Nguy cơ gia tăng và bùng phát bệnh dại cao, Cục Thú y đã yêu cầu các địa phương tăng cường ngăn chặn buôn lậu chó tại các cửa khẩu.
Mới đây, tại Thanh Hóa, 10 trường hợp đã bị chó dại cắn, trong đó 2 người bị tử vong do không đi tiêm phòng. Điều này cho thấy, môi trường bình thường vốn dĩ cũng có thể xuất hiện nhiều chủng dại từ chó, mèo. Đặc biệt, với việc nhập lậu chó mèo qua biên giới như hiện nay, bệnh dại đang rất khó kiểm soát.
Tuy nhiên, theo khảo sát, tại Hà Nội, rất nhiều quán thịt chó mọc lên phục vụ thực khách. Điều này xuất phát từ thực tế, người dân Việt Nam rất chuộng món ăn này, trong khi thế giới kịch liệt phản đối việc hành hạ những con vật trung thành. Nhiều người coi đó là món khoái khẩu khiến tình trạng nhập lậu chó không rõ nguồn gốc không ngừng đổ vào Việt Nam.
Trong một Tọa đàm thảo luận về vấn đề thịt chó cũng như những nguy cơ tiềm tàng của bệnh dại xuất phát từ việc buôn lậu chó qua biên giới trước đó, các cơ quan chức năng đã thống nhất tạm dừng 5 năm các hoạt động thương mại liên quan đến chó giữa các quốc gia có chung biên giới nhằm chấm dứt việc buôn bán vận chuyển chó.
Theo ông John Dalley- Phó Chủ tịch Tổ chức Soi Dog Thái Lan: Rất nhiều người phản đối hành động này vì cho rằng ngành thương mại này liên quan đến các yếu tố văn hóa.
"Nhưng yếu tố văn hóa không giải quyết được bệnh dại, tiêu chảy, và rất nhiều các bệnh lây nhiễm khác", ông John Dalley nói.
Chó mèo nhập lậu khiến nguy cơ bùng phát dịch bệnh dại rất cao. |
Vấn nạn vận chuyển, buôn bán chó lậu tại Việt Nam đã được quy định là bất hợp pháp từ năm 2009. Tuy nhiên, nguồn lực dành cho việc giải quyết vấn đề này chưa dồi dào, việc thực thi pháp luật nhiều khi không khả thi, chưa được áp dụng một cách đầy đủ, và cho tới nay vẫn nhận được quá ít sự quan tâm.
Các nước thành viên Hiệp hội các Nước Đông Nam Á (ASEAN) cũng đã cam kết thực hiện các biện pháp xóa bỏ bệnh dại trước năm 2020, loại bệnh đã gây ra 29,000 ca tử vong tại Châu Á mỗi năm.
Chỉ riêng tại Việt Nam, hàng năm ước tính có khoảng 5 triệu cá thể chó bị giết phục vụ nhu cầu tiêu thụ thịt của con người. Ngành kinh doanh này chủ yếu dựa vào việc buôn lậu chó bất hợp pháp trong khi tất cả các nước trong vùng đã ra lệnh cấm vận chuyển chó chưa được tiêm chủng dại, chó không có chứng nhận sức khỏe, giấy phép nhập khẩu, và giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ.
Theo Trưởng Đại diện Tổ chức Động vật Châu Á ở Việt Nam, Việt Nam từ lâu đã trở thành điểm tập trung của những cá thể chó bị buôn lậu từ các nước láng giềng. Việc buôn bán thịt chó từ lâu đã bị nhiều tổ chức và đông đảo cộng đồng lên án. Chó nuôi lẫn chó lạc bị bắt và nhồi nhét vào trong các lồng xếp chồng lên nhau trên các xe tải đường dài. Những con chó bị lèn chặt vào nhau và không được kiểm soát dịch bệnh.
Các tổ chức cũng khuyến nghị, nghiêm cấm việc buôn bán chó là phương cách hữu hiệu không chỉ để ngăn chặn những vụ vận chuyển chó số lượng lớn có nguy cơ (hoặc đã) lây nhiễm bệnh, mà còn là giải pháp hiệu quả chấm dứt nguy cơ chính dẫn đến lây nhiễm bệnh dại.
Nạn buôn bán thịt chó, dù là phi pháp hay chưa được pháp luật quy định, đều mang lại một mối nguy hại cho cả sức khỏe của con người và quyền lợi của động vật. Quan điểm của Liên minh Bảo vệ Chó Châu Á khẳng định việc buôn bán và sản xuất thịt chó là phi nhân đạo. Rất nhiều cuộc điều tra trên toàn châu Á đã chứng minh rằng tất cả các khâu trong chuỗi buôn bán cung ứng thịt chó từ khai thác, vận chuyển, phân phối, đến giết thịt đều vô cùng tàn bạo. Hơn nữa, vấn nạn này còn đe dọa sức khỏe cộng đồng thông qua việc lây truyền dịch bệnh, mà đáng lo ngại hơn cả là bệnh dại.
Trước tình trạng bệnh dại đang có nguy cơ bùng phát, Cục Thú y đã yêu cầu các tỉnh biên giới tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, phòng, chống việc vận chuyển kinh doanh chó và thịt chó nhập lậu. Ngoài ra, cơ quan này cũng đặt ra yêu cầu tuyên truyền phổ biến kiến thức về bệnh dại, tính phi pháp của các hoạt động vận chuyển chó mèo nhập lậu cũng như các biện pháp phòng chống đến cộng đồng.
Theo Zing