Quả là đẹp thật nhưng ngày hôm sau, bờ mi ngứa rồi đỏ ửng lên cả mắt, tôi phải dùng nhíp nhổ hết mi giả ra và đến bác sĩ. Sau khi tháo mi nối, trên lông mi tôi vẫn còn bết keo dính. Bác sĩ chẩn đoán bị viêm bờ mi...

TIN BÀI KHÁC


“Đẹp chưa thấy đâu, đã thấy họa…”

Tại các cơ sở thẩm mỹ tư nhân, tiệm gội đầu… ở Hà Nội, dịch vụ nối mi giả đang khá hút khách hàng. Loại mi giả được ưa chuộng là mi rời. Sau khi gắn có thể để vài ngày hoặc hơn một tuần, thay vì phải dán hàng ngày như loại nguyên cả mi.

Chị Thu Linh, ở ngõ 98, Xuân Thuỷ (Hà Nội), một người vừa đi thử qua mốt mới này để cải thiện hàng mi trên quá lưa thưa của mình, cho biết nhân viên nối mi đã dùng một loại keo dán chuyên dụng để gắn mi giả vào chân (gốc) sợi lông mi thật.

Một mùi hôi, khó chịu của thuốc bốc ra, làm mắt chị cay xè. Sau đó từng chiếc mi giả, nhỏ, tơ được nhân viên dùng nhíp gắn lần lượt vào chân mi. Công đoạn này kéo dài chừng 30 phút, mắt nhắm chặt đợi mi khô 5 – 10 phút.

Quả là đẹp thật nhưng tối về nhà mỗi lần nhắm mắt thấy mi cứng, khó chịu....
“Quả là đẹp thật nhưng tối về nhà mỗi lần nhắm mắt thấy mi cứng, khó chịu. Việc rửa mặt cũng phải tránh chỗ mi giả vì sợ rụng. Sang ngày hôm sau, bờ mi ngứa rồi đỏ ửng lên cả mắt, tôi phải dùng nhíp nhổ hết mi giả ra và đến bác sĩ. Sau khi tháo mi nối, trên lông mi tôi vẫn còn bết keo dính. Bác sĩ chẩn đoán bị viêm bờ mi. Đẹp chưa thấy đâu, đã thấy hoạ”, chị Linh than thở.

Chủ một cửa hiệu làm đẹp ở phố Núi Trúc (Hà Nội) cho biết, giá một lần nối mi dao động từ 150.000 – 200.000 đồng. Mi gắn cho khách là mi tơ, gần giống mi thật nên nhìn rất tự nhiên. Keo dán mi cũng là keo chuyên dụng không hại cho mắt. Tuy nhiên, tuổi thọ của mi nối phụ thuộc vào cách giữ gìn của từng người. Khi lớp keo bong dần ra, những sợi mi giả cũng sẽ rụng đi hoặc do rửa mặt mi bị rụng, phải tới để gắn bổ sung.

Cân nhắc khi nối mi giả

ThS.BS Hoàng Cương, phó khoa khám bệnh, bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, mặc dù số bệnh nhân gặp nguy hiểm do nối mi, phải đến bệnh viện giải quyết hậu quả hiện chưa nhiều nhưng cũng cần cảnh báo sớm.

“Thi thoảng cũng có bệnh nhân tới khám do sử dụng các loại hoá chất gắn mi giả. Rất may là họ đến kịp thời nên không để lại hậu quả nặng nề. Đa phần chỉ mắc viêm bờ mi, sưng mắt do dị ứng hoá chất…”, BS Cương nói.

Cũng theo BS Cương, về lý thuyết, lông mi mắt là chất sừng phải được nuôi dưỡng từ gốc đến ngọn bởi các tế bào vi mạch máu. Nếu không có các mao mạch này, lông mi sẽ khô, chết và rụng dần. Trong quá trình thực hiện, nếu đúng kỹ thuật, mi mắt có thể sống được, không đào thải. Tuy nhiên kỹ thuật này đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, ít cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp tư nhân có thể làm được.

Hiện mi giả đang dùng đa phần không có nguồn gốc rõ ràng, chất dán mi cũng có nhiều loại khác nhau. Các cơ sở muốn giảm giá thành thường dùng chất dán rẻ tiền, không rõ thành phần, mập mờ chất lượng. Hơn nữa khi mi giả rụng sẽ khó chịu trong mắt. Nếu đưa tay dụi, vô tình đưa keo dán vào trong mắt, tạo điều kiện viêm mắt, sưng mắt…

Đó là chưa kể mi giả rụng còn có thể kéo theo mi thật. Mi thật mất dần đi, mọc lại chậm và mắt mất đi bờ chắn bảo vệ. Bên cạnh đó, keo dán mi còn dễ gây dị ứng, làm bít tắc các tuyến bã, gây viêm, ngứa đỏ mắt...

“Nếu muốn làm đẹp, chị em nên tới cơ sở có uy tín, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc, đã được kiểm nghiệm độ an toàn. Với những người có cơ địa nhạy cảm với hoá chất, hãy thận trọng khi dùng bất kỳ sản phẩm nào. Trong trường hợp lỡ làm mi giả mà gặp các sự cố như ngứa, sưng mắt… cần đến ngay bệnh viện để có cách điều trị phù hợp, tránh các biến chứng xấu”, BS Cương lưu ý.

(Theo Sài Gòn tiếp thị)