Sau nhiều năm chống chọi với khó khăn, nguồn lực cho phát triển của Việt Nam ngày càng hạn chế, trong khi thời gian cho cơ hội đột phát, vượt lên không còn nhiều. Lựa chọn nào cho Việt Nam đi tới thịnh vượng hay bị tụt hậu lại phía sau.
Sau 5 năm tái cấu trúc, nền kinh tế vẫn còn rất nhiều đặc trưng lạ và rủi ro lớn mà nguyên nhân có lẽ không phải do định hướng sai mà do thực thi yếu kém, thiếu quyết liệt trong hành động, và quản trị chưa thực sự tốt.
Thách thức bủa vây
Không thể phủ nhận được những kết quả tích cực trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế trong hơn 4 năm qua. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là bước đầu. Thách thức còn rất nhiều, từ tài chính và ngân sách với nợ công tăng cao, thị trường vốn chậm phát triển… đi kèm với đó là những thách thức mới từ biến động tài chính quốc tế, nhu cầu phát triển nội tại.
Những đòi hỏi tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và mở rộng ra là cả nền kinh tế vẫn còn nhiều ngổn ngang.
Hệ thống ngân hàng gặt hái nhiều thành công trong quá trình tái cấu trúc. |
PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, vĩ mô ổn định và tăng trưởng GDP 6,68% trong năm 2015 là ấn tượng nhưng đóng góp chủ yếu đến từ khu vực đầu tư nước ngoài (FDI). Kết quả của khu vực DNNN và kinh tế tư nhân thì không được như vậy. Cổ phần hóa (CPH) mới chỉ tập trung vào số lượng, chưa quan tâm nhiều tới chất lượng, đến DN sau CPH.
TS. Lê Đăng Doanh thì lo ngại nhiều hơn về phần nợ công, sự mất thanh khoản, hiện tượng không cân đối được các khoản chi ở một số địa phương trong thời gian gần đây. Đỉnh nợ công được cho là sẽ lên tới trên 64% GDP trong năm 2017 nhưng nhiều người lo ngại phần chìm của tảng băng nổi.
Bội chi ở mức cao, sự lãng phí, mất cân đối ngân sách và tốc độ tăng nợ công quá nhanh là điều đáng lo ngại. Những thông tin về việc vay tiền Ngân hàng Nhà nước (NHNN), NHTM, vay thông qua trái phiếu quốc tế hay sự nóng lòng bán các DN tốt trên sàn… cho thấy áp lực lên ngân sách đang rất lớn.
Sự phát triển không đồng bộ của hệ thống tài chính, dồn rủi ro cho hệ thống ngân hàng cũng là một thách thức không nhỏ. Hiện tại, tín dụng ngân hàng chiếm tỷ trọng rất lớn so với thị trường vốn nên dẫn đến sự mất cân đối quá lớn giữa 2 kênh dẫn vốn cho nền kinh tế trong nhiều năm qua.
Gần 2 thập kỷ phát triển nhưng TTCK mới chỉ có vốn hóa tương đương 34% GDP, quá khiêm tốn so với khu vực. Huy động vốn vẫn chủ yếu qua TPCP mà khách hàng mua TPCP không ai khác vẫn chủ yếu là các NH.
Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cũng bày tỏ một số quan ngại đối với thị trường tài chính và cho rằng, Việt Nam cần giám sát chặt nguồn vốn ngắn hạn dùng để cấp vốn cho dự án dài hạn. Theo đó, vốn ngắn hạn sẽ mang đến hiệu ứng tích cực trong ngắn hạn nhưng trung và dài hạn cần được theo dõi.
|
Quyết đoán thoát thế khó
Ông Phạm Xuân Hòe, phó viện trưởng Viện Chiến Lược - NHNN lo ngại Việt Nam còn chịu ảnh hưởng mạnh từ những biến động và cú sốc toàn cầu trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn đang trong giai đoạn phục hồi và phát triển chưa bền vững.
Cũng theo ông Hòe, hệ thống tài chính Việt Nam đã tái cấu trúc khá thành công ở một vài góc độ. Tuy nhiên, dư địa chính sách vĩ mô, bao gồm chính sách tiền tệ và tài khóa không còn nhiều.
Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia đến từ BIDV cho rằng, Việt Nam đang hướng tới nhiều mục tiêu trong khi nguồn lực có hạn. Nhiều chính sách đã thay cho nhau, như làm thay chính sách tài khóa như trong các gói hỗ trợ…
Theo ông Lực, các bộ ngồi với nhau rất tốt nhưng sự phối hợp không được nhuần nhuyễn. Ngay cả lãi suất ngân hàng dù đã giảm nhanh nhưng chưa đạt được về mức trung và dài hạn. Lý do là bởi, lãi suất trái phiếu chính phủ rất cao. Và như vậy, thị trường đủ khôn ngoan để quyết định đầu tư vào đầu có lợi hơn.
Diễn biến tồi tệ của TTCK trong những ngày đầu năm mới 2016 khiến chứng khoán bốc hơi nhiều tỷ USD khiến nhiều đại gia run sợ và nó cũng cho thấy nhịp đập lạc điệu của kênh dẫn vốn này so với những dự báo kinh tế và các chỉ báo vĩ mô lạc quan.
Tài chính thiếu đồng bộ, áp lực dồn lên ngân hàng, thị trường trái phiếu DN gần như dậm chân tại chỗ, không phát triển và TTCK phái sinh mới manh nha, khu vực bảo hiểm cũng không đóng góp được nhiều cho thị trường tài chính. Tất cả cho thấy một sự mất cân bằng của thị trường tài chính, một sự phối hợp chưa nhịp nhàng giữa các cơ quan chức năng.
TS. Trương Văn Phước, phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, để kinh tế tiếp tục phát triển với tốc độ cao, để nền kinh tế hướng tới thịnh vượng hơn, không bị tụt lại ngày càng xa với các nước trong khu vực cũng như thế giới, Việt Nam cần mở thêm các thị trường vốn, cần huy động vốn nội tại nhiều hơn.
Theo ông Phước, cải cách thị trường vốn, cải cách các chính sách tài khóa phải được thực hiện mạnh mẽ và nhanh chóng, nếu không 3-5 năm nữa, Việt Nam sẽ lại gặp khó khăn như đã từng trải qua.
Cũng theo chuyên gia này, cấu trúc thị trường tài chính là vấn đề lớn, nghiêm túc. Chính sách tiền tệ phải tách bạch với chính sách tài khóa. Tách bạch về mặt cơ cấu. Chính sách tiền tệ không thể lấy tiền để cho thị trường vốn. Dư nợ cho vay trung và dài hạn chiếm 40-50% như hiện nay là rất nguy hiểm.
Tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước được kỳ vọng sẽ được thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt như tái cấu trúc thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống NHTM và các tổ chức tài chính như thời gian qua.
Sự năng động, sự quyết liệt trong hành động, sáng tạo hơn và một hệ thống quản trị kỹ trị, tiến dần tới thông lệ quốc tế hơn là điều đang được mong đợi.
V. Hà