Con người có thể ngửi được sự ốm yếu, hoặc ít nhất phát hiện được mùi đặc trưng trong mồ hôi của những người đang có hệ miễn dịch phải tích cực chống chọi với tình trạng viêm nhiễm, theo một nghiên cứu mới của Thụy Điển.


{keywords}

Trong nghiên cứu của Viện Karolinska (Thụy Điển), những người tình nguyện khỏe mạnh đã được tiêm lipopolysaccharide, một độc tố vi khuẩn kích thích phản ứng miễn dịch mạnh mẽ, hoặc nước muối, vốn được cho là không gây ra bất kỳ ảnh hưởng nào. 4 tiếng đồng hồ sau, nhóm nghiên cứu thu thập áo phông đã thấm mồ hôi của những người tình nguyện, cắt bỏ toàn bộ vùng nách áo và cho phần còn lại vào chai.

Tiếp đó, 40 sinh viên đại học đã ngửi các mẫu áo thu thập và đánh giá độ mạnh của mùi, sự dễ chịu và sức khỏe của chủ nhân mùi hương. Kết quả là, nhóm đánh giá cảm thấy những chiếc áo của người bị tiêm độc tố tỏa mùi nồng nặc và kém dễ chịu hơn so với những người được tiêm nước muối. Những chiếc áo của nhóm bị tiêm độc tố cũng được coi là tỏa mùi ốm yếu hơn.

Mặc dù trước đây từng có báo cáo rằng, những người mắc một số bệnh nhất định sẽ tỏa mùi đặc trưng sau khi xuất hiện các triệu chứng bệnh (chẳng hạn như bệnh sốt vàng da có mùi được mô tả như "lò mổ thịt"), nhưng nghiên cứu mới cho thấy, con người thực sự có thể phân biệt giữa mùi của người ốm và mùi của người khỏe mạnh chỉ trong vòng 4 tiếng sau khi hệ miễn dịch được kích hoạt.

Nhóm nghiên cứu cũng khám phá ra rằng, phản ứng miễn dịch của người tình nguyện trước chất độc càng mạnh mẽ, mùi áo của họ càng được đánh giá là kém dễ chịu hơn. "Tựu chung lại, những phát hiện này chứng minh, con người phát tỏa một dấu hiệu hóa học khi chống chọi với bệnh tật, và những người khác có thể nhận biết được", trích kết luận nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Psychological Science.

Các nhà khoa học nhận định, khả năng phát hiện người ốm yếu qua mùi có thể đóng vai trò bảo vệ những người khỏe mạnh, giúp họ tranh xa những cá thể ốm yếu. Tuy nhiên, vì nghiên cứu được tiến hành trong phòng thí nghiệm và những người tình nguyện chỉ được tiêm duy nhất một độc tố, nên các nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn liệu có thu được cùng kết quả ở những người mắc viêm nhiễm khác ở bên ngoài phòng thí nghiệm hay không.

Một nghiên cứu năm 2011 từng hé lộ, các bệnh lây lan qua đường tình dục cũng có mùi. Trong đó, mồ hôi của những nam giới mắc bệnh lậu bị coi là gây khó chịu hơn mồ hôi của các bạn đồng giới không bị bệnh này.

Tuấn Anh (Theo Live Science)