- Thông tin giáo dục được các báo phản ánh hôm nay là tình trạng 'xé rào' của một số trường ĐH,CĐ, trường học xây mới nhưng bỏ không, dự án tiền tỉ bị treo suốt 5 năm...Ngoài ra, câu chuyện học sinh THCS ở Kon Tum nghỉ học để bắt chồng cũng hút sự quan tâm.

TIN LIÊN QUAN:

Nhiều trường “xé rào”

Thông tin trên báo Sài Gòn Giải Phóng cho hay: Ngành mỹ thuật công nghiệp, thiết kế nội thất, phát triển nông thôn tuyển khối C, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, kế toán tuyển khối B, học sinh tại 62 huyện nghèo phải đạt 3 năm liền loại giỏi mới được xét tuyển thẳng, vẫn áp dụng điểm b, c Điều 33… là những phương thức tuyển sinh khó hiểu, thậm chí mang tính lách luật được nhiều trường thông tin đến thí sinh qua website, tờ rơi quảng cáo của các trường.

Phụ huynh đợi con trong kỳ thi tuyển sinh ĐH (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Trao đổi với báo này về quy định này, một chuyên gia đào tạo của một trường ĐH tại TP.HCM cho rằng: Việc xét tuyển đối với thí sinh thuộc 62 huyện nghèo gần như là bắt buộc vì đây là thực hiện theo chủ trương chung của nhà nước. Do đó, các trường không nên đưa ra những quy định để chặn đường thí sinh như thế. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng phải có hướng dẫn cụ thể hơn về chương trình đào tạo, cách đánh giá, chỉ tiêu xét tuyển để các trường khỏi lúng túng.

Không cho các trường linh hoạt xét tuyển

Bộ GD-ĐT vừa ra quy định “cứng” về xét tuyển ĐH, CĐ, theo đó không cho phép các trường xét tuyển nguyện vọng (NV) 1B, 1C... Trong khi nhiều trường đã áp dụng hình thức này nhiều năm qua và năm nay đã thông báo đến thí sinh tiếp tục cách làm trên.

Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga giải thích: Quy định trên chỉ áp dụng với những trường có phương án xây dựng điểm chuẩn theo ngành. Các trường có “điểm sàn” vào trường, thực chất là điểm chuẩn chung của trường. Như vậy, với những thí sinh đạt điểm chuẩn vào trường, các trường có quyền linh hoạt điều chỉnh NV vào ngành của các em mà không vi phạm quy định trên của bộ.

Khối A cũng chật vật

Do đây là năm đầu tiên tuyển sinh hệ ĐH nên đến thời điểm này, số hồ sơ nộp trực tiếp vào Trường ĐH Xây dựng Miền Tây khá khiêm tốn. Trong đó, bậc ĐH chỉ có 60 hồ sơ, bậc CĐ có 45 hồ sơ nộp tại trường. Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay trường này tuyển 1.170 chỉ tiêu, trong đó chỉ có 2 ngành đào tạo bậc ĐH là kiến trúc (50 chỉ tiêu) và kỹ thuật công trình xây dựng (250 chỉ tiêu). Tình trạng khó khăn trong tuyển sinh ĐH,CĐ 2012 tại ĐBSCL được đăng tải trên báo Người lao động.

Học sinh nghỉ học để... bắt chồng

Thầy giáo Bùi Hữu Duy, Phó hiệu trưởng Trường THCS xã Măng Bút, huyện Kon PLông (tỉnh Kon Tum) cho biết: Trong năm học 2011-2012 Trường THCS Măng Bút có 5 học sinh nghỉ học để... bắt chồng. Trong đó, duy nhất chỉ 1 em học lớp 9, số còn lại là học sinh lớp 8 và lớp 7. Câu chuyện buồn nhưng là thực tế đã, đang diễn ra ở nhiều xã vùng cao của đất nước ta vừa được đăng trên báo Quân đội nhân dân cuối tuần.

Hai học sinh lớp 10 tắm kênh chết đuối

Hè đến cũng là lúc nỗi lo học sinh đuối nước xảy ra. Thông tin trên báo điện tử Kiến thức cho hay: Rạng sáng nay 6/5, người thân đã tìm thấy và đưa thi thể 2 em Võ Công Lý và Nguyễn Trung Hiếu (đều 17 tuổi, cùng học lớp 10 trường THPT Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh-TPHCM).

Xây trường mới rồi... để đó

Những tòa nhà khang trang được xây dựng xong rồi bỏ hoang phí.. (Ảnh: Nguyễn Thùy - Duy Tuyên - Dân Trí)

Trên báo Tuổi trẻ có thông tin: Hơn 420 học sinh Trường tiểu học Diên Toàn (xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) phải học trong những căn phòng chật chội, xuống cấp được xây dựng cách đây gần 50 năm. Trong khi đó, ngôi trường mới hai tầng được nghiệm thu từ cuối năm 2010 đến nay vẫn chưa thể sử dụng vì đầu tư thiếu đồng bộ.

Dự án giáo dục hơn 200 tỷ đồng “treo” suốt 5 năm

Công trình xây dựng trường tiểu học và trung học dân lập Thanh Hoa tọa lạc trong thành phố Thanh Hóa, được đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Thế nhưng đã 5 năm trôi qua, dự án vẫn dở dang và hiện tại “đắp chiếu” ngay giữa lòng thành phố, thông tin trên báo điện tử Dân trí.

Học sinh, sinh viên đã được vay hơn 32.000 tỷ đồng

Báo Sài Gòn Giải Phóng thông tin: Sau 4 năm thực hiện, chương trình tín dụng đối với HS-SV, đã có trên 2,3 triệu HS-SV thuộc hơn 1,8 triệu gia đình có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập. Số tiền cho vay đạt hơn 32.500 tỷ đồng. Hiện mức cho vay tối đa là 1 triệu đồng/tháng/HS-SV.

Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTB-XH vừa hướng dẫn cơ chế phối hợp cung cấp thông tin cho Trang thông tin điện tử “Vay vốn đi học”, phục vụ quản lý công tác tín dụng đối với HS,SV. Theo đó, các cơ quan ở trung ương, địa phương, các cơ sở giáo dục, các cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động và người vay vốn đi học đều phải có trách nhiệm cung cấp thông tin cho trang thông tin điện tử.

  • Phong Đăng (tổng hợp)