Từ lâu người ta biết đến Hà Nội với thành phố vì hoà bình, thành phố văn hiến, văn hoá, an toàn, thân thiện nhưng bên cạnh đó họ cũng thì thầm, mường tượng và còn biết đến thêm “Hà Nội là một thành phố không an toàn”.

Một Hà Nội không “an toàn” vừa hiển hiện trước mắt và tiềm tàng, ẩn giấu ở đâu đó. Khi đi trên đường phố, trên xe buýt, ngồi trong quán cà phê, quán cóc, trong nhà hàng khách sạn,... từ người Hà Nội đến người ngoại tỉnh, từ khách du lịch quốc tế đến khách du lịch nội địa đều nơm nớp lo sợ, đề phòng mất cắp, cướp giật, móc túi,...

Nếu bạn đến Hà Nội lần đầu tiên chắc bạn sẽ được chiêm ngưỡng nhiều điều thú vị về những giá trị độc đáo, đặc sắc của văn hoá Hà Nội, về phong cảnh, kiến trúc và con người Hà Nội – “nét thanh lịch của người Tràng An”. Những giá trị văn hoá, những phong cảnh, công trình kiến trúc và con người Hà Nội đã tạo nên thương hiệu đích thực cho Hà Nội: Thành phố vì hoà bình.

Tuy nhiên bên cạnh đó, người dân và du khách cũng sẽ hết sức ngạc nhiên (sau đó là lo âu rồi đến sợ hãi) khi bắt gặp trên được phố Hà Nội nhan nhản các biển báo đủ các loại dạng như: Khoá xe cẩn thận; Đề phòng mất cắp; Đề phòng cướp giật; Đề phòng móc túi...Hay các dạng thông báo: trên xe có móc túi quý khách chú ý....Gần như cửa hàng kinh doanh, nhà hàng, điểm bán hàng hoá, các công viên, nhà văn hoá, công sở... đều chuẩn bị sẵn cho mình một tấm biển để sẵn sáng trưng ra tối đưa vào.

Trên vỉa hè các tuyến đường các phường, cơ quan công an cũng làm các biển cảnh báo. Nhiều đoạn đường trên phố Hà Nội cứ 3-5m lại có một biển báo dạng này. Thậm chí trên nhiều tuyến phố chính với cảnh quan đẹp cũng trưng ra những biển cảnh báo tương tự. Và còn được phản ánh trên truyền hình, báo chí. Nếu có một thống kê, chắc Hà Nội sẽ là thành phố có nhiều nhất các biển cảnh báo dạng này so với các thành phố trên thế giới. Đó không còn là chuyện cảnh báo hay biển báo mà đó là thực trạng của nạn ăn cắp, cướp giật đang diễn ra ở Hà Nội. Tình trạng này có thể không phải là phổ biến nhưng là thường xuyên ở đâu đó. Điều này đã tạo ra cảm giác bất an cho mọi người và làm xấu đi hình ảnh một Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Biển chú ý đề phòng mất cắp dán ở khắp nơi. Ảnh: Trọng Hiếu

Xe buýt là một dạng phương tiện giao thông thể hiện một nền kinh tế và văn hoá phát triển, thể hiện văn minh đô thị, thể hiện sự tiến bộ xã hội. Nhưng khi đi xe buýt ở Hà Nội, đặc biệt là vào giờ cao điểm, mọi người đều nơm nớp lo sợ nạn móc túi, rạch túi. Gần như trên tuyến xe buýt nào cũng có hiện tượng này. Khi khách đông chen chúc, các đối tượng móc túi, ăn cắp trà trộn móc túi lấy ví, điện thoại... Người móc túi có thể dễ dàng nhận diện nhưng nhiều lúc lại núp bóng như những sinh viên, công chức, người lịch sự,... Nhiều lúc bọn móc túi trắng trợn đến mức khi bị phát hiện chúng có thể đánh cả nạn nhân, đánh theo kiểu hội đồng, có tổ chức. Khách lên xe mà luôn có cảm giác bất an, sợ hãi, luôn giữ khư khư điện thoại, ví tiền,...

Ở một góc độc khác, khi chúng ta quan sát kỹ hơn trên vỉa hè, hành lang, hàng rào của các gia đình khi trồng các cây cảnh (kể cả có giá trị hoặc không) đều phải có dây xích, ổ khoá khoá lại, nếu không là bị bứng ngay tức thì. Nhà cửa thì phải khoá từ 3 đến bốn loại khoá, tường cao, lưới B40, mảnh chai phủ trên tường... theo kiểu các “lô cốt an toàn”, pháo đài bất khả xâm phạm ít nhất là đối với đạo chích, ăn cắp vặt; xe máy cũng có tới 3-4 khoá từ khoá cổ, khoá càng, khoá dây, khoá điện,...... Nên mới có chuyện cười ra nước mắt, và thương cảm với nhiều người già ở Hà Nội. Vì sợ mất cắp nên con cái trước khi đi làm thường khoá cửa ngoài và “nhốt” các cụ ở trong nhà.

Có những câu chuyện mà kể ở nơi khác thì người nghe cho là chuyện ở đẩu đâu bên Tây, bên Tàu chứ không phải ở Hà Nội, thậm chí phải kể ở Hà Nội người ta mới tin chứ mang về nông thôn thì nó là những câu chuyện hài thật sự: ví dụ như có chị dựng xe bên vỉa hè để mua hàng, mới bước hai bước quay lại thì không thấy xe của mình đâu nữa (ở nông thôn để xe ngoài sân, nhiều nơi là ngoài đường cả đêm cũng không sao). Hay khi vào quán cà phê thấy có người chạy ra dắt xe hộ tưởng là nhân viên của quán nhưng cuối buổi ra nhận xe thì mới té ngửa là đã trao xe cho đạo chích; mới bước lên xe buýt 3 bước sờ túi không còn điện thoại di động... những chuyện dạng này thì kể cả ngày chưa hết.

Có một câu chuyện cười ra nước mắt. Đó là có một vị khách Tây lần đầu tiên đến Hà Nội, khi đi từ sân bay về, rồi đi taxi, trên đường đi thấy quá nhiều bảng đề phòng mất cắp, ông Tây mới hỏi anh lái xe taxi biển gì mà nhiều thế, anh lái xe giải thích hết sức dí dỏm hài hước rằng: đất nước tôi rất mến khách nên treo nhiều biển với nội dung “kính chào quý khách”, ông Tây gật đầu good, good. Còn sau này ông Tây có tìm hiểu thêm về biển báo đó hay không thì không ai biết.

Ngày xưa, lúc còn nhỏ tôi thường nghe người lớn khi đi Hà Nội về nói rằng: “Ở Hà Nội một mét vuông 36 thằng ăn cướp” (bây giờ người ta nói nửa đùa nửa thật rằng: “Làm chi có mà gấp 2-3 lần ấy chứ”). Thực hư chuyện này như thế nào hay đó chỉ là chuyện đùa thì tôi chưa có điều kiện kiểm chứng. Nhưng sau này khi nhiều lần đi công tác Hà Nội, những hình ảnh đập vào mắt, những câu nhắc nhở của các chủ quán, cửa hàng, qua những lần trà dư tửu hậu với bạn bè tôi mới dần nhận ra rằng, còn có một Hà Nội không an toàn.

Khi đưa chuyện này trò chuyện với các nhà quản lý văn hoá, kinh tế, nhà nghiên cứu văn hoá thì họ cho rằng đó là sản phẩm của văn minh đô thị, mặt trái của kinh tế thị trường... Vì Hà Nội là nơi nhập cư của nhiều luồng văn hoá và cư dân từ khắp nơi trên cả nước với nhiều giá trị văn hoá và thành phần xã hội khác nhau. Hà Nội bây giờ không còn thuần chỉ có người “Tràng An” như xưa nữa. Nhiều người còn cho rằng, làm như thế là giúp Hà Nội trở nên an toàn hơn. Cách lý giải đó có thể đúng, có thể sai nhưng chưa thật sự thuyết phục vì như thế thì nhiều thành phố trên thế giới còn đô thị hoá cao hơn, người nhập cư không chỉ trong nước mà còn trên toàn thế giới. Có thể cần có những nghiên cứu cả về mặt văn hoá, xã hội học, về mặt an ninh,... để có một lý giải, một giải pháp hợp lý cho những vấn đề dạng này.

Những điều đó dù nhiều hay ít, có thường xuyên hay không thì chỉ người Hà Nội mới biết rõ nhất. Nhưng những hình ảnh, hành vi đó đã làm xấu đi một phần hình ảnh Hà Nội văn hiến, lịch thiệp của người Tràng An trong mắt khách thập phương, làm cho du khách và người dân cảm thấy bất an khi đến và đi trên đường phố Hà Nội. Và phần nào đó phản ánh sự bất lực của các cơ quan quản lý văn hoá và mức độ an toàn khi sống, tham quan và làm việc ở Hà Nội.

Độc giả Trần Văn

BẠN NGHĨ GÌ VỀ QUAN ĐIỂM CỦA ĐỘC GIẢ TRẦN VĂN?