24 năm qua, Đông cũng như Hạ, ngày cũng như đêm, mưa giông cũng như nắng lửa, bà Nguyễn Thị Lợi trong ngày đều phải 5 lần đỏ lửa nấu cơm và nhai mớm cho người chồng, thương binh thời kháng chiến chống Mỹ đang nằm liệt giường. Người phụ nữ đảm đang, chung thuỷ này khiến nhiều người phải quý mến đến mức tôn thờ.

TIN BÀI KHÁC

Hỏi đường mãi, chúng tôi cũng tìm về được xóm 4, thị trấn Ba Hàng, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Trời đã quá chiều, bà Nguyễn Thị Lợi đang trệu trạo nhai và mớm những thìa cơm cho bữa ăn thứ 5 trong ngày cho chồng, bước vào tuổi cổ lai hy đang nằm liệt giường. Nhìn cảnh tượng ấy, chúng tôi không thể không rớm nước mắt.

24 năm nhai cơm bón cho chồng, bà Lợi luôn tìm thấy hạnh phúc và tự hào bên chồng.

Vừa nhai, vừa khéo léo bón từng thìa cơm cho chồng, bà Lợi tâm sự: “24 năm nay, tôi toàn nhai cơm và bón cho chồng tôi. Ông ấy không ăn được gì chỉ ngoài thứ cơm mà tôi nhai và bón hàng ngày. Cứ đều chằn chặn, Đông cũng như Hạ, ngày cũng như đêm, mưa giông cũng như nắng lửa, tôi đều phải 5 lần đỏ lửa, nấu cơm nóng để nhai cho ông ấy”.

Gạt giọt nước mắt đang lăn trên gò má, bà Lợi bảo: “Tôi với ông ấy phận mà như phúc. Phận là tôi và ông ấy đã gặp nhau, phận là tại sao tai hoạ bệnh tật lại tìm đến ông ấy. Còn phúc thì nhiều lắm, phúc lớn nhất là có phận thì tôi mới được chăm ông ấy…”.

Chồng bà Lợi là Thiếu tá Phan Văn Phàn, thương binh loại A, hạng 4; ông yêu và kết duyên với bà từ ngày bà còn trẻ lắm. Thời ấy, yêu đương chỉ dám nắm tay nhau thôi. Cưới nhau về, bà Lợi vì “xấu hổ” nên vẫn còn ngủ chung với mẹ chồng. Vợ chồng chưa một đêm nằm trọn với nhau thì ông ấy nhập ngũ, chỉ để lại cho vợ cái cười lúc lên xe cùng chúng bạn, rồi đi biền biệt. Đơn vị ông đóng quân là Trung đoàn 98, Binh đoàn Trường Sơn, bà biết vậy từ những cánh thư ông Phàn hồi đó gửi về.

Nâng niu kỷ vật của chồng.

Sau 4 năm biền biệt ra đi bà có dịp may mắn được gặp chồng, ấy là khi ông bị thương khi đang thi công tuyến đường 559 ở địa phận Atôpưi trên đất bạn Lào. Hầm ông bị trúng bom, hy sinh hết cả, chỉ mình ông may mắn còn sống sót nhưng bị thương nặng. Ông Phàn được chuyển ra Thanh Hoá điều trị, nghe tin bà Lợi khăn gói vào xứ Thanh vào tìm chồng. Ngày ấy, đường sá xe cộ hiếm hoi, lúc nào có xe thì đi còn không thì bà lại đi bộ. Gần cả tuần trời bà mới gặp được chồng.

Đây là lần bà được gần gũi chồng nhất. Vết thương mới kịp lành, ông Phàn lại tiếp tục nhận lệnh vào chiến trường tham gia chiến đấu, còn bà quay ra đất Bắc. Lần gặp gỡ này, năm 1970, bà sinh con trai đầu lòng, ông Phàn đặt tên cho nó là Phan Văn Dũng, với chủ ý vào chiến trường đàn ông phải dũng cảm, còn ở quê nhà người vợ có chồng đi kháng chiến cũng phải dũng khí đảm đang. Đúng như mong muốn của chồng, bà Lợi một mình nuôi con, chăm sóc bố mẹ chồng.

Miền Nam thống nhất. Ông Phàn về, chẳng có gì ngoài chiếc ba lô và bộ quần áo xanh quân ngũ bạc mầu. Bà Lợi hồ hởi đón ông. Năm này, ông bà sinh thêm một con nữa, đặt tên là Phan Nhất Thống, để ghi nhận sự kiện đất nước thống nhất. Cơ nhọc với đồng lương chế độ bao cấp của hai vợ chồng, nhưng bà Lợi vun vén lo toan hạnh phúc. Năm 1977, bà Lợi sinh thêm một con trai nữa, ông đặt tên là Phan Văn Chuyên, chủ ý là trong lúc khó khăn, ông bà phải chuyên cần.

Hạnh phúc ngắn ngủi chỉ có được cho bà sau 10 năm khi ông ở chiến trường ra. Năm 1985, đúng mồng ba Tết, đang vui xuân mới thì ông Phàn đột quỵ. Ông phải nằm liệt giường, với căn bệnh Viêm tuỷ leo từ đó. Thân thể mềm nhũn, mồm miệng cũng mềm hết, không thể tự nhai cơm được. Thế là bà lại phải đối diện cùng thử thách, nấu cơm mớm bón cho chồng, đấy là còn chưa kể đến việc kiếm sống đển nuôi một gia đình 5 con người.

Một ngày 5 lần nấu cơm, công việc quá quen với bà Lợi

.Bà Lợi bảo, ngày ông đổ bệnh, đất nước vừa mới bước ra khỏi kỳ bao cấp. Cuộc sống của người lành lặn còn khổ, huống hồ gia đình bà, cơ cực hết chỗ nói. Từ đây, bà đành gánh trên vai hai chức phận, vừa là chồng vừa là cha, vừa dậy dỗ con cái, kiếm sống cho cả gia đình.

Bà Lợi cho biết, vì ông bệnh tật, ngoài việc chỉ ăn được thứ cơm do bà nhai mớm thì ông phải ăn đến 5 bữa trong ngày. Nằm một chỗ, ăn nhiều không tiêu hoá được lại dễ sinh bệnh. Cũng vì việc ông chỉ ăn được thứ cơm do bà nhai nên hơn 20 năm nay bà không thể bước chân ra khỏi nhà. Chỉ dám quanh quẩn ở cái thị trấn Ba Hàng, mua bán vài thứ rồi lại về chăm sóc chồng.

Ngày ông bị bệnh, lương tháng 2 vợ chồng có tất thẩy 600 nghìn đồng. Vừa cơm cháo, vừa thuốc men cho chồng lại cả tiền ăn và tiền học của 3 đứa con,nhiều lúc cảm thấy bất lực, không thể sống được nữa. Thế nhưng, mỗi khi nhìn thấy chồng bị bạo bệnh nằm đó bà như có thêm nghị lực, dũng khí để vượt qua mọi gian nan, vất vả.

Vượt qua hoàn cảnh, bà Lợi cùng các con phải thâu đêm suốt sáng làm đủ nghề lương thiện để kiếm sống. Nấu rượu, nuôi lợn, làm ruộng và bán nước, bà làm hết. Làm đến quên ăn quên ngủ.

Người ta bảo, ông trời không ban cho mọi người tất cả, điều này có lẽ đúng. Ông trời đã không cho bà thanh thản, không cho người chồng của bà mạnh khoẻ thì lại cho bà những đứa con ngoan. Đứa thứ nhất đã có gia đình đang mở cửa hàng buôn bán gần nhà, hai đứa tiếp theo đều học xong đại học. Đứa nào cũng có công ăn việc làm và đã dỡ đần được mẹ để chăm sóc bố.

Sự im lặng, cam chịu và kiếm tìm hạnh phúc từ một hoàn cảnh hết sức đặc biệt của cuộc đời bà Lợi đang chắp thêm cho những đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Và, trong hoàn cảnh điển hình này, có lẽ bà Nguyễn Thị Lợi đang là một trong những trang sách sống động nhất, cần nâng niu học tập đức tính cao cả cam chịu hy sinh của người phụ nữ.

(Theo Pháp luật Việt Nam)