“Mọi người đừng trách tại sao Hà Nội bẩn, giao thông lộn xộn mà hãy trách những con người làm nó trở nên như vậy. Nếu không có quá nhiều dân ngoại tỉnh thì Hà Nội đâu có trở nên "nhếch nhác", giao thông đâu có hỗn loạn như vậy”, độc giả Nguyễn Ngọc Thường bày tỏ.


“Thật oan cho Người Hà Nội”

Sau loạt bài về đời sống văn hóa của người Hà Nội hiện đại, rất nhiều độc đã gửi phản hồi về VietNamNet bày tỏ quan điểm của mình. Không ít độc giả tự xưng là “Người Hà Nội” cho rằng, văn hóa Hà Nội xuống cấp kể từ khi người tỉnh lẻ du nhập vào Hà Nội.

Một độc giả giấu tên cho biết, anh là người Hà Nội gốc, những ý kiến tỏ ra thất vọng với người Hà Nội là không chính xác, mọi người đổ lỗi văn hóa xuống cấp cho người Hà Nội là oan uổng. 

Trước cửa hiệu kem Tràng Tiền: Mặc dù có thùng rác rất to nhưng giấy gói, que kem vẫn được vô tư vứt đầy đường. Ảnh: Tiền phong

Độc giả này bày tỏ: “Thật oan cho người Hà Nội. Nhắc lại lịch sử một chút, Hà Nội là đất Kinh kỳ - Kẻ chợ. Nghĩa là ngoài chức năng là kinh đô của VN, Hà Nội còn là một cái chợ. Nghĩa là phần lớn người sống ở Hà Nội bây giờ xuất thân từ các vùng miền khác đến sinh cơ lập nghiệp. Những người không phải là Hà Nội gốc khi sinh sống tại đây lại bê nguyên xi những lề thói của họ về đất Hà Nội văn hiến. Mà dường như cái xấu càng ngày càng nhiều lên, lấn át hoàn toàn cái tốt. Kết quả là bây giờ Hà Nội là một cái chợ khổng lồ, hỗn tạp, làm cho những người Hà Nội gốc thiểu số và những người khách vãng lai phải khiếp sợ”.

Độc giả Bảo Bình tiếp lời: “HN bây giờ có quá nhiều dân nhập cư từ các tỉnh phía Bắc đến ở, dần dần họ mang theo những ảnh hưởng, tính cách của mỗi vùng đến, dẫn đến văn hóa ở HN khác đi rất xưa. Người gốc HN họ đi lại nói năng nhẹ nhàng thanh lịch. Những thói hung hãn, chửi tục, thô thiển, bắt nạt người khác tôi nghĩ là do từ các tỉnh thành ven đó đem đến, dần dần làm cho văn hóa ở HN đi xuống một cách trầm trọng!”.

Cũng cho rằng Hà Nội nhếch nhác là do dân nhập cư, độc giả Nguyễn Ngọc Thường đưa ra lý lẽ: “Tôi là người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Mặc dù Hà Nội đã có nhiều thay đổi, không còn như trước nữa nhưng đọc xong bài báo tôi thấy mọi người chỉ nhìn vào mặt trái của vấn đề mà không hiểu tại sao nó trở nên như vậy!? Mọi người thử nghĩ xem: những người sống ở Hà Nội hiện nay bao nhiêu % là người Hà Nội gốc?

Dân nhập cư vào HN rất nhiều, mang theo đó là những văn hóa, lối sống, những du nhập "thập cẩm" từ nhiều vùng, nhiều tỉnh thành. Mọi người đừng trách tại sao Hà Nội bẩn, giao thông lộn xộn mà hãy trách những con người làm nó trở nên như vậy. Nếu không có quá nhiều dân ngoại tỉnh thì Hà Nội đâu có trở nên "nhếch nhác", giao thông đâu có hỗn loạn như vậy. Nhớ lại dịp tết nguyên đán, đường phố đâu có lộn xộn như ngày thường, nó trở nên thanh bình, sạch đẹp như vốn có của nó”.

Không chỉ “kết tội” dân tỉnh lẻ đã “nông thôn hóa” Hà Nội, nhiều độc giả là “người Hà Nội gốc” còn cho rằng vì sợ cảnh bon chen của người tỉnh lẻ nên họ đã phải di cư đi nơi khác.

Độc giả Nguyễn Tuấn Kiệt lên tiếng: “Hà Nội lộn xộn như ngày nay là do dân nhập cư tỉnh lẻ đó, dân HN gốc số lượng đâu có nhiều, xin lỗi vì phải nói thẳng như vậy. Sự đa dạng về văn hóa vùng miền, cạnh tranh, bon chen cuộc sống... khiến HN như một nồi lẩu thập cẩm vậy. Tôi có nhiều bạn gia đình gốc Hà Nội có điều kiện kinh tế học thức đều chọn đi du học và định cư tại nước ngoài, một thực tế đáng buồn”.

Còn độc giả Phạm Ngọc Dũng, một người Hà Nội gốc lại ngại ra đường, ngại đi ăn ngoài vì sợ đụng mặt dân tỉnh lẻ: “Xin thưa quý vị, gia đình tôi là người Hà Nội gốc, hiện tại tôi vẫn sinh sống ở Hà Nội, đọc bài viết tôi rất buồn và tiếc thương cho văn hoá Hà Nội xưa, nhưng xin thưa quý vị hãy nhìn lại có bao nhiêu phần trăm người Hà Nội thực thụ còn sống và làm việc ở Hà Nội, tôi rất sợ đi ăn ở ngoài vì lúc nào cũng có thể bị một nhân viên ở tỉnh lẻ về phục vụ mắng và lườm nguýt, xin quý vị hãy nhìn kỹ xem người Hà Nội như vậy hay người các nơi mới du nhập về xây dựng nên phong cách Hà Nội mới bây giờ”.

“Nếu bạn là người Hà Nội gốc. Bạn thử nhìn lại và hỏi xem! Hà Nội bây giờ còn bao nhiêu % là người gốc HN? Tôi sinh ra là lớn lên trên phố cổ - "giai phố". Mà "giai phố" bây giờ nghề chủ yếu là: xe ôm; buôn bán; ăn bám nhờ cho thuê cửa hàng, một số đi làm công chức và làm thuê, một số có trình độ thì làm việc ở nước ngoài... hết!!! Lãnh đạo của các công ty, cơ quan 99% là người ngoại tỉnh. Thử hỏi xem văn hóa làm sao được như xưa! tại vì có còn đâu người Hà Nội Văn minh lịch sự nữa”, độc giả Trịnh Hiệp lên tiếng.

Đừng đổ lỗi cho dân nhập cư!

Bên cạnh một bộ phận độc giả tự xưng là người Hà Nội gốc lên tiếng bảo vệ người Hà Nội, kết tội cho dân nhập cư đã đem văn hóa nhếch nhác đến cho Hà Nội, phần đông độc giả cho rằng, tỉnh nào cũng có người nhập cư, sự xuống cấp của văn hóa Hà Nội không thể đổ thừa cho họ.

Độc giả Đặng Nga lên tiếng: “Đừng đưa ra lý lẽ là HN gốc hay không gốc nữa, chẳng có TP nào mà ở đó đều là dân gốc hết, TP nhỏ thì các huyện về, TP lớn thì các tỉnh về. HN chỉ có mấy tỉnh miền Bắc đổ về thôi, trong khi đó TP.HCM thì cả nước đổ về nhưng tại sao họ dung hòa được tất cả còn HN thì không? Kể cả người HN khi đã sinh sống ở Đà Nẵng hay TP.HCM đều nhận thấy điều đó HN ạ!”.

Còn độc giả Thanh Tâm cho rằng, người Hà Nội quá tự tin đến mức tự cao nên mới có cái nhìn khinh khỉnh với dân ngoại tỉnh. Độc giả này phân tích: “Người Hà Nội có nhiều cái quá tự tin. Tự cho mình thanh cao, là bề trên của những người khác xem thường nhũng người khác ra mặt. Lấy ví dụ khi Hà Nội sáp nhập với các tỉnh khác thì "người cũ" đã bắt đầu kỳ thị "người mới" gọi họ nào là "Hà Tây vĩ đại", rồi những thói hư tật xấu, cách ứng xử nơi cộng cộng, người ta lại đổ lỗi cho dân "tỉnh lẻ" lên Hà Nội gây ra.

Độc giả này còn so sánh Hà Nội với TP. Hồ Chí Minh để khẳng định quan điểm của mình: “Tôi sống tại Sài Gòn và cũng từng tiếp xúc nhiều người ở các tỉnh phía Bắc, bạn bè thân của tôi cũng có người đến từ Hưng Yên, Nam Định,... tôi rất quý trọng họ. Sài Gòn cũng đâu thua kém Hà Nội, cũng có dân tỉnh lẻ lên, thậm chí chiếm đến hơn 30% dân của thành phố. Nhưng thử hỏi có người sài gòn nào lại đổ tội cho dân tỉnh lẻ hay chưa? hay dân tỉnh lẻ ở Sài Gòn văn hóa hơn dân tỉnh lẻ tại Hà Nội? Là dân của thủ đô cả nước, đáng lý ra người Hà Nội phải là tấm gương sáng, phải là niềm tự hào của nhân dân cả nước. Đằng này thử hỏi có bao nhiêu người tự hào với người Hà Nội? hay chỉ có người Hà Nội là tự hào về mình thôi?

Bác bỏ quan điểm cho rằng người Hà Nội gốc thanh lịch, chỉ có dân nhập cư mới đem văn hóa nhếch nhác đến Hà Nội, độc giả Minh Minh đưa ra lý lẽ: “Thật dễ dàng bắt gặp và nghe thấy những câu cửa miệng như: VL, DCM, Vãi... khi gặp học sinh Hà Nội CHÍNH GỐC nói chuyện, từ con gái đến con trai đứa nào cũng có thể "vãi" ra được. Tôi sống ở 1 khu vực toàn người HN chính gốc hẳn hoi nhưng ý thức bảo vệ môi trường thì thôi rồi, phải nói là cực kém chứ không phải kém nữa. Đơn thuần lấy ví dụ 1 em bé 9 tuổi uống sữa xong sẵn sàng vứt thẳng hộp sữa ra đường như 1 chuyện rất bình thường mà bố mẹ nó không nói gì”.

“Nhiều người cứ nghĩ rằng HN ra như vậy là do dân tứ xứ. Thế TP.HCM, Đà Nẵng thì sao. Nói thật quê mình miền Trung vào TP.HCM lập nghiệp nhiều hơn HN nhiều lắm các bạn ạ!”, độc giả Nguyễn Thanh Tú khẳng định.

Kim Minh (tổng hợp)