- Hàng loạt chương trình tiếng Anh ồ ạt đưa vào giảng dạy tại các trường phổ thông nhưng chất lượng khó đối soát. Nguyên nhân chính là do thiếu giáo viên và bộ phận kiểm soát chất lượng đành buông xuôi không đủ lực lượng kiểm chứng, cấp phép....
>> Nở rộ dịch vụ 'ăn theo' giáo viên chưa đạt chuẩn
>> 'Bút chấm đọc' hỗ trợ giáo viên không đạt chuẩn
>> Giáo viên tiếng Anh khó chạm chuẩn quốc tế?
>> Nguy cơ đổ kế hoạch quốc gia dạy và học ngoại ngữ?
Ảnh minh họa |
Loạn chương trình
Báo Thanh niên số ra sáng 10/9 dẫn lời ông Phạm Xuân Tiến - trưởng phòng tiểu học Sở GD-ĐT Hà Nội, thành phố hiện có khoảng 300 trường tiểu học đang triển khai nhiều chương trình tiếng Anh tăng cường theo hình thức tự chọn cho học sinh từ lớp 1 trở lên. Nhưng chỉ có 3-4 chương trình được Sở GD-ĐT Hà Nội thẩm định và kiểm soát được chất lượng dạy học.
Không chỉ trường tiểu học, hàng trăm trường mầm non trên địa bàn Hà Nội cũng đua nhau đưa tiếng Anh vào chương trình cho trẻ từ 3-5 tuổi. 100% trường treo biển “chất lượng cao” đều dạy tiếng Anh.
Hiện, Hà Nội có khoảng 300 trường tiểu học dạy tiếng Anh.
Còn ở TP.HCM ông Nguyễn Hoài Chương – phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, về lâu dài thành phố chỉ thực hiện giảng dạy một chương trình tiếng Anh, nhưng do điều kiện hiện nay, cần nhiều chương trình dạy tiếng Anh khác nhau để học sinh ở bất cứ điều kiện nào cũng có thể tiếp xúc với tiếng Anh ngay từ lớp 1. Mỗi trường phải thực hiện ít nhất một chương trình tiếng Anh, trường nào có điều kiện có thể áp dụng nhiều chương trình cùng lúc.
Vì thế, ở Trường tiểu học Kỳ Đồng (Q.3, TP.HCM), hiện học sinh có 4 sự lựa chọn cho môn tiếng Anh, trong đó có chương trình Cambridge – một chương trình hiện đang thu hút phụ huynh hơn cả. Chương trình Cambridge gồm có học tiếng Anh, Toán và Khoa học bằng tiếng Anh, học 6 tiết/ tuần, học phí khoảng 3 triệu đồng/ tháng – gấp hàng chục lần so với chương trình tự chọn và tăng cường.
Không riêng gì Trường tiểu học Kỳ Đồng, rất nhiều trường học khác tại TP.HCM đang triển khai cùng lúc nhiều chương trình tiếng Anh.
Giáo viên giỏi cũng cần phiên dịch
Báo Tuổi trẻ dẫn số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, đến hết tháng 6/2012, toàn quốc chỉ có 1.062/11.784 giáo viên tiếng Anh tiểu học đạt trình độ B2 và 2.785 giáo viên đạt B1 theo chuẩn Châu Âu, trong khi hơn 60% giáo viên tiếng Anh hiện này có trình độ ĐH và sau ĐH trong nước.
Điểm yếu của các giáo viên chủ yếu là ở các kĩ năng nghe, nói và phát âm. Trong khi những kĩ năng này là rất quan trọng đối với học sinh tiểu học – đối tượng bắt đầu tiếp xúc với một ngôn ngữ mới. Nếu các em phát âm sai ngay từ đầu, khi học lên các cấp cao hơn, những lỗi này tương đối khó sửa.
Không chỉ với giáo viên vùng nông thôn, tình trạng giáo viên không đạt chuẩn xảy ra ở cả những thành phố lớn, chỉ có một số trường chuyên hoặc trường chất lượng cao là có giáo viên giỏi thực sự.
Khảo sát của UBND TP Hà Nội, chỉ có khoảng 40% giáo viên ngoại ngữ nghe và hiểu bài do chuyên gia giảng dạy, 30% hiểu được 50% bài giảng bằng tiếng nước ngoài, còn 30% gần như không hiểu, phải phiên dịch sang tiếng Việt.
Câu chuyện ở một trường THPT thuộc TP.HCM về việc giáo viên tiếng Anh ngại giao tiếp với người nước ngoài, thậm chí giáo viên được đánh giá là giỏi nhất khi làm phiên dịch cũng tỏ ra lúng túng cho thấy tình trạng giáo viên không được đào tạo đồng đều tất cả các kĩ năng.
Trong một cuộc khảo sát trình độ giáo viên tiếng Anh của Sở GD-ĐT TP.HCM, ở cấp tiểu học có tới 700 giáo viên trên tổng số 756 giáo viên tham gia “cần đào tạo lại”. Ở hai cấp còn lại, cũng chỉ có 5% giáo viên đạt chuẩn.
Lý do việc tuyển chọn giáo viên tiếng Anh tiểu học chưa được thực hiện bài bản được ông Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng bộ phận thường trực của đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 (Bộ GD-ĐT) cho rằng, do trước đây tiếng Anh là môn tự chọn. Một nguyên nhân lớn khác là do các bài thi tiếng Anh ở các cấp chỉ tập trung vào ngữ pháp, từ vựng, dịch nên giáo viên không đầu tư luyện tập các kĩ năng giao tiếp cho học sinh. Từ đó kĩ năng giao tiếp của chính giáo viên cũng mai một đi.
Mới chuẩn ở... bằng cấp
Một nghịch lý đặt ra, các giáo viên thử việc tại trường đều tốt nghiệp sư phạm tiếng Anh, thậm chí có người tốt nghiệp loại khá giỏi. Nhưng khi có khách nước ngoài, giáo viên nào cũng ngại, không dám giao tiếp.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng bộ phận thường trực của đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 (Bộ GD-ĐT), nhận định khiếm khuyết của giáo viên thể hiện trên tất cả các mặt nghe, nói, đọc và viết. Chính vì thế, các chương trình đào tạo và bồi dưỡng tiếng Anh của đề án phải tập trung phát triển cả 4 kỹ năng này cho giáo viên. Tình trạng giáo viên không đạt chuẩn xảy ra ở tất cả các địa bàn trong cả nước.
“Hiện tượng giáo viên giỏi chỉ tập trung ở một số trường chuyên hoặc trường chất lượng cao là có thật”, lời ông Hùng.
Một câu hỏi đặt ra: dù ông Hùng từng khẳng định, giáo viên không đạt chuẩn sẽ có thiết bị hỗ trợ nhưng với việc nở rộ chương trình tiếng Anh việc kiểm soát chất lượng sẽ khó. Điều này đồng nghĩa, mục tiêu mở rộng dần quy mô học sinh phổ thông học ngoại ngữ đạt khoảng 70% vào năm học 2015 - 2016 và 100% vào năm 2018 - 2019 không khả thi khi các trường không triển khai đồng bộ 1 chương trình giáo dục ngoại ngữ 10 năm?
Khung tham chiếu năng lực ngoại ngữ chung châu Âu |
- Nguyễn Thảo (Tổng hợp từ Tuổi trẻ, Thanh niên)