-“Tôi cũng không hiểu là giáo viên, rồi hiệu trưởng, có bao nhiêu người hiểu đầy đủ về Điều lệ cha mẹ học sinh. Hay là bản thân ban đại diện cha mẹ học sinh cũng không biết họ hoạt động theo quy định nào, được phép làm gì, không được làm gì”.

Ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD-ĐT, cho biết như vậy khi trao đổi về câu chuyện “lạm thu tiền trường” vẫn đang nóng bỏng -  dù năm học mới đã khai giảng hơn 1 tháng.

Ông Quang cho biết, theo Điều lệ hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh (ban hành từ năm 2011) có quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng thành viên trong ban đại diện, những khoản mà ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu, không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học.

{keywords}
Ông Bùi Hồng Quang. Ảnh: Lê Anh Dũng

Đó là:  Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh như bảo vệ cơ sở vật chất, trông coi phương tiện giao thông của học sinh; vệ sinh trường lớp; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Khi chưa có văn bản pháp lý, chúng ta kỳ vọng việc ban hành các quy định sẽ giảm thiểu hiện tượng lạm thu. Nhưng đã có các văn bản rồi, tai sao trong thực tế phụ huynh vẫn phải nộp tiền cho ban đại diện cha học sinh những khoản nói trên?

- Tôi đang suy nghĩ theo hướng tốt là do ban đại diện cha mẹ học sinh chưa biết các quy định mà điều lệ đã ban hành.

Khoan hãy nói trách nhiệm của các ban đại diện cha mẹ học sinh hay giáo viên chủ nhiệm, người đứng đầu các cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm đầu tiên đối với việc xảy ra ở cơ sở mình quản lý, cụ thể ở đây là các khoản thu góp trái quy định.

Người đứng đầu đã không quán triệt các quy định hiện hành, không giám  sát các quy định đó được thực hiện ra sao…

Theo tôi, bản thân phụ huynh học sinh cũng phải làm hết trách nhiệm của mình. Tại sao phải đóng góp khoản này? Tại sao cũng “xuôi chiều” ủng hộ dù thấy Ban đại diện cha mẹ học sinh không đủ năng lực, hoặc thấy vô lý vẫn đồng ý đóng góp và sợ những điều vu vơ ở đâu đâu?

Liệu có phải vì thiếu kinh phí cho các hoạt động thường xuyên nên dù có trái quy định vẫn phải thu thêm của phụ huynh?

Việc phân bổ ngân sách cho giáo dục là theo đầu dân số theo độ tuổi chứ không phải theo đầu học sinh.

Trên nguyên tắc phải đảm bảo tối đa là chi cho lương là 80% và 20% cho các hoạt động thường xuyên, các địa phương  sẽ có tiêu chí riêng khi phân bổ ngân sách cho các trường.

Tôi không đồng ý với lập luận cho rằng vì thiếu nên phải thu của phụ huynh.   

Có một thực tế là nhiều cơ sở giáo dục vẫn không đảm bảo cơ cấu chi đó mà đa phần là 90% hoặc hơn kinh phí chi thường xuyên dành để chi cho lương và các khoản chi có tính chất lương. Như vậy là thiếu hụt khoản chi các hoạt động thường xuyên.

Điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh nêu rõ không được thu góp các khoản rất cụ thể như vậy nhưng Bộ lại có văn bản khác cho phép các cơ sở giáo dục được nhận đóng góp theo hình thức xã hội hóa. Điều này có mâu thuẫn?

Không có mâu thuẫn trong các văn bản ở đây.

Nhiều ban đại diện thường làm quá trách nhiệm của mình, đứng ra thu góp các khoản phục vụ cho hoạt động dạy học nên Bộ GD-ĐT đã phải quy định rõ vào điều lệ về việc ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu góp các khoản thu cụ thể nào.

Còn xã hội hóa thì là chủ trương chung của Chính phủ chứ không phải chỉ riêng giáo dục.

Với văn bản quy định về tài trợ, Bộ GD-ĐT chỉ hướng dẫn rõ việc tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân như: phải chuyển vào tài khoản của nhà trường ở Kho bạc Nhà nước; hiệu trưởng phải đứng ra tiếp nhận... hiện vật tài trợ chứ không phải thông qua hội phụ huynh.

{keywords}
Ông Bùi Hồng Quang

Các khoản thu từ phụ huynh theo danh nghĩa tự nguyện rất lớn, thậm chí có nơi tương đương với ngân sách nhà nước cấp cho các trường. Dòng tiền này đang được kiểm tra, giám hoặc tổng kết như thế nào?

Theo quy định, mọi khoản thu - chi cụ thể phải được ghi chép và lưu trong sổ sách kế toán của nhà trường. Phải gửi vào tài khoản, chi tiêu xong phải chi quyết toán.

Nhưng việc tiền có vào tài khoản không thì lại là vấn đề của kiểm soát của cơ quan quản lý.

Tôi nghĩ cơ quan quản lý ở các địa phương muốn làm nghiêm là hoàn toàn có thể làm được.

Hàng năm, Bộ, các sở đều có các đoàn thanh tra nhiệm vụ năm học, nhưng chuyện lạm thu vẫn tiếp tục là vấn đề gây bức xúc ở trong nhà trường. Có phải “lạm thu” luôn là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”?

Sau khi đi kiểm tra các địa phương thực hiện nhiệm vụ đầu năm học, nếu phát hiện các cơ sở giáo dục sai phạm, Bộ sẽ có các văn bản khuyến nghị các địa phương chấn chỉnh.

Trách nhiệm xử lý là của địa phương,Bộ không kỷ luật được hiệu trưởng nào cả. Đầu tháng 10, Bộ đã gửi công văn tới UBND các tỉnh, thành đề nghị các địa phương đồng lòng “chống lạm thu” trong ngành giáo dục.

Chúng tôi cũng đề nghị trong công tác đào tạo bồi dưỡng hè hằng năm cho cán bộ - giáo viên sẽ đưa những nội dung liên quan tới quy định thu chi vào.

Sắp tới, khi tổ chức họp giao ban với các giám đốc Sở GD&ĐT, cơ quan chức năng cũng sẽ phải tổng kết vấn đề này. Nếu thấy cần thiết thì chỉ rõ nơi nào, ở đâu bị phản ánh, trách nhiệm của giám đốc Sở thế nào, Sở nào năm ngoái bị báo chí nêu năm nay đã chấn chỉnh được.

Để không tái diễn tình trạng này thì phải kỷ luật nghiêm những người vi phạm, thu sai phải trả lại cho học sinh.

Cảm ơn ông.

  • Hạ Anh (Ghi)