn rất coi trọng sự trong trắng của người phụ nữ. Họ luôn khát khao, thèm muốn có được người đàn bà của riêng mình. Trinh tiết của người đàn bà là vô cùng quý giá”, TS. Hùng nói.

Theo TS. Hùng, chuyện vá trinh là cần thiết nếu nó khiến người phụ nữ cảm thấy tự tin hơn khi bước vào hôn nhân. Đây cũng là cách tốt để tránh sự nghi ngờ, đay nghiến của người đàn ông, tránh sự bất hạnh, đổ vỡ trong hôn nhân sau này. Đặc biệt với những trường hợp bị xâm hại tình dục, phần lớn họ đều có hoàn cảnh éo le rất cần được giúp đỡ, sẻ chia.

“Làm được như vậy thì tốt quá. Trẻ bị xâm hại chịu tổn thương về cả cơ thể và tâm lý, ám ảnh rất nặng nề. Làm lành lại cơ thể cho các em có thể sẽ giúp các em bớt đi mặc cảm để sống bình yên hơn”, TS. Hùng bộc bạch.

Vá màng trinh miễn phí: hành động nhân văn hay tiếp tay cho sự dối trá?

Chỉ là giải pháp tình thế

Bà Hoàng Kim Thanh - Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), giảng viên Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng chuyện vá trinh chẳng qua là ứng phó với tình thế. Cách họ làm cũng chỉ là để lảng tránh, không dám đối đầu và nhìn thẳng vào sự thật mà thôi. Vá trinh, một mặt nào đó thể hiện sự đề cao trinh tiết.

Bà Thanh chia sẻ: “Văn hóa Việt Nam vẫn rất đề cao trinh tiết, đứng ở góc độ giới nó mang chuẩn mực kép, tức là cùng một hiện tượng nhưng với người nam và người nữ lại khác nhau. Người phụ nữ khi mất trinh bị xem như mất giá trị hay ít giá trị, là xấu. Nhưng người nam giới thì chẳng ai để ý. Thậm chí người nam còn coi chuyện quan hệ với bạn gái là thể hiện nam tính, đánh dấu sự trưởng thành. Còn trinh hay mất trinh nó không chỉ ám ảnh với người phụ nữ mà còn ám ảnh cả nam giới”.

Bà Thanh cho rằng, xã hội hiện đại có cái nhìn thoáng và cởi mở hơn. Tuy nhiên thoáng và cởi mở đến đâu mới là đáng nói. Họ vẫn đặt nặng sự đánh giá người phụ nữ trong tay nam giới. Dù ít hay nhiều, đàn ông khi phát hiện vợ mình không còn trinh họ vẫn rất khó chấp nhận, có người vì thế mà đay nghiến vợ, dằn vặt vợ.

“Đàn ông hay đàn bà đều xem nặng trinh tiết. Đàn ông thì lên án phụ nữ không còn trinh. Còn phụ nữ mất trinh thì cảm thấy mình mất giá trị, cảm thấy có lỗi với chồng. Nói là bình đẳng giới nhưng thực sự trong vấn đề này thì chưa có sự bình đẳng”, bà Thanh nói.

Nghiên cứu và giảng dạy nhiều về vấn đề bạo lực gia đình, bà Thanh cho biết, cũng vì cái màng mỏng manh ấy mà người phụ nữ phải chịu rất nhiều bất hạnh. Có người phải chấp nhận chuyện chồng đi ngoại tình chỉ vì mình đã đánh mất “cái ngàn vàng” nên không dám lên tiếng đấu tranh, có người bị chồng “bỏ đói” chuyện chăn gối hàng chục năm trời coi như hình phạt trả giá cho hành động “lỗi lầm” kia.

“Chuyện quan hệ tình dục là bình đẳng, cả hai người đều phải chịu trách nhiệm. Vá trinh là giải pháp tình thế. Cách họ làm cũng chỉ là để lảng tránh, không dám đối đầu và nhìn thẳng vào sự thật mà thôi”, bà Thanh nói.

Bác sĩ đang tiếp tay cho sự dối trá

Coi hành động vá trinh là hành động giả dối, không ít độc giả lên án kịch liệt hành động này.

Anh Lê Nhân (ngõ 35, Lê Đức Thọ, Mỹ Đình) bày tỏ: “Tôi là đàn ông, tôi nói thẳng, nếu biết người mình yêu bị mất trinh vì cưỡng hiếp thì còn có thể thông cảm cho cô ấy được. Nhưng nếu biết cô ấy đi vá trinh để lừa mình thì khó có thể chấp nhận. Bây giờ khuyến mại cho người ta đi vá trinh miễn phí, khác nào xúi người ta nói dối”.

“Mà nói thật, đồ vá víu chỉ lừa được những kẻ gà mờ thôi, còn những người tinh ý thì nhìn là biết ngay quan hệ hay chưa. Yêu nhau thì nói thật cho nhau, chấp nhận được thì lấy, không chấp nhận được thì thôi, chứ lừa rồi mà bị phát hiện, dính phải người cay cú thì nó hành cho phải biết”, anh Nhân nói thêm.

Cảm thông với nỗi đau với những người phụ nữ bị xâm hại, nhưng nhiều người cho rằng chuyện vá trinh chỉ tạo được tâm lý “an tâm giả tạo” có thể biến mất bất cứ lúc nào, cái chính là mình biết sống thế nào để người ta trân trọng và tin yêu mình.

“Rơi vào tình cảnh bi đát như vậy hẳn ai cũng sẽ mặc cảm và khó có thể vượt qua. Nhưng thời gian sẽ xoa dịu tất cả. Nếu bạn đi vá trinh, sau đó bị người ta phát hiện, người ta đay nghiến, bạn sẽ bị tổn thương và đau hơn cái lần bạn bị xâm hại kia. Thà một lần đau còn hơn. Ai cũng có quá khứ của riêng mình, người yêu mình thật lòng sẽ cảm thông, đau đớn với tai nạn của mình”, Vân Anh (Khu tập thể ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ.

“Mình nghĩ cái cần nhất cho những người bị xâm hại là tư vấn tâm lý cho họ chứ không phải tìm cách giúp họ “che đậy” vụ tai nạn kia”, Vân Anh nói thêm.

Không chỉ phản đối chuyện đi vá trinh, nhiều người còn nghi ngờ việc làm này có thật sự là giúp đỡ người thiệt thòi hay chỉ là một chiêu PR, quảng cáo cho trung tâm.

“Trước muốn đi vá trinh, người ta phải lên diễn đàn rỉ tai nhau để hỏi địa điểm. Bây giờ có cơ sở công khai nhận làm rồi, chị em muốn vá trinh không phải vất vả dò hỏi nữa. Chả biết có thật là giúp đỡ người ta không, nhưng cái tên trung tâm này vá trinh đã nổi như cồn”, Hồng Ngân (nhân viên truyền thông FPT) chia sẻ.

La Hoàn