- Sách giáo khoa hiện hành loạn lỗi phiên âm; Hàng loạt trường/ ngành bị dừng tuyển sinh năm 2012; Kinh doanh giáo dục vỡ mộng....là những tin nóng trên các báo hôm nay.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Lương tăng

Chuyên mục giáo dục báo Pháp luật TP HCM đưa tin, lương tối thiểu tăng 220.000 đồng/tháng. Theo Nghị định 31/2012 của Chính phủ, mức lương tối thiểu chung thực hiện từ hôm nay, 1/5/2012, là 1.050.000 đồng/tháng, tăng 220.000 đồng/tháng so với mức lương 830.000 đồng/tháng hiện đang áp dụng.

Mức lương này áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc ở: cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội; đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu…

Kinh doanh giáo dục vỡ mộng

Báo Tuổi trẻ có loạt bài với tựa đề "Vỡ mộng kinh doanh giáo dục" gồm 2 phần nêu thực trạng nhiều trường ngoài công lập từ trung cấp đến ĐH đang hoạt động cầm chừng. Thậm chí có trường đã phải ngừng hoạt động.

Ảnh Lê Anh Dũng

Báo cũng cảnh báo, người học bỏ dần trường yếu. Đồng thời dẫn phân tích của nhiều chuyên gia cho rằng việc các trường tư đang ngắc ngoải là quy luật của thị trường và chứng minh một thực tế không thể làm giáo dục theo kiểu “ăn xổi ở thì”.

Nói trên báo Tuổi trẻ PGS-TS Đỗ Văn Dũng, phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho rằng: "Có khai sinh thì cũng phải có khai tử đối với những trường quá yếu kém, không thể thu hút được người học. Ở các nước, những trường kém chất lượng đều bị buộc đóng cửa nhưng ở Việt Nam vẫn chưa làm được việc này".

Hàng loạt trường/ ngành bị dừng tuyển sinh

Các báo đồng loạt đưa tin, Bộ GD-ĐT đã ra quyết định đình chỉ tuyển sinh trong năm 2012 đối với 6 trường ĐH,CĐ (Trường ĐH Đông Đô, ĐH Văn Hiến, ĐH Hùng Vương TPHCM, CĐ Công nghệ Thông tin TPHCM, CĐ Kỹ thuật - Công nghệ Bách khoa, Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hà Nội) và 20 ngành học của nhiều trường ĐH-CĐ.

Lý do đình chỉ tuyển sinh chủ yếu là do các trường chưa thực hiện đúng điều kiện cam kết thành lập trường. Các ngành học bị đình chỉ tuyển sinh chủ yếu là do chưa có giảng viên có trình độ tiến sĩ và thạc sĩ đúng ngành theo quy định; tỷ lệ sinh viên trên giảng viên quá cao.

Sau đó, Bộ có văn bản cho phép gia hạn thời gian đăng ký dự thi ĐH, CĐ kéo dài đến hết ngày 15/5 đối với những thí sinh đã nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào các ngành bị vừa đình chỉ tuyển sinh.

Không bỏ điểm sàn

Bộ GD-ĐT mới đây đã bác bỏ kiến nghị bỏ điểm sàn của Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, kêu gọi các trường này tự đánh giá chất lượng đào tạo, nâng cao năng lực, xây dựng thương hiệu để thu hút thí sinh.

Hiệu trưởng xin trả lại tiền “không giải trình được”

Trao đổi với báo Tuổi trẻ, ông Trần Đức Lương, hiệu trưởng Trường THCS Triệu Trung (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), đã thừa nhận việc ông xin trả lại số tiền mà theo ông là không giải trình được với thanh tra.

Theo kết luận (ký ngày 23/4) của ban thanh tra nhân dân Trường THCS Triệu Trung, từ năm 2009-2011 ông Lương và kế toán của trường là bà Trần Thị Quỳnh đã cùng lập hồ sơ khống về thiệt hại do bão lũ gây ra đối với trường để lấy 20 triệu đồng tiền ngân sách. Hiệu trưởng còn cho thu nhiều khoản từ học sinh và phụ huynh mà không có chứng từ. Thanh tra kết luận tổng số tiền hiệu trưởng và kế toán tham ô lên đến hàng trăm triệu đồng. Hiệu trưởng và kế toán chỉ thừa nhận tham ô hơn 40 triệu đồng.

Ông Hoàng Đức Thắm, giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Trị, cho biết sau khi nhận được thông tin đã cử đoàn cán bộ do phó giám đốc sở về trường này tìm hiểu sự việc.

“Loạn” phiên âm

Là tựa đề báo Thanh niên đặt trong việc "nhặt sạn"  sách giáo khoa hiện hành. Báo nhận định, việc phiên âm sang tiếng Việt các từ quốc tế trong sách giáo khoa hiện hành gây nhiều tranh cãi và thể hiện sự lạc hậu, làm khổ giáo viên và học sinh.

Trong chương trình phổ thông, 3 môn học có lượng từ ngữ quốc tế chiếm nhiều nhất là văn, sử, địa nhưng SGK mỗi môn lại có cách phiên âm khác nhau. Thậm chí, cùng một bộ môn thì cách phiên âm ở các khối lớp cũng khác nhau.

Hiện cách phiên âm tiếng nước ngoài sang tiếng Việt trong SGK thiếu tính đổi mới và gây nhiều tranh cãi - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Xuất hiện Atlat Địa lý Việt Nam giả

Báo Sài Gòn giải phóng cho hay, trong thời gian gần đây, trên thị trường đã xuất hiện cuốn Atlat Địa lý Việt Nam in giả (ghi nộp lưu chiểu tháng 2 năm 2012). Thông tin được Công ty cổ phần Bản đồ và tranh ảnh giáo dục (NXB Giáo dục Việt Nam) xác nhận.

Công ty này đưa ra những dấu hiệu dễ nhận biết để phân biệt cuốn Atlat của NXB Giáo dục Việt Nam xuất bản với cuốn Atlat in giả đang có trên thị trường. Cuốn Atlat Địa lý Việt Nam in giả có những sai sót nghiêm trọng về nội dung địa lý và số liệu bản đồ như: Toàn bộ đường biên giới quốc gia ở tất cả các trang đều không giống với ký hiệu biên giới quốc gia ở trang ký hiệu chung; sai về cấp độ hành chính (thị xã, thành phố); vẽ thiếu ranh giới vùng tự nhiên ở trang 29 và sai về thang tầng màu ở hầu hết các bản đồ…

Nồi cơm sinh viên thời trượt giá

Một góc đời sống sinh viên thời trượt giá được báo Dân Trí ghi lại. Thực đơn bữa cơm sinh viên hàng ngày chỉ có 2 món: rau luộc, trứng luộc hoặc rau luộc, đậu rán...

SV Trường ĐH Kỹ thuật 3 cùng các bạn nấu ăn chung mấy món đơn giản là đậu phụ rán và canh cà chua trứng. Ảnh: Dân trí

Bởi, khi hay tin công chức chuẩn bị được tăng lương, xăng dầu rục rịch tăng giá, dân đèn sách lại “méo mặt” bởi biết trước giá cả còn “rú ga” chạy trước. Bạn Nguyễn Hoàng - SV năm cuối khoa Ngữ Văn, ĐH Vinh (Nghệ An) nhăn nhó: “Phen này lại bảo mẹ gửi dăm cân lạc lên để sáng lạc rang rồi tối rang lạc thôi. Mới ngày nào học năm nhất, mỗi tháng được chu cấp sáu trăm ngàn đã thấy thoải mái giờ thì ngần đấy còn không đủ trả tiền phòng nữa”.

  • N.Hiền (tổng hợp)